Theo CNA, khi mang thai ở tuần 23, Rohani Mustani bị đau bụng và tăng huyết áp đột ngột do chứng tiền sản giật nghiêm trọng. Các bác sĩ cho biết tỷ lệ sống sót của thai nhi khoảng 20%.
Tiến sĩ Krishnamoorthy Niduvaje, chuyên gia tư vấn cấp cao tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore (NUH), cho biết trẻ sinh non trước 24 tuần tuổi có cơ hội sống sót rất thấp.
Bất chấp rủi ro, Rohani và chồng quyết định sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai khẩn cấp.
"20% vẫn là hy vọng, còn hơn là không có. Vì vậy, chúng tôi quyết định sinh con. Dù có chuyện gì xảy ra sau đó, tôi cứ phó mặc cho số phận. Tôi không hối tiếc vì đã sinh con thay vì bỏ thai", Rohani chia sẻ.
Bé gái Zaiya chỉ nặng 345 g khi ra đời. Ảnh: CNA. |
Ngày 27/3, bé gái Zaiya được sinh ra chỉ sau 23 tuần 6 ngày, nặng 345 g, tương đương một bàn tay người lớn. Ngay sau khi sinh, Zaiya được chuyển ngay đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).
Cô bé phải nằm trong lồng ấp bao quanh bởi các ống nối với máy thở. Cha mẹ không được chạm vào con suốt 3 tháng vì nguy cơ nhiễm trùng cao.
"Con nằm trong lồng ấp, chúng tôi chỉ có thể nhìn con qua tấm kính trong suốt. Tôi cảm thấy rất đau xót. Lần duy nhất tôi có thể nhìn trực diện con là khi y tá thay tã", Rohani nói.
Y tá Wang Xia chia sẻ đối với Zaiya, mọi thứ đều quá lớn. Các y tá phải cẩn thận luồn những ống nối vào cánh tay cô bé - tương đương ngón tay của người lớn - để truyền dịch và bổ sung dinh dưỡng trong vài tuần đầu tiên.
"Zayia không thể ăn sữa. Trẻ sinh non gặp khó khăn trong việc tiêu hóa sữa. Vì vậy, chúng tôi phải truyền bổ sung dinh dưỡng cho bé", Wang chia sẻ.
Vì da của Zaiya rất mỏng, gần như trong suốt, cô bé phải thay tã ít nhất 6-8 lần mỗi ngày để tránh bị kích ứng và nứt da, có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Sau 6 tháng điều trị, Zaiya được xuất viện khỏe mạnh. Ảnh: CNA. |
Rohani cho biết một trong những trở ngại chính của Zaiya là tăng cân. Cô luôn hy vọng được nghe y tá thông báo về việc tăng cân của con gái. Thậm chí chỉ cần tăng 100 g hay 200 g cũng là tin vui với Rohani.
Ngoài ra, tiến sĩ Krishnamoorthy cho biết vì Zaiya sinh non, các mạch máu trong mắt không phát triển đầy đủ "theo cách có tổ chức". Cô bé có thể bị mù nếu không được điều trị đúng cách. Zaiya cũng có lỗ hỏng nhỏ ở tim.
Rất may mắn, sau 6 tháng điều trị, Zaiya nặng 4,27 kg và khỏe mạnh. Cô bé đạt được các mốc quan trọng cần thiết khi được 2 tháng như đáp lại lời người khác bằng cách mỉm cười, ngẩng đầu và cầm nắm đồ vật.
Sau khi dùng thuốc, lỗ hổng ở tim của Zaiya đóng lại, không cần phẫu thuật. Cô bé được xuất viện vào tháng 8 và sau đó quay lại để phẫu thuật mắt bằng tia laser. Ca phẫu thuật cũng thành công.
Các bác sĩ cho biết Zaiya có thể là một trong những em bé nhỏ nhất Singapore sống sót và được xuất viện.