Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Bê bối xúc phạm quân đội đe dọa cơ hội tái đắc cử của TT Trump

Ông Donald Trump bước vào giai đoạn nước rút bầu cử tổng thống Mỹ đầy sóng gió, với tâm điểm ngay đầu tháng 9 là bê bối xúc phạm quân nhân Mỹ tử trận và khinh thường quân đội.

Một loạt phát ngôn xem thường quân đội - lực lượng tượng trưng cho giá trị và lòng yêu nước của người Mỹ - được nhiều hãng tin rò rỉ vào tuần đầu tháng 9 đang thu hẹp cơ hội Tổng thống Trump tái đắc cử vào tháng 11.

“Tôi không hiểu? Họ làm vậy thì được gì?"

Tổng thống Donald Trump nói với Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly ngày 29/5/2017, tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Hai người đang đứng trong Khu 60, phần đất rộng chỉ hơn 5,6 ha gần bờ sông Potomac, Washington D.C - nơi chôn cất những quân nhân Mỹ tử trận trong các cuộc viễn chinh gần đây nhất của nước Mỹ, phần lớn từ chiến trường Afghanistan và Iraq.

Ông Trump đặt câu hỏi ngay trước phần mộ thượng úy thủy quân lục chiến Robert Michael Kelly - con trai út của tướng John Kelly và là người thiệt mạng ở Afghanistan vào năm 2010.

"Ông ấy dường như không thể hiểu được lý tưởng làm một điều gì đó cho ai khác ngoài bản thân mình. Ông ấy chỉ nghĩ bất kỳ ai làm việc không có tư lợi trực tiếp là dở tệ. Phục vụ đất nước thì không có tiền. Ông ấy không thể tưởng tượng được nỗi đau của bất kỳ ai khác. Chỉ có thể vì thế nên ông ấy mới nói điều này với người cha của một thủy quân lục chiến tử trận đúng vào Lễ Tưởng nhớ, ngay ở nơi con của ông ấy được chôn cất", một người bạn của tướng Kelly kể lại.

Đó là một trong những tiết lộ trong bài viết bom tấn trên Atlantic cuối tuần qua, được Forbes ví von là “Bất ngờ tháng 9” của bầu cử Mỹ năm nay. Bài điều tra được chính tay Tổng biên tập Jeffrey Goldberg thực hiện. Ông đưa ra những hé lộ chấn động về thái độ của tổng thống đối với quân đội, đẩy chiến dịch tái tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa vào khủng hoảng.

Hơn một năm sau buổi viếng nghĩa trang Arlington, Tổng thống Trump đến Pháp vào tháng 11/2018 dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I. Theo kế hoạch, ông sẽ viếng Nghĩa trang Mỹ Aisne - Marne gần Paris, nơi chôn cất hơn 1.800 lính thủy quân lục chiến Mỹ. Chuyến đi cuối cùng không diễn ra. Tổng thống Mỹ hủy kế hoạch vào phút chót, nói mưa lớn khiến trực thăng Marine One không bay được còn Cơ quan Mật vụ lại cản ông đi xe.

Chính tướng Kelly, khi đó còn giữ chức Chánh văn phòng Nhà Trắng, đã thay mặt ông Trump đến nghĩa trang đó.

Dẫn 4 nguồn tin giấu tên, Goldberg nói mọi lý do chính thức từ ông Trump đều là bịa đặt. Các nguồn tin đã trực tiếp nghe thảo luận ngày hôm đó. Họ tiết lộ ông Trump không đi Ainse - Marne vì ngại mưa làm hư tóc và không tin vào ý nghĩa của việc vinh danh những quân nhân Mỹ tử trận.

"Tại sao tôi phải đến nghĩa trang ấy? Nó toàn những kẻ thua cuộc", một nguồn tin dẫn lời ông Trump trong cuộc đối thoại với nhân sự cấp cao sáng hôm đó.

Trong một cuộc đối thoại khác, vẫn thuộc khuôn khổ chuyến công du tại Pháp, ông Trump mô tả hơn 1.800 lính thủy quân lục chiến hy sinh tại rừng Belleau là "những kẻ dở tệ" vì để đối phương giết. Trận đánh năm 1918 tại khu rừng đã đi vào lịch sử Mỹ, chặn đứng đợt tiến công đến Paris của quân đội Đức vào Thế chiến I và có ý nghĩa thiêng liêng với riêng binh chủng thủy quân lục chiến. Ông Trump vẫn nói mình không hiểu vì sao Mỹ can thiệp và đứng về phe Hiệp ước vào thời điểm đó.

"Ai là người tốt trong cuộc chiến này?", ông hỏi các trợ lý trong chuyến công du.

Khả năng thấu hiểu của Tổng thống Trump về những khái niệm như lòng yêu nước, cống hiến và sự hy sinh bị đặt dấu hỏi sau khi các phát biểu được Atlantic tiết lộ.

Cách nhìn nhận gây tranh cãi của tổng thống không chỉ dừng ở hai chuyến viếng thăm nghĩa trang quân nhân Mỹ. Năm 2015, khi đang vận động tranh cử, ông còn công kích Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu không quân Mỹ, "không phải là anh hùng" vì để mình bị đối phương bắt giữ.

Ông Trump không hề thay đổi cách nghĩ cả khi chính trị gia Arizona qua đời vào tháng 8/2018. Theo ít nhất 3 nguồn tin trực tiếp nghe chuyện, ông Trump từng nói với nhân sự cấp cao: "Chúng ta sẽ không ủng hộ lễ tang cho kẻ thua cuộc đó", rồi nổi giận khi nhìn thấy cơ quan chính phủ treo cờ rủ.

Miles Taylor, cựu Chánh văn phòng Bộ An ninh Nội địa (DHS), xác nhận từng được nhân viên của Tổng thống Trump gọi điện thông báo nhà lãnh đạo rất tức giận khi DHS nhắc nhở các tòa nhà công quyền liên bang treo cờ rủ.

"Ông ấy dường như thật sự không hiểu vì sao người Mỹ lại tôn trọng cựu tù binh chiến tranh. Ông ấy cũng không hiểu vì sao các phi công bị bắn rơi máy bay khi tham chiến lại được quân đội vinh danh", bài viết của Atlantic dẫn tiết lộ từ nhiều nguồn tin.

Bài viết trên càng thêm sức nặng khi hàng loạt tờ báo và hãng tin khác, sử dụng những nguồn tin riêng của mình, đưa ra những hé lộ tương tự.

James LaPorta, phóng viên điều tra của AP và là cựu binh thủy quân lục chiến, ngày 4/9 tiết lộ đã trao đổi với một quan chức quốc phòng cấp cao về bài viết của Goldberg. Người quan chức này xác nhận toàn bộ bài viết là đúng sự thật, đặc biệt là những phát ngôn của ông Trump nhắm vào cố Thượng nghị sĩ John McCain và cuộc đối thoại giữa ông với tướng Kelly.

Jennifer Griffin, phóng viên chuyên trách về Lầu Năm Góc của Fox News, cũng phát hiện Tổng thống Trump từng phản đối cho thương binh tham dự diễu binh quốc khánh Mỹ. Ông nói việc đưa cựu quân nhân bị thương vào chương trình "sẽ không đẹp" và "người Mỹ không thích xem". Khi Griffin đọc một vài trích dẫn trong bài viết trên Atlantic cho các cựu quan chức chính phủ Trump, một người phản hồi: "Tổng thống có thể đã nói những điều như thế. Ông ấy không hiểu vì sao mọi người nhập ngũ. Ông ấy sẽ mỉa mai 'Vì sao họ làm thế?'".

Bài viết của Jeffrey Goldberg nhanh chóng trở thành chủ đề nóng nhất trên mạng xã hội, ngay trước thềm kỳ nghỉ Lễ Lao động Mỹ vào cuối tuần qua.

Những hé lộ bom tấn trên Atlantic là "cú đấm" thứ hai chỉ trong vòng một tuần giáng xuống uy tín của Tổng thống Trump đối với cộng đồng quân nhân Mỹ, vốn từ lâu được xem là nguồn sức mạnh cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử. Khảo sát mới đây của Military Times với 1.018 quân nhân tại ngũ cho thấy một lượng lớn đã chuyển sang ủng hộ ứng viên phe Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden.

Cùng giai đoạn này vào 4 năm trước, ông Donald Trump đang dẫn trước đối thủ, cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, đến 20 điểm trong bộ phận cử tri quân đội. Military Times cùng Viện Cựu binh và Gia đình Quân nhân (IVMF), thuộc Đại học Syracuse, ngày 1/9 cho biết ông đang để ứng viên Dân chủ năm nay vượt mặt đến 4 điểm. Kết quả khảo sát cho thấy mức không hài lòng với Tổng thống Trump trước Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) lên đến 49,6%, với 42% "cực kỳ không ủng hộ" nhiệm kỳ vừa qua. Chỉ 38% người trả lời có thái độ tích cực về nhà lãnh đạo.

"Kết quả đã phần nào bác bỏ những tuyên bố từ tổng thống rằng ông được quân nhân ủng hộ mạnh mẽ nhờ tăng ngân sách quốc phòng trong vài năm qua và hứa hẹn giảm quân ở các vùng xung đột hải ngoại", Leo Shane, phóng viên Military Times đưa tin về cuộc khảo sát, nhận định.

Hai bài viết bất lợi liên tiếp đang đe dọa phiếu bầu của Tổng thống Trump từ cộng đồng quân nhân và các gia đình quân nhân Mỹ, có khả năng tác động không hề nhỏ đối với cục diện bầu cử năm nay.

Theo Time, mặc dù quân nhân tại ngũ chỉ chiếm chưa đến 0,5% dân số Mỹ, nhóm này được xem là thang đo cho bộ phận cử tri trung thành với Tổng thống Trump và là chỉ dấu quan trọng về khả năng đảng Cộng hòa huy động phiếu bầu vào ngày bầu cử. Những chỉ số ủng hộ từ quân đội sụt giảm sẽ chỉ làm chiến dịch của ông Trump thêm gian nan.

"Ông Trump, với tư cách là tổng chỉ huy quân đội, giờ đây bị cáo buộc xúc phạm gần 1,3 triệu thành viên tại ngũ của quân đội Mỹ, cộng với hơn 800.000 người dự bị và gần 18 triệu cựu chiến binh", John Cassidy, cây viết kỳ cựu của New Yorker, nhận định.

"Kẻ thua cuộc" và "Kẻ dở tệ" nhanh chóng trở thành từ khóa thịnh hành trên mạng xã hội Mỹ.

Paul Eaton, cựu thiếu tướng lục quân Mỹ, dùng chính những từ này để chỉ trích Tổng thống Trump: "Tôi sẽ bất ngờ nếu bất kỳ ai trong quân đội Mỹ không nghĩ ông là một kẻ thua cuộc hay một kẻ dở tệ. Ông không phải người yêu nước". Trong thông cáo báo chí của mình, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden nhận định bài viết trên Atlantic là một bằng chứng khác cho thấy ông Trump không phù hợp với Nhà Trắng. Ông nói những trích dẫn mà Goldberg thu thập được "là một cột mốc khác cho thấy Tổng thống Trump và tôi bất đồng sâu sắc đến dường nào về vai trò của một tổng thống Mỹ".

Những gia đình "Sao vàng", gia đình có người trong quân đội Mỹ qua đời khi đang phục vụ đất nước, cũng nối tiếp nhau bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội trước các phát biểu của tổng thống kèm theo thông điệp: Người mà họ thương yêu và tử trận ở những vùng đất xa xôi "không phải kẻ thua cuộc". Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump chọc giận những gia đình "Sao vàng".

Năm 2016, một nhóm đại diện đã gửi thư phản đối ứng viên đảng Cộng hòa vì "coi rẻ sự hy sinh" của quân nhân Mỹ. Ông Trump trước đó chỉ trích cha mẹ của đại úy Humayun Khan, tử trận ở Iraq năm 2004, vì phát biểu tại đại hội phe đối thủ.

Cơ trưởng Sully Sullenberger, phi công được xem là huyền thoại khi hạ cánh thành công máy bay gặp trục trặc trên sông Hudson vào năm 2009 và cứu mạng 155 người, cũng lên tiếng.

"Tôi luôn cố làm một tiếng nói của lý lẽ và phát ngôn một cách chừng mực nhất. Tuy nhiên, tình hình hiện nay đòi hỏi trực diện hơn. Đã đến lúc gọi đích danh kiểu hành xử tồi tệ này đúng bản chất", ông viết trên mạng xã hội.

"Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một tổng thống đã liên tục thể hiện sự khinh thường và thiếu tôn trọng một cách ghê gớm và thô thiển với những người đã phục vụ và hy sinh khi phục vụ đất nước. Dù tôi không bất ngờ, tôi vẫn cảm thấy ghê tởm bởi chủ nhân hiện nay của Phòng Bầu dục. Ông ấy đã liên tục thể hiện bản thân hoàn toàn không phù hợp và không có chút tôn trọng nào dành cho vị trí của mình", Sullenberger từ chối nhắc tên Tổng thống Trump.

"Ông ấy đã thừa nhận không thể hiểu được khái niệm phục vụ cao cả hơn bản thân... Chúng ta phải bỏ phiếu chống lại ông ấy vì chúng ta mang nợ không chỉ với những người đã phục vụ và hy sinh vì đất nước, mà còn với chính mình và những thế hệ mai sau", ông viết.

co hoi tai dac cu cua TT Trump anh 1

Trước khi cơn bão chỉ trích ập đến Nhà Trắng vào tháng 9 này, quan hệ giữa Tổng thống Trump với quân đội Mỹ đã không ít lần sóng gió, trái với hình ảnh mà ông hướng đến từ đầu nhiệm kỳ - một tổng thống ủng hộ tướng lĩnh và giới nhà binh.

Julian Borger, cây viết bình luận quốc tế trên Guardian, trong một bài viết từ tháng 6 nhắc lại rằng Tổng thống Trump từng rất thích gọi những quân nhân quanh ông là "tướng lĩnh của tôi" và "quân đội của tôi". Cách gọi mang tính sở hữu này từng gây không ít lo ngại đi ngược lại tôn chỉ tách biệt trong quan hệ dân sự - quân sự Mỹ.

Tổng thống Trump có vẻ không mấy quan tâm đến ranh giới đó. Tướng John Kelly được ông Trump chọn làm bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ trước khi điều động thay thế Reince Priebus cho vị trí chánh văn phòng Nhà Trắng. Cả hai cố vấn An ninh Quốc gia đầu tiên dưới thời ông Trump đều là trung tướng lục quân về hưu: Michael Flynn và Herbert McMaster. Lựa chọn của ông Trump cho ghế bộ trưởng Quốc phòng ngay từ giai đoạn chuyển giao chính là James Mattis, tướng 4 sao đã về hưu của thủy quân lục chiến Mỹ.

Tất cả những vị tướng này cuối cùng đều đã rời khỏi nội các của ông Trump.

Guy Snodgrass, cựu binh hải quân Mỹ và từng là người viết diễn văn cho ông Mattis, tiết lộ cựu bộ trưởng Quốc phòng từng bất đồng với nhiều quyết định chính sách gây tranh cãi từ vị tổng chỉ huy: lệnh cấm người chuyển giới nhập ngũ, tuyên bố đột ngột dừng tập trận với Hàn Quốc, thành lập Lực lượng Vũ trụ, đe dọa rút khỏi khối đồng minh NATO, và giọt nước tràn ly là quyết định quay lưng phũ phàng với đồng minh người Kurd ở Syria sau chiến dịch chống khủng bố.

Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Lầu Năm Góc trải qua một giai đoạn biến động chưa từng có ở thượng tầng với hơn 6 tháng không có bộ trưởng chính thức, sau khi ông Mattis từ chức mãi đến khi ông Mark Esper chính thức được Thượng viện Mỹ phê duyệt đề cử. Khi dịch Covid-19 bùng phát trên tàu sân bay USS Ronald Reagan vào tháng 4, cách ứng phó lúng túng của Nhà Trắng dẫn đến những chia rẽ trong nội bộ Hải quân Mỹ và kết thúc với quyết định sa thải Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer.

Giữa đợt biểu tình trên toàn quốc chống phân biệt đối xử người da đen và lạm dụng vũ lực của cảnh sát, Tổng thống Trump tiếp tục gây phẫn nộ với những đe dọa triển khai quân đội ngay trên đất Mỹ để dẹp chống đối.

Ngày 1/6, ông cho dùng Vệ binh Quốc gia để giải tán công viên Lafayette, mở đường cho buổi chụp ảnh ở nhà thờ gần Nhà Trắng. Quyết định đó vấp phải những chỉ trích kịch liệt từ giới tướng lĩnh Mỹ về hưu, trong đó có cựu Bộ trưởng Mattis, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Martin Dempsey và cựu đô đốc James Stavridis.

"Khi tôi nhập ngũ, gần 50 năm trước, tôi đọc lời thề ủng hộ và bảo vệ Hiến pháp. Tôi chưa từng mơ có lúc những quân nhân đọc cùng lời thề đó nhận lệnh vi phạm những quyền hiến định của đồng bào mình - thậm chí chỉ để thực hiện một buổi chụp ảnh cho tổng chỉ huy dân cử, với người lãnh đạo quân đội đứng cạnh", tướng Mattis viết.

"Ông Donald Trump là tổng thống đầu tiên trong đời tôi không tìm cách đoàn kết người dân Mỹ - thậm chí còn không giả vờ làm điều đó. Thay vì vậy, ông ấy đang cố chia rẽ chúng ta", cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định.

Ngay cả chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Tham mưu trưởng Mark Milley cũng thừa nhận ông đã sai và không được báo trước khi mặc quân phục tham dự sự kiện.

Sự chia rẽ ngày một sâu sắc giữa Tổng thống Trump và "quân đội của mình" đã động đến những giá trị mang tính cơ bản của nhà binh. Quân đội Mỹ được xem là biểu trưng cho khái niệm "lòng yêu nước", tự hào được quản lý bởi bộ quy tắc đạo đức phục vụ một mục tiêu cao cả hơn bản thân mình, theo Forbes.

Theo tiết lộ trên Atlantic, ông Trump mang theo mình một thế giới quan lấy vật chất làm trung tâm. Tổng thống Mỹ có lẽ tin rằng nếu một việc không có lợi về tiền tài thì không có lý do gì ông phải thực hiện nó. Đối với ông, những người thật sự có tài nhưng không theo đuổi sự giàu sang là "những kẻ thua cuộc".

Một nhân chứng tiết lộ ông Trump từng khen ngợi và tiếc nuối cho cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Joe Dunford sau một buổi báo cáo tại Nhà Trắng.

"Đó là một người thông minh đấy. Tại sao ông ấy lại vào quân đội?"

Will Goodwin, Giám đốc VoteVets, một tổ chức vận động quyền lợi cựu chiến binh Mỹ, giận dữ chỉ trích tổng thống "không tôn trọng những người đàn ông và phụ nữ trong quân phục".

"Ông ấy không tôn trọng gia đình của họ, không tôn trọng cựu chiến binh, và nghiêm trọng hơn nữa là hành động và phát biểu của ông ấy đều tệ như nhau", Goodwin nhấn mạnh.

Forbes cảnh báo Tổng thống Trump giờ đây có nguy cơ mất đi một trong những nguồn ủng hộ được quảng bá rộng khắp và mạnh mẽ nhất của mình ngay trước thềm bầu cử năm 2020: quân nhân tại ngũ và cộng đồng cựu binh. Nguy cơ này khiến cả bộ máy vận động tranh cử của Tổng thống Trump và Nhà Trắng lao vào cuộc đua ứng phó khủng hoảng truyền thông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định tổng thống "giữ sự tôn trọng và ngưỡng mộ cao nhất cho các thành viên quân đội của đất nước, cựu binh và gia đình họ". Tuy nhiên, Wall Street Journal ghi nhận phát biểu chính thức của ông Esper vẫn không trực tiếp bác bỏ các phát biểu từ ông Trump mà tổng biên tập Atlantic vừa phanh phui.

Tổng thống Trump rơi vào thế phải phòng thủ trên đường đua vào Nhà Trắng. Dẫn lời nhiều chuyên gia và cựu quan chức quân đội, Politico cảnh báo những cáo buộc ông Trump xúc phạm quân nhân không chỉ làm giảm phiếu bầu từ quân đội mà còn tác động đến những cử tri chưa quyết định bầu cho ứng viên nào.

"Vẫn có sự tôn trọng trong phần lớn người dân dành cho những nam nữ trẻ tuổi trong quân đội, thậm chí nếu họ không đồng tình với chính sách hiện nay", tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ đóng tại châu Âu, nhận định. "Thực tế là tổng thống đã làm quá nhiều điều và nói quá nhiều điều đủ khiến ông trở nên dễ bị tấn công bởi những cáo buộc kiểu này".

Chỉ trong 3 ngày cuối tuần qua, hơn 10 quan chức và cựu quan chức cấp cao ủng hộ ông Trump đã lên tiếng bác bỏ bài viết trên Atlantic. Dẫn nguồn thạo tin, Washington Post tiết lộ Nhà Trắng đã chỉ đạo huy động nguồn lực ngăn những tranh cãi xoay quanh bài viết trở thành "vấn đề lớn của cuộc bầu cử" năm nay.

Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyên bố hàm ý xoa dịu cộng đồng quân nhân như ý định trao Huân chương Danh dự cho Thomas P. Payne, biệt kích lục quân, vì giải cứu 70 con tin IS vào năm 2015 và cam kết không đóng cửa tờ báo giàu truyền thống Stars and Stripes trực thuộc Lầu Năm Góc. Ngày 9/9, Lầu Năm Góc bất ngờ thông báo kế hoạch rút hơn 2.000 quân khỏi Iraq về nước, thể hiện tổng thống đang thực hiện đúng những cam kết ban đầu của mình với quân đội.

Hodges nhận định những nỗ lực kiểm soát tình hình của Nhà Trắng có thể đã quá muộn với nhóm cử tri quân nhân và cựu chiến binh Mỹ. Theo ông, Tổng thống Trump đã tự tạo ra quá nhiều yếu điểm "đến mức những cáo buộc nặc danh cũng gây thiệt hại cho ông ấy".

Cơn bão trong mối quan hệ giữa Tổng thống Trump với cộng đồng quân nhân Mỹ có thể vẫn chưa kết thúc. Trả lời CNN tuần này, Jeffrey Goldberg nói bài viết gây chấn động của ông chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Ông dự đoán sẽ còn nhiều bài viết, thông tin và xác nhận khác từ truyền thông Mỹ về cùng chủ đề trong vài ngày và vài tuần tới.

Nhân vật được giới quan sát đánh giá có tác động lớn nhất đối với cuộc khủng hoảng chính là tướng John Kelly. Ông giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng vào thời điểm Tổng thống Trump hủy chuyến thăm Nghĩa trang Mỹ Ainse - Marne và là nhân vật trung tâm trong bài viết của Goldberg. Chính Tổng thống Trump còn gián tiếp hoài nghi vị tướng thủy quân lục chiến về hưu là nguồn tin nặc danh cho Atlantic.

"Không làm tốt công việc. Không có cá tính. Cuối cùng thì ông ấy trở nên nhạt nhòa. Ông ấy đã kiệt sức, hoàn toàn kiệt sức. Ông ấy thậm chí không thể hoạt động bình thường trong vài tháng cuối cùng", Tổng thống Trump chê trách tướng Kelly trong buổi họp báo chỉ một ngày sau bài viết của Goldberg.

Dù được cả hai phía nhắc tên, cho đến nay vị cựu quan chức cao nhất của Nhà Trắng vẫn chưa chính thức lên tiếng, thừa nhận hay bác bỏ những tiết lộ chấn động thời gian qua. Không như James Mattis, ông chọn sự im lặng từ khi rời nội các vào năm 2018. Tiết lộ với một cộng sự, ông nói tướng về hưu không nên ra mặt phản đối tổng thống đương nhiệm giữa giai đoạn tranh cử căng thẳng.

Một số bạn bè và cộng sự cho rằng ông Kelly không lên tiếng một phần vì không muốn công khai nhắc lại cái chết của người con trai út Robert Michael Kelly.

"Ông ấy rất kín tiếng về cái chết của con trai. Chúng tôi, những cựu nhân viên của ông ấy, hoàn toàn tôn trọng điều đó. Đây không phải loại thông tin ông ấy muốn chính trị hóa và việc nhắc lại cũng không đúng đắn", Elizabeth Neumann, cựu phó chánh văn phòng của ông Kelly tại Bộ An ninh Nội địa, trả lời New York Times.

co hoi tai dac cu cua TT Trump anh 2
Cảnh sát bắn hơi cay giải tán biểu tình trước chuyến thăm của TT Trump Lực lượng an ninh dùng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình trước khi ông Trump đi từ Nhà Trắng tới nhà thờ St. John.

Tổng thống Trump phủ nhận xúc phạm lính Mỹ tử trận

Tổng thống Donald Trump đêm 3/9 đã nổi giận và phủ nhận thông tin ông từng gọi quân nhân Mỹ tử trận trong Thế chiến I và được chôn cất tại Pháp là "những kẻ thua cuộc".

Ông Biden chỉ trích TT Trump về phát biểu lính Mỹ tử trận

Bình luận về bài báo tiết lộ Tổng thống Trump từng gọi lính Mỹ tử trận là "những kẻ thua cuộc", ông Biden nói việc đó cho thấy đối thủ của ông không phù hợp làm tổng tư lệnh.

Hy vong moi cua ong Trump hinh anh

Hy vọng mới của ông Trump

0

Đơn kiện mà bang Texas đệ lên Tòa án Tối cao Mỹ đã mang lại cho Tổng thống Donald Trump hy vọng mới về việc trì hoãn, nếu không nói là lật ngược, chiến thắng của ông Joe Biden.

Thanh Danh

Đồ họa: Nhân Lê
Ảnh: AFP, Reuters

Bạn có thể quan tâm