Một trong những người tiên phong nghiên cứu tỷ lệ sinh bé trai so với bé gái là John Arbuthnot với một nghiên cứu vào năm 1710 về tỷ lệ giới tính khi sinh.
Tỷ lệ giới tính (sex ratio hoặc gender ratio) được tính bằng số lượng bé trai được sinh ra trên 100 bé gái. Hình 12.4 được lấy ra từ nghiên cứu của John Arbuthnot cho thấy tỷ lệ giới tính có giá trị trung bình là 107 và nằm trong khoảng 101 đến 116 trong giai đoạn 82 năm từ 1629 đến 1710.
Tỷ lệ giới tính tại Anh trong giai đoạn 1629-1710. |
Giả định khả năng nam và nữ sinh ra là như nhau, việc cả 82 năm đều có tỷ lệ nam giới sinh ra nhiều hơn cũng giống như việc tung 82 lần một đồng xu và lần nào cũng nhận được mặt ngửa. Xác suất này là: 1/2^82 =2×〖10〗^(-25).
Đó là một xác suất cực kỳ nhỏ, với 24 số 0 đứng đằng sau dấu phẩy. Điều này giúp Arbuthnot kết luận rằng tỷ lệ giới tính là lớn hơn 100 mà theo ông là để giúp cân bằng với việc nam giới thường có tuổi thọ thấp hơn nữ giới.
Trong lịch sử của thống kê học, nghiên cứu này được đánh dấu là lần đầu tiên một kiểm định giả thuyết được thực hiện, với một giá trị p-value lần đầu tiên được tính toán.
Dựa trên dữ liệu trong quá khứ, lần đầu tiên chúng ta có thể bác bỏ giả thuyết gốc về việc tỷ lệ giới tính là cân bằng và kết luận về một kiểm định giả thuyết có ý nghĩa thống kê.
Mặc dù nghiên cứu của Arbuthnot chỉ được thực hiện tại Anh, nhiều nghiên cứu khác tại nhiều nơi trên thế giới tại các khoảng thời gian khác nhau đều cho thấy một kết luận tương tự. Ngày nay, tỷ lệ giới tính tự nhiên là khoảng 105, tức là 21 bé trai được sinh ra trên 20 bé gái và con số này có thể khác nhau tùy vào các yếu tố địa lý.
Một số quốc gia có tỷ lệ giới tính chênh lệch lớn nhất năm 2020 |
Bảng trên liệt kê một số quốc gia với tỷ lệ giới tính chênh lệch lớn nhất, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam. Hiện tượng lựa chọn giới tính khi sinh là một trong những nguyên nhân gây ra tỷ lệ nam giới sinh ra vượt trội so với nữ giới tại các quốc gia này. Nhưng vì chúng ta thấy được hình thái này tại hầu hết quốc gia trên thế giới và nhiều nghiên cứu về tỷ lệ giới tính được thực hiện trong quá khứ, khi mà việc lựa chọn giới tính khi sinh là chưa khả thi, điều này thể hiện rằng có một lý do đằng sau gây nên sự chênh lệch.
Đã có nhiều nghiên cứu được tiến hành để tìm cách lý giải về sự mất cân bằng giới tính khi sinh, nhưng chúng ta vẫn chưa có một câu trả lời cuối cùng cho hiện tượng này. Vì vậy, đây vẫn là một vấn đề đang được nghiên cứu một cách tích cực. Thật thú vị là những con số có thể gợi mở cho chúng ta những giả thuyết và những vấn đề cần phải giải quyết. Điều duy nhất mà chúng ta biết được ở đây là, có một hiện tượng tự nhiên về mặt sinh học đứng đằng sau và gây ra sự chênh lệch giới tính khi sinh, điều đã được chứng minh khi nhìn vào dữ liệu.