Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) mới đây, bé N.T.T. (8 tuổi, trú tại địa phương) tắm tại ao của gia đình. Tuy nhiên, khi bé T. về nhà, gia đình bất ngờ phát hiện con bị chảy máu tại vùng kín.
Lúc này, gia đình mới kiểm tra và phát hiện một con đỉa trong bộ phận sinh dục của con. Ngay sau đó, gia đình bé đã cố gắng lấy được con đỉa ra ngoài. Tuy nhiên, máu vẫn tiếp tục chảy ra từ bộ phận sinh dục của trẻ nên gia đình đã nhanh chóng đưa con đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê khám.
Tại đây, bác sĩ xử lý lấy máu tụ trong âm đạo, làm sạch cục máu đông, tẩm thuốc cầm máu. Sau 30 phút, không có máu chảy ra từ trong âm đạo, trẻ được về phòng theo dõi và xuất viện một ngày sau.
Cục máu đông được lấy ra từ âm đạo của bé T. Ảnh: BVCC. |
Theo bác sĩ Trần Thành Công, khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, đây là trường hợp khó và tế nhị. Ngoài việc cầm máu cho bé gái, các nhân viên y tế còn cần phải đảm bảo không làm tổn thương màng trinh của bé.
Bác sĩ cũng cho biết khi trẻ tắm sông, suối và ao hồ, đỉa có khả năng chui vào những khe hở rất nhỏ, sau đó bám vào hút máu đến khi nó tự chui ra hoặc trú luôn bên trong.
Hiện tượng chảy máu liên tục sau khi bị đỉa cắn là do khi hút máu, miệng chúng tiết ra chất làm rối loạn đông máu tại chỗ, khiến máu không thể đông.
Do đó, vị chuyên gia khuyến cáo các gia đình có con nhỏ cần giáo dục, hướng dẫn và chăm sóc trẻ. Người lớn không để trẻ tự ý tắm ở các vùng ao, hồ, suối nhằm tránh những tác hại có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
Ngay sau khi trẻ tự ý đi tắm ở sông, suối và có biểu hiện ở vùng mũi, họng, bộ phận sinh dục như ra máu hoặc bất cứ biểu hiện bất thường nào, gia đình phải đưa con đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ xử trí, can thiệp kịp thời.