Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM) cho biết, 11h30 ngày 29/10, khoa tiếp nhận bệnh nhi Toàn (quận Phú Nhuận) trong tình trạng tím tái, hôn mê sâu.
Lập tức, bé được các bác sĩ xử lý đường thở, hút đờm, nước, đặt nội khí quản và chống co giật. Sau đó, bệnh nhi bớt co giật nhưng vẫn hôn mê nên các bác sĩ phải cho thở máy.
Mẹ bé kể, sáng cùng ngày bé bò vào nhà tắm, lọt vào xô nước sâu nửa mét.
Toàn đã tỉnh táo nhưng vẫn phải nằm điều trị trong phòng cách ly. Ảnh: Khánh Trung. |
Khoảng 10 phút, không thấy con, người mẹ vào nhà tắm tìm. Khi được vớt lên, bé đã hôn mê sâu.
Người mẹ hốt hoảng nghĩ con bị uống nước nhiều nên ấn bụng thay vì ấn ngực. Sau đó, hàng xóm chạy đến sơ cứu ấn ngực, thổi ngạt và đưa Toàn đi bệnh viện.
Sau một tuần điều trị, bé đã cai máy thở, tỉnh táo, khóc đòi mẹ. Theo bác sĩ, đây là trường hợp cứu sống ngạt nước hy hữu, vì em bé bị ngạt nước trên 5 phút khó qua khỏi.
Trong thời gian tới, bệnh nhi phải được thăm khám định kỳ theo quý để đánh giá về thần kinh vận động. "Chúng tôi hy vọng bé vận động tâm thần tốt như những đứa trẻ bình thường", bác sĩ Tiến nói.
Năm ngoái bệnh viện này cũng cứu sống một bé 14 tháng tuổi bị ngã xuống ao sâu trong nhiều phút.
Theo bác sĩ, khi phát hiện bé từ 1 đến 8 tuổi bị đuối nước thì phải ấn vào ngực nạn nhân 30 cái. Sau đó, dùng miệng thổi vào mũi bé. Không nên xốc nước nạn nhân, vì dịch trong dạ dày tràn xuống gây viêm phổi cấp, khó khăn cho điều trị về sau.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.