Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Beeline sẽ 'bay' khỏi Việt Nam giữa tháng 9

Sau khi bị "bán" 49% cổ phần cho một doanh nghiệp khác với giá 45 triệu USD, thời gian "sống" của cái tên Beeline chỉ còn tính bằng ngày.

Beeline sẽ 'bay' khỏi Việt Nam giữa tháng 9

Sau khi bị "bán" 49% cổ phần cho một doanh nghiệp khác với giá 45 triệu USD, thời gian "sống" của cái tên Beeline chỉ còn tính bằng ngày.

Ngày 23/4/2012, VimpelCom - một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu thế giới tuyên bố đã ký thỏa thuận bán lại toàn bộ 49% cổ phần của họ tại GTEL Mobile - Công ty cung cấp mạng di động Beeline tại Việt Nam. Cổ phần được bán cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Truyền dẫn và Dịch vụ hạ tầng GTEL. Theo các điều khoản của thỏa thuận, đối tác sẽ trả bằng tiền mặt với giá trị 45 triệu USD. Sau khi hoàn tất việc mua bán, VimpelCom sẽ không còn quyền lợi, nghĩa vụ và trách nghiệm đối với GTEL Mobile. Ngoài ra, GTEL Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ ngày chuyển giao.

Ông Nguyễn Văn Dư, Phó Tổng Giám đốc GTEL Mobile cho biết, sở dĩ GTEL Mobile mua lại cổ phần của VimpelCom vì nhận thấy thị trường viễn thông di động Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và những gì Beeline Việt Nam đã xây dựng được là rất có giá trị đối với bất kỳ một nhà khai thác viễn thông nào. Việc kế thừa những thành quả Beeline đạt được trong thời gian qua sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho GTEL Mobile.

Hình ảnh Beeline với hai màu vàng đen sắp là quá khứ tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, có thể thấy các nhà khai thác bản địa cũng đã rất thành công và với sự am hiểu thị trường nội địa, đây chính là thời điểm tốt nhất cho GTEL nắm lấy cơ hội đầu tư này. Ông Dư cũng khẳng định, việc thay đổi chủ sở hữu không ảnh hưởng đến sự tiếp tục hoạt động và phát triển của Công ty cũng như quyền lợi của khách hàng và các đối tác, đồng thời mang lại nhiều sản phẩm tiện ích hơn cho người tiêu dùng Việt Nam. "Dù hoạt động dưới bất kỳ thương hiệu nào, điều quan trọng là mọi sản phẩm đã và sẽ cung cấp cho khách hàng vẫn đều là sản phẩm của Công ty GTEL Mobile. Các sản phẩm của chúng tôi đã và sẽ luôn phục vụ tốt nhất cho lợi ích của khách hàng. Chữ Beeline sẽ không còn trong tên các sản phẩm của chúng tôi trong tương lai nhưng tinh thần Beeline vẫn luôn nằm trong đó", ông Dư nói.

Như vậy, đến giữa tháng 9 này, GTEL Mobile sẽ không được phép sử dụng thương hiệu Beeline tại Việt Nam. Nguồn tin của báo Bưu điện Việt Nam cho hay, hiện GTEL Mobile đang chuẩn bị cho việc ra mắt thương hiệu mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc GTEL Mobile sẽ sử dụng thương hiệu mới như thế nào vẫn nằm trong vòng bí mật.

Beeline lại rơi vào trầm lắng

Sau khi VimpelCom bán tống cổ phần, "bỏ chạy" khỏi thị trường Việt Nam để cắt lỗ thì Beeline lại một lần nữa rơi vào sự trầm lắng. Gần như không còn chương trình quảng bá nào để thu hút khách hàng đến với mạng di động non trẻ này. Điều này dường như cũng đồng nghĩa với việc thuê bao cũ "đội nón ra đi" và việc hút thuê bao mới sẽ vô cùng hạn chế. Một mạng di động đưa ra nhận xét, Beeline giống như những cơn sóng biển sau đợt trào dâng dữ dội rồi lại rơi vào yên lặng. Nhiều đại lý sim ở Hà Nội cho biết, Beeline vẫn đang là mạng có mức cước hấp dẫn nhất, nhưng khách hàng không còn mua nhiều như ở một vài thời điểm trước khi mạng này tung ra gói cước Tỷ phú kèm điện thoại siêu rẻ.

Ở thời điểm này, việc thu hút các thuê bao di động mới và "giữ chân" các thuê bao cũ vô cùng khó khăn kể cả đối với các mạng di động lớn. Mới đây, ông Mai Văn Bình, Tổng Giám đốc MobiFone đưa ra con số thống kê năm 2011: MobiFone tung ra thị trường 30 triệu sim nhưng đến cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 sim (khoảng 1,66%). Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng được thương hiệu một mạng di động mới tại Việt Nam ở thời điểm này sẽ vô cùng tốn công, tốn của vì thị trường đang dần đến ngưỡng bão hòa. Thị trường di động Việt Nam đang ở giai đoạn "khắc nghiệt". Đây cũng chính là vấn đề trở ngại lớn nhất cho GTEL Mobile khi "lột xác" để trở thành một thương hiệu mới tại Việt Nam.

Hiện có khá nhiều đồn đoán xung quanh tương lai của Beeline khi trở về là mạng 100% vốn của GTEL Mobile. Nếu suy xét kỹ, Beeline vẫn có những thế mạnh mà các mạng di động lớn không có, trong khi đó mạng di động này lại thèm muốn những thế mạnh mà các mạng di động lớn đang có.

4 năm trước đây, ngay khi Beeline nhập cuộc vào thị trường Việt Nam, hình ảnh Beeline đã trở nên đình đám với chú gà con và gói cước BigZero. Chỉ sau chưa đầy một tháng "cơn lốc màu vàng đen" BigZero có mặt trên thị trường, 3 đại gia chiếm thị phần khống chế trên thị trường di động là Viettel, MobiFone và VinaPhone cũng hối hả tung các chính sách miễn cho một số phút gọi nội mạng.

Theo kết quả một cuộc điều tra về thương hiệu của các mạng di động do Công ty nghiên cứu thị trường TNS thực hiện vào cuối năm 2009, tân binh Beeline chỉ sau 6 tháng ra mắt đã đạt được sự nhận biết thương hiệu lên đến 76%, cao hơn Vietnamobile và EVN Telecom lúc bấy giờ. Như vậy, một câu hỏi đặt ra cho GTEL Mobile là thương hiệu mới thay thế liệu có đạt được những thành quả ban đầu giống như Beeline hay không? Đây thực sự là câu hỏi khó cho những nhà lãnh đạo của GTEL Mobile.

Theo ICT News

 

Theo ICT News

Bạn có thể quan tâm