Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé trai 14 tuổi chấn thương sọ não do tập đi xe máy

Chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy nhưng bé trai ở Hà Tĩnh đã tự ý tập sử dụng. Trong quá trình tập, trẻ không may bị đâm vào cột điện bên đường.

Chỉ tính riêng một tuần trở lại đây, khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 7 bệnh nhi (độ tuổi từ 2-14) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do bị chấn thương sọ não.

Chủ yếu do tai nạn sinh hoạt, giao thông

TS.BS Đặng Ánh Dương, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, cho biết trong số những trẻ đang điều trị, đáng chú ý có bé trai M.T. (14 tuổi, Hà Tĩnh). Theo quy định, trẻ chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy nhưng T. đã tự ý tập sử dụng. Trong quá trình tập, trẻ không may bị đâm vào cột điện bên đường.

Sau tai nạn, T. nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, vỡ gan, thận, lách, rách tĩnh mạch chủ dưới, phổi, tụ máu ở mắt và có nhiều vết xây xát trên cơ thể.

chan thuong so nao do di xe may anh 1

Trẻ nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, vỡ gan, thận, lách, rách tĩnh mạch chủ dưới. Ảnh: BVCC.

Một trường hợp khác cũng nhập viện do chấn thương sọ não là bé trai 17 tháng tuổi, ở Hưng Yên. Khi đang chơi tại nhà, trẻ không may bị ngã từ tầng 2 xuống (độ cao khoảng 3,5 m), khiến đầu trẻ đập vào nền đất cứng.

Sau khi nhập viện, tất cả bệnh nhi đều được hỗ trợ thở máy, kiểm soát huyết áp, phẫu thuật chấn thương sọ não, chống phù não, nhiễm trùng và bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, hiện tình trạng của các bé đều rất nặng, nguy cơ tử vong cao.

TS.BS Đặng Ánh Dương cho hay chấn thương sọ não là tình trạng người bệnh bị sang chấn vào đầu gây tổn thương hộp sọ và các cấu trúc khác bên trong.

Chấn thương sọ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với trẻ em. Chấn thương sọ não ở trẻ em thường do bất cẩn trong sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông, thường gặp nhất là ngã cầu thang, ngã từ trên giường, leo trèo, đi xe đạp, vật nặng va đập trúng đầu.

Chấn thương sọ não nhẹ nhất là tụ máu dưới da đầu. Khi sờ sẽ thấy một cục nhỏ dưới da đầu. Nặng hơn là các tổn thương ở xương sọ như nứt, lún hay vết thương sọ não. Trầm trọng hơn là các tổn thương trong hộp sọ như máu tụ ngoài hay dưới màng cứng, dập não. Tùy vào vị trí tổn thương ở sẽ để lại di chứng hoặc không. Trường hợp chấn thương rất nặng có thể gây ra di chứng về thần kinh hoặc yếu, liệt không phục hồi hoặc trẻ có nguy cơ tử vong.

Phòng tai nạn thương tích cho trẻ

Theo bác sĩ Dương, trẻ nhỏ 1-6 tuổi là lứa tuổi thường dễ bị chấn thương sọ não do hiếu động, nghịch ngợm, thích tò mò khám phá xung quanh và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Các trẻ trong độ tuổi học sinh thường xuyên phải di chuyển trên đường trong quá trình đi học, tan trường về nhà, tham gia các hoạt động ngoại khóa nên có thể gặp tai nạn giao thông với chấn thương rất nặng.

chan thuong so nao do di xe may anh 2

Nhân viên y tế chăm sóc cho trẻ bị chấn thương sọ não. Ảnh: BVCC.

Vì vậy, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần quan tâm, chú ý đến trẻ, luôn đảm bảo con ở trong tầm mắt của người lớn, đặc biệt trong dịp bé được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở. Các cửa sổ, ban công phải có rào chắn an toàn. Bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ vấp, ngã. Khi chở các trẻ lớn đi xe gắn máy nên đội mũ bảo hiểm cho bé.

Với các trẻ lớn hơn, gia đình và nhà trường cần hướng dẫn, giáo dục trẻ cách tham gia giao thông an toàn, chấp hành luật lệ. Tuyệt đối không cho trẻ tập hay đi xe máy, xe đạp điện khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Khi trẻ xảy ra chấn thương ở đầu, cha mẹ và người chăm sóc cần phát hiện kịp thời và đưa con đi khám, tránh để chấn thương sọ não, dẫn đến di chứng nặng nề.

Cách sơ cứu khi trẻ bị ngã hay gặp tai nạn giao thông

TS.BS Đặng Ánh Dương cho biết sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có thể bảo toàn được tính mạng của trẻ hoặc hạn chế để lại di chứng. Khi trẻ bị ngã hay gặp tai nạn giao thông, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần:

- Đưa trẻ ra khỏi vùng nguy hiểm để tránh gây thêm thương tích (ví dụ khi trẻ bị tai nạn giao thông, cần đưa ngay vào lề đường).

- Quan sát vết thương toàn thân của trẻ, nếu thấy chảy máu ồ ạt, cần băng ép cầm máu. Chảy máu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng sốc. Vết thương chảy máu cũng là chấn thương thường gặp nhất khi bị tai nạn giao thông.

- Bảo vệ cột sống của trẻ, không được di chuyển nhanh, mạnh như bế bé chạy, gập hay ngửa cổ. Việc này tránh để trẻ bị tổn thương cột sống cổ thứ phát, gây nên tình trạng trạng liệt về sau.

- Sau đó, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Cách phân biệt cảm cúm và Covid-19 Dù các triệu chứng khá giống nhau, người dân có thể phân biệt cảm cúm và Covid-19 dựa trên dấu hiệu đau họng ban đầu và mất mùi vị sau khoảng một tuần.

8 dấu hiệu nhận biết trẻ bị suy giảm thị lực

Bác sĩ Thùy Linh cho biết trẻ không được phát hiện bệnh sớm để đeo kính kịp thời, tình trạng suy giảm thị lực sẽ ngày càng nặng hơn, thậm chí dẫn đến nhược thị.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm