Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa điều trị thành công cho một nam sinh lớp 7, sống tại vùng Bảy Núi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Theo lời kể của gia đình, trong một lần cùng mẹ vào rừng, nam sinh bị một con rắn đang mang thai, rất hung hãn cạp ngay bàn tay trái. Mẹ em nhanh chóng hút nọc độc, dùng găng tay băng ép, cột thắt vùng trên vết cắn.
"Con rắn sau đó cũng được mẹ nam sinh đập chết. Chúng tôi khó xác định chính xác tên của loài rắn này song gia đình và người dân địa phương xác định đây là rắn lục nưa hay chàm quạp, một trong những loài có nọc rất độc thường sống tại khu vực này", bác sĩ Vũ kể với Zing.
Bé trai vượt qua cơn nguy kịch do trúng nọc độc rắn, dù trước đó nhập viện khá muộn. Ảnh: Phương Vũ. |
Tuy nhiên, sau khi sơ cứu, bé trai được mẹ đưa đến "thầy lang vườn" chuyên trị rắn cắn ở gần nhà. Vết cắn sau ba ngày được thầy lang băng thuốc dần giảm đau nhưng vẫn có bóng nước và xuất hiện nhiễm trùng.
Các vết bầm da toàn khắp toàn thân dần hiện rõ hơn và lan nhanh. Bé trai bị đau đớn nửa người trái, bụng đau ê ẩm. Thấy tình trạng bé không ổn, gia đình tức tốc đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
"Vết cắn sau 6 ngày đã nhem nhuốc và hoại tử, chúng tôi khẩn trương cắt lọc, băng vô khuẩn, giảm đau, truyền kháng độc tố rắn lục và liên tục các loại huyết thanh, chế phẩm máu để điều chỉnh rối loạn đông máu", bác sĩ Vũ nói.
Sau 3 ngày được chăm sóc tích cực, bệnh nhi hồi phục sức khỏe và có thể xuất viện.
Nọc rắn chàm quạp khiến nạn nhân tử vong trong thời gian ngắn nếu không nhập viện kịp thời. Ảnh: Spiderum. |
Rắn lục nưa hay chàm quạp, rắn lục Malaysia, khô lục nưa... (tên khoa học Calloselasma rhodostoma) thuộc họ rắn lục.
Chúng có màu nâu hay đỏ nâu, đầu hình tam giác, dọc theo sống lưng có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng giống cánh bướm. Hoa văn trên thân này cùng với màu sắc như lá khô nên khiến người dân khó phát hiện.
Rắn chàm quạp thường nằm cuộn tròn trong lá cây khô, cây gỗ già, bụi cây... nên rất khó phát hiện.
Loài rắn này khá hiếm gặp, sống chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, núi Cấm (An Giang) và khu vực núi đá vôi Nam bộ như Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang).
Theo thống kê của Bộ Y tế, các trường hợp bị tai nạn do rắn chàm quạp cắn là nông dân (65%), công nhân cao su (15%), học sinh (10%), công nhân (5%), lái xe (2,5%) và người đi du lịch (2,5%).
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ khuyến cáo khi bị rắn cắn, nạn nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Ngoài ra, khi đến nơi trú ẩn của rắn như cây cỏ, đống đổ nát hay đêm tối, nên trang bị quần áo bảo hộ an toàn và dùng đèn chiếu sáng.
Trong trường hợp gặp rắn, cần nhẹ nhàng tránh càng xa càng tốt, rắn khá sợ con người nên sẽ bỏ đi và chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa. Vì vậy, bạn không nên bắt rắn, đuổi hoặc dồn ép giết chết rắn, bởi rắn dù đã chết vẫn có thể còn chứa nọc độc nguy hiểm.
Trong tất cả trường hợp bị rắn tấn công, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế một cách nhanh chóng và an toàn nhất.
Quá trình xử trí bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu và theo dõi tại bệnh viện phải được tiến hành ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu để lâu hơn, kết quả điều trị sẽ rất kém hoặc không hiệu quả.