"Ngày mai anh sẽ cho em lên sóng Beatvn cho biết. Bất lịch sự!", lời tuyên bố của một thanh niên sau khi bị một nữ "ninja lead" đâm gãy biển số xe và không chịu bồi thường gây sốt trên mạng xã hội vào tháng 12/2017.
"Đánh nó đi, xé quần áo nó ra, đưa lên Beatvn" là lời xúi giục trong một video đánh nhau lan truyền trên YouTube tại Việt Nam.
Đó là hai ví dụ cho thấy việc quay video và gửi cho Beatvn từ lâu như thú vui, một loại "quyền lực" cá nhân thời mạng xã hội, khi ai có smartphone cũng có thể gửi hình ảnh, câu chuyện của mình lên để được bênh vực, nổi tiếng, hoặc làm nhục người khác.
Beatvn - một nồi lẩu thập cẩm trên mạng xã hội, với nội dung chủ yếu là những mặt trái của cuộc sống. Minh họa: Nick Pat. |
Từ diễn đàn ăn chơi đến lá cải thời mạng xã hội
Có mặt từ năm 2009 dưới dạng một forum, Beatvn khi đó là một cộng đồng tập trung vào đời sống "dân chơi" như cá độ bóng đá, lô đề, chia sẻ ảnh gái xinh kèm số điện thoại, chuyện 18+, bàn về chất kích thích.
Đặc biệt, trang này còn là nơi chỉ điểm các chốt chặn của lực lượng 141, cảnh sát giao thông để những nhóm "dân chơi" có thể chủ động né tránh.
Đến giai đoạn Facebook bùng nổ, Beatvn tiếp tục phát triển thành hệ thống gồm website (diễn đàn) - fanpage - ứng dụng di động. Nội dung của trang này dần thay đổi, nhưng vẫn xoay quanh những câu chuyện, hình ảnh gây sốc hoặc tranh cãi, thu hút nhiều chia sẻ và bình luận. Mục "phòng thú tội" của Beatvn từng gây sốt với nhiều câu chuyện do các thành viên tự kể về quá khứ của mình, trong đó có những hành vi như hiếp dâm, trộm cắp, lừa đảo...
Đến 2015, nhiều fanpage lớn tại Việt Nam như 2idol!, Thức Khuya Xem Bóng Đá... bị Facebook truy quét. Beatvn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Sau đó, trang này phải xây dựng lại từ đầu, đồng thời đối mặt với hàng chục trang giả mạo mới lập ra.
Beatvn thời kỳ đầu là một điểm đến của các "dân chơi" với nhiều chủ đề nhạy cảm, phi pháp. Minh họa: Nick Pat. |
Khác với "báo lá cải" truyền thống của phương tây, Beatvn và những trang tương tự không cần đến những câu chuyện quá cầu kỳ. Chỉ cần ảnh một "hotgirl" bán nước, video chửi nhau trên đường... hay nụ cười đốn tim của bất kỳ idol nào, trang này cũng thu về hàng ngàn lượt tương tác, chia sẻ.
Bị tố gây ảnh hưởng đời tư và bị phạt hành chính
Cũng vì sự dễ dãi khi đăng thông tin lên Facebook, trang Beatvn đã bị phạt hành chính vì gây ảnh hưởng đến đời tư của N.T.A (sinh năm 1997) đang sống ở Hà Nội. Một thành viên của Beatvn đăng ảnh chụp lén N.T.A để nhờ cộng đồng tìm Facebook cô gái này, bên dưới là hàng trăm bình luận khiếm nhã, thô thiển nhắm đến hình thể của N.T.A.
Xét thấy cuộc sống cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề khi gia đình, bạn bè đều biết chuyện, N.T.A đã liên hệ với admin của Beatvn để nhờ gỡ ảnh, nhưng bị chính quản trị viên này châm chọc. Quá bức xúc, nữ sinh này đã tố cáo đến các cơ quan chức năng.
Ngày 5/7/2017, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử có quyết định xử phạt hành chính số 141/QĐ-XPVPHC do Cục trưởng Nguyễn Thanh Lâm ký, đối với công ty cổ phần Beat Việt Nam, công ty đang hoạt động mạng xã hội tại tên miền beatvn.com và beat.vn.
Công ty cổ phần Beat Việt Nam nhận mức phạt 35 triệu đồng do hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin có nội dung trái thuần phong mỹ tục của dân tộc tại tên miền beatvn.com và beat.vn”, quy định tại điểm b Khoản 4 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Kích động chửi bới trên mạng xã hội
Sau trận chung kết U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc, nhiều dân mạng Việt Nam đã ồ ạt tràn vào Facebook cá nhân của cầu thủ số 11 phía Uzbekistan để chửi bới.
Nguyên nhân được cho là do màn kích động của trang Beatvn, khi công khai ảnh chụp trang Facebook cầu thủ Sidorov. Sau đó, Beatvn đã bị cộng đồng Voz phản đối và phát động "thánh chiến" đánh sập hàng loạt Facebook của Beatvn.
Trang Beatvn khích tướng các fan cuồng vào chửi bới trên Facebook của cầu thủ Uzbekistan. |
"Mồi lửa" đầu tiên được châm bởi một admin (người quản lý trang) của Beat Troll, fanpage thuộc Beatvn. Sau trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan, fanpage 2,5 triệu lượt thích này đã đăng tải hình ảnh Facebook cá nhân của cầu thủ số 11, người đã ghi bàn vào lưới Việt Nam phút 119. Kèm theo đó là chú thích: "Mình để đây và các bạn biết phải làm gì rồi đấy..."
Sau đó ít phút, Beat Troll đã xóa hình ảnh trên và đăng tải một status khác đả kích những người đã quấy rối trang cá nhân cầu thủ Uzbekistan.
Sự việc đã dấy lên tranh cãi trong vài ngày qua. Nhiều bình luận cho rằng trang Beat Troll đã kích động người hâm mộ đang buồn sau trận thua. Nhiều người Việt đã vào chửi rủa, xúc phạm trong Facebook cá nhân của cầu thủ đội bạn.
Đại diện Beatvn cho biết: "Đây là lỗi của một người quản lý fanpage, giữa lúc cả nước đang vui lại đi đăng thông tin đó. Bên mình đã họp mặt và rút kinh nghiệm. Người quản lý đó cũng đã bị thôi việc". Ngoài ra, đại diện Beatvn cho biết họ cũng đã công khai xin lỗi và mong cộng đồng bỏ qua.
Những fanpage lớn như Beatvn đã chứng tỏ một loại quyền lực thời Facebook, có khả năng "dắt mũi" đám đông để làm những điều xấu xí trên mạng xã hội. Minh họa: Nick Pat. |
Tuy nhiên, hàng loạt bài viết trên diễn đàn Voz, một forum lâu đời tại Việt Nam, đã kêu gọi thành viên "thánh chiến" đánh sập 5 fanpage của Beatvn, trong đó có fanpage Beatvn với hơn 2,5 triệu lượt thích. Các bài đăng trên Voz thậm chí còn hướng dẫn cụ thể các bước để người dùng report (báo cáo) Beatvn và các fanpage "con" của trang này.
6 trang fanpage "vệ tinh", nhiều group nội bộ, một website và hai ứng dụng trên iOS, Android, hệ thống của Beatvn có thể tiếp cận khoảng 10 triệu lượt người dùng Internet tại Việt Nam.
Sau gần ba ngày đóng cửa, đến sáng 1/2, Facebook Beatvn đã xuất hiện trở lại. Cuộc "thánh chiến" của các thành viên Voz cũng đã dừng lại.
Theo nguồn tin riêng, trang Beatvn đang không ngừng tăng sức ảnh hưởng của mình trên Facebook tại Việt Nam bằng việc thu mua lại nhiều fanpage lớn có lượt thích lên đến hàng triệu. Cộng với 6 trang fanpage "vệ tinh", nhiều group nội bộ, một website và hai ứng dụng trên iOS, Android, hệ thống của Beatvn có thể tiếp cận khoảng 10 triệu lượt người dùng Internet tại Việt Nam.
"Những hệ thống này kiếm tiền nhờ vào nội dung quảng cáo cho các nhãn hàng tiêu dùng, game online... và những dịch vụ liên quan đến giới trẻ. Do đó, Beatvn và các trang fanpage trực thuộc phải đăng tải những nội dung thu hút đối tượng này, dễ nhất là những tin giật gân, gây sốc, tranh cãi, phản cảm...", N.H. Anh - một người làm lâu năm trong lĩnh vực quảng cáo và tiếp thị tại TP.HCM nhận định.