Hai tuyên bố của các lãnh đạo APEC được thông qua về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”.
Cùng với đó là bốn văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.
Kết nối là cần thiết
Chiều 11/11, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê ở thủ đô Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo APEC đã thảo luận về “Đẩy mạnh kết nối toàn diện và phát triển hạ tầng cơ sở”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối toàn diện đối với tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh kết nối hàng hải và hàng không, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, thúc đẩy sự thịnh vượng và tinh thần cộng đồng ở châu Á - Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo hoan nghênh những thành quả mà các thành viên APEC đã đạt được về hợp tác tăng cường kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các nền kinh tế thành viên trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư (PPP) về hạ tầng cơ sở thông qua các sáng kiến trong khuôn khổ APEC.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị các thành viên cần chú trọng hợp tác ứng phó với những thách thức toàn cầu, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên đang phát triển, đẩy mạnh hợp tác giáo dục và đào tạo, tăng cường hợp tác công - tư, phát huy vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp...
Chủ tịch nước cho rằng vấn đề thiết yếu là cần gắn kết các khuôn khổ kết nối ở mọi tầng nấc của khu vực, bảo đảm tính bổ trợ, phối hợp trong đề xuất và triển khai sáng kiến của các khuôn khổ này.
Hội nghị cấp cao APEC 22. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN” cùng các dự án kết nối hạ tầng cơ sở ở ASEAN lục địa và tiểu vùng Mekong mà các thành viên ASEAN đang triển khai mạnh mẽ có thể được coi là một hạt nhân thúc đẩy kết nối ở châu Á - Thái Bình Dương.
Kết nối khu vực cùng tăng trưởng kinh tế và giảm khoảng cách phát triển là những nội hàm then chốt của một cộng đồng ASEAN tự cường, hài hòa và gắn kết.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế trên biển
Ngay sau đó, các nhà lãnh đạo APEC tiếp tục phiên thảo luận toàn thể thứ hai về “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”.
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh triển vọng về sự thịnh vượng chung của APEC sẽ phụ thuộc vào phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng ở khu vực, và châu Á - Thái Bình Dương đang ở giai đoạn then chốt của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế.
Các nhà lãnh đạo khẳng định ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và nâng cấp các ngành truyền thống, khai thác những tiềm năng tăng trưởng kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế biển, kinh tế mạng, phát triển nguồn nhân lực, tránh bẫy thu nhập trung bình...
Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cam kết đẩy nhanh tốc độ cải cách và sáng tạo, cùng nỗ lực nâng cao vị thế của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề cập đến vấn đề hợp tác kinh tế trên biển. Chủ tịch nước nói: “Chúng tôi cũng nhất trí rằng việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới. Trong đó, hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác đánh bắt cá, ứng dụng khoa học - công nghệ... là những nội hàm không thể thiếu.
Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á/Biển Đông”.
Chủ tịch nước khẳng định với quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, Việt Nam đang triển khai mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên thúc đẩy phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2015.
Các lãnh đạo APEC mặc “đại cán”
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao APEC dự tiệc tối 10/11 (ảnh) đã làm không khí bớt nghi lễ nghiêm trọng với bộ lễ phục áo chẽn lụa cổ cao đại cán.
Trang phục năm nay có ba màu tím, xanh lá và nâu. Mặc dù đường lối ngoại giao khác nhau nhưng Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin cùng xuất hiện trong trang phục màu tím bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong khi đó các nhà lãnh đạo nữ khoác trên người chiếc áo khoác đại cán dài với cúc cài. Ngoài ra, vợ của các lãnh đạo tại APEC diện trên người trang phục sườn xám thêu tay cổ cao cùng một chiếc áo khoác bên ngoài.
AFP cho biết truyền thống này bắt đầu khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton khoác lên người chiếc áo khoác da của phi công ném bom tại APEC năm 1993 ở Seattle, Mỹ.
Các lãnh đạo châu Á - Thái Bình Dương cũng mặc áo khoác lụa Durumagi của Hàn Quốc tại APEC 2005 và áo dài tại Hà Nội kỳ APEC 2006.
Tuy nhiên tại Peru năm 2008, các lãnh đạo thế giới đã mặc một chiếc áo choàng pôngsô mà các nhà phê bình ví von trông như những “bao tải khoai tây”.
Người phát ngôn APEC David Hendrickson thừa nhận việc mặc trang phục truyền thống của một quốc gia “không thật sự thích hợp” trong trường hợp này.
Các lãnh đạo APEC đã lặng lẽ bỏ qua truyền thống mặc quốc phục khi tham dự APEC sau sự kiện lần đó. Tuy nhiên tại Hội nghị APEC năm ngoái, Indonesia đã hồi sinh truyền thống một cách ngoạn mục khi lãnh đạo Indonesia mặc trang phục truyền thống thiết kế theo phong cách Bali đón tiếp vợ chồng các lãnh đạo thế giới trong buổi tiệc tối.
ANH THƯ
APEC cam kết ủng hộ FTAAP
Các nước thành viên APEC hôm qua đã ra tuyên bố chung, trong đó lặp lại cam kết ủng hộ một cơ chế tự do thương mại do Trung Quốc thúc đẩy.
Theo AFP, 21 thành viên APEC nói trong tuyên bố rằng sẽ theo đuổi sáng kiến Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) từng bước một dựa trên sự đồng lòng.
“Chúng tôi đồng ý rằng APEC sẽ có những đóng góp quan trọng hơn và có ý nghĩa hơn như một vườn ươm để biến FTAAP từ viễn cảnh thành hiện thực - tuyên bố chung nói - FTAAP sẽ được công nhận bên ngoài APEC, song hành với các tiến trình của APEC”.
Tuyên bố cũng nói APEC sẽ duy trì các nguyên tắc không ràng buộc, hợp tác tự nguyện trong việc đóng góp cho việc hiện thực hóa FTAAP.
AFP cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị cũng đã cảnh báo các nhà lãnh đạo một “mối nguy hiểm tiềm tàng về sự chia rẽ của một khu vực chung thành các liên minh tách biệt cạnh tranh lẫn nhau”.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhấn mạnh hai sáng kiến mậu dịch tự do kể trên đều không đối nghịch nhau. Trên quan điểm này, phía Mỹ nói FTAAP được coi như một mục tiêu tương lai xây dựng các đối tác thương mại đa phương như TPP.
Các nhà quan sát cho rằng FTAAP dường như là một kế hoạch dài lâu, trong đó nước ủng hộ chính là Trung Quốc đang bị nói là bảo vệ thị trường nội địa của mình, cản trở viễn cảnh tự do hóa thương mại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bữa ăn tối. Hôm nay (12/11), hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp chính thức mà theo phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, các vấn đề về gián điệp mạng, tranh chấp lãnh hải và nhiều vấn đề khác sẽ được nêu ra.
“Chúng tôi hoan nghênh khát khao của Trung Quốc trong việc đóng một vai trò trong cộng đồng quốc tế tương xứng với vị thế kinh tế và chính trị của họ, cũng như vị thế là nước đông dân nhất thế giới” - Reuters dẫn lời ông Rhodes phát biểu và nói thêm Mỹ sẽ “rất rõ ràng” với Trung Quốc nếu Bắc Kinh vượt quá giới hạn các quy chuẩn quốc tế về an ninh mạng và cách giải quyết các tranh chấp.
Phát ngôn của ông Rhodes được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh việc thành lập các thể chế khu vực mà họ muốn đứng đầu, như một diễn đàn an ninh khu vực và một ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.