Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 3 tuổi bị đột quỵ

Đang ngồi chơi, bé trai đột ngột ngã xuống sàn, lên cơn co giật và bất tỉnh.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bé T.N. (3 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng hôn mê.

Kết quả xét nghiệm và chụp CT-Scan sọ não tại khoa Cấp cứu cho thấy bé có dấu hiệu xuất huyết dưới nhện nhiều. Sau khi các bác sĩ hồi sức ổn định, bé tiếp tục được chụp DSA mạch máu não để tìm nguyên nhân gây đột quỵ.

"Đúng như dự đoán ban đầu, nguyên nhân xuất huyết não của bé là túi phình mạch máu não", bác sĩ Vũ nói.

be trai bi dot quy anh 1

Bé T.N. là bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất được ghi nhận tại bệnh viện. Ảnh: Phương Vũ.

Bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên khoa Ngoại Thần kinh để các bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị. Mục tiêu là làm tắc hoàn toàn túi phình để tránh tình trạng xuất huyết não thêm nữa.

Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt stent chuyển dòng cho bé để làm tắc hoàn toàn túi phình. Đây là phương pháp điều trị kỹ thuật cao, không cần phẫu thuật, được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố hơn 2 năm nay.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, khoa Ngoại Thần Kinh, đã khéo léo luồng ống thông vào trong mạch máu của bệnh nhi qua lỗ kim rất nhỏ ở ngoài da, đi theo các mạch máu đến vị trí túi phình, sau đó thả stent chuyển dòng gây tắc túi phình.

Các bác sĩ cho biết thủ thuật này có mức giá khá cao nhưng nhờ bảo hiểm y tế hỗ trợ, gia đình bệnh nhi không tốn quá nhiều chi phí cho đợt điều trị. Hiện tại, bé ổn định sức khoẻ, chuẩn bị xuất viện.

Túi phình mạch máu não là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, các bệnh lý túi phình mạch máu não xuất hiện ngày càng nhiều độ tuổi trẻ hơn. Bé trai 3 tuổi là trường hợp trẻ nhất mắc bệnh túi phình mạch máu não được ghi nhận tại bệnh viện.

Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở người trẻ tương tự bệnh nhân lớn tuổi. Các dấu hiệu khởi phát có thể là méo miệng, yếu tay chân, không nói được, thậm chí nhanh chóng hôn mê, co giật khi xuất huyết não nhanh chóng.

"Túi phình mạch máu não là hiếm gặp nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng", bác sĩ Huỳnh Hữu Danh chia sẻ.

Nguyên nhân gây đột quỵ Đột quỵ là hiện tượng lưu lượng máu thông qua động mạch đến não giảm, khiến các tế bào chết.

Tại sao ngày càng nhiều người trẻ bị đột quỵ?

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ em. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm