Người ta không lạ gì B.Bình Dương và chuyện nội bộ của đội bóng này. Dàn sao tập hợp từ tứ xứ chắc chắn “không phải dạng vừa” và nếu tướng cầm quân không đủ trình cao tay ấn, tình trạng bất ổn sẽ tái diễn.
B.Bình Dương không ít lần nếm trái đắng từ những bài học như thế. Họ khốn khổ với cầu thủ, với chính nội bộ nhiều sóng ngầm và thích “rải đinh” lên ghế HLV trưởng. Mọi việc ở đội bóng này chỉ yên khi HLV Lê Thụy Hải được mời về “trấn yểm”.
Nhưng ông Hải có cái khó của mình là hay nói thẳng khiến lãnh đạo mếch lòng. Phần nào đó, họ hiểu được thiện chí của ông là ngay thẳng, nhưng lại “ưa hơn” những lời nói mềm mại.
Khi ông Hải còn ở đất Thủ, chẳng có chuyện công thần hay chiến tướng. Cầu thủ nào cũng có thể bị đày lên ghế dự bị, bất chấp anh là ai? Thời ông Hải, cách quản lý có phần quân phiệt ấy đôi khi gây ác cảm với một vài cá nhân nhưng lại phù hợp với mảnh đất lắm thầy nhiều ma ở Bình Dương.
B. Bình Dương chơi thăng hoa dưới thời HLV Lê Thụy Hải ở V.League 2014 và nửa đầu V.League 2015. Ảnh: Tùng Lê |
Tiếc là khi ông Hải ở đội, phần nhiều là những người chung chiến tuyến lại không ưa ông và phần nào đó, họ muốn “bỏ” ông ra cho hình ảnh CLB được… văn minh hơn.
Có thời điểm, ông Hải bị chỉ trích nhưng Bình Dương vẫn thắng nên người ta chẳng có lý do gì để đẩy ông đi. Chỉ đến khi chính ông Hải cảm nhận được điều gì đó nên chủ động xin rút. Bình Dương cũng đồng ý ngay. Cảm giác sau đó của nhiều người là hả hê, là… hình ảnh đội bóng được giữ, chứ không còn sống trong cảnh nơm nớp vì ông Hải hay phát ngôn theo kiểu lộng óc.
Sau một vài trận vắng ông Hải, Bình Dương hiểu rằng, HLV Thanh Sơn chưa thích nghi nổi "cái ghế điện" nên họ cố gắng liên lạc với HLV Mai Đức Chung – một người mà họ từng gắn bó.
Ông Chung về, làm chức vụ y hệt ông Hải là giám đốc kỹ thuật, nhưng ai cũng hiểu, ông là HLV trưởng, là người quyết định cuối cùng việc chuyên môn… sau khi đã được cấp trên “tư vấn”.
Từ ngày ông Hải đi, tiền đạo Lê Công Vinh liên tục được đá chính, khác hẳn với thời gian ra sân nhỏ giọt khi Vinh sống dưới thời "bố Hải" dẫn dắt. Nhiều người mừng cho Vinh khi một cầu thủ tài năng trở lại sân cỏ và được trưng dụng cho đỡ phí.
Nhưng có thể, quyết định ấy của lãnh đạo Bình Dương hơi vội. Nếu nói trên phương diện quản lý, Bình Dương không đúng khi “phủi” hết công sức của ông Hải và công kênh tiền đạo xứ Nghệ chỉ vì anh bị hắt hủi dưới triều đại cũ.
Ở các đội bóng HLV Lê Thụy Hải từng làm việc, cầu thủ thường gọi ông Hải là "bố". Ảnh: Tùng Lê |
Cho đến bây giờ, Công Vinh cũng có thể là nguyên nhân tạo ra tiền lệ phản kháng từ phía cầu thủ khiến vai trò của HLV trưởng bị mai một. Chân sút sinh năm 1985 luôn thể hiện sự chuyên nghiệp trong tập luyện và thi đấu. Anh hiếm khi lên tiếng hay chỉ trích điều gì không có lợi… cho bản thân mình. Ngay việc được đá lại ở Bình Dương Vinh cũng chỉ “âm thầm” tận hưởng.
Trận gặp S.Khánh Hòa, Bình Dương thất thủ 1-2 trong thế hơn người. Nhiều nhân vật cốt cán của đội bóng cho rằng, đội khác cứ gặp Bình Dương là “nện thẳng cánh” chẳng ngần ngại va chạm mạnh, nên các cầu thủ chùn chân.
Trận gặp HAGL, Bình Dương tiếp tục… chùn chân để Thanh Tùng, cầu thủ có thể hình nhỏ nhất sân ghi 2 bàn cho đội bóng phố núi trong các tình huống bóng chết. Lúc này, người ta mới chợt nhớ đến ông Hải.
Khi chiến tướng họ Lê còn dẫn đội, chẳng có lý do gì bên ngoài tác động được đến cầu thủ, như chuyện chùn chân chẳng hạn. Nhưng ở thời ông Chung và các cộng sự khác, Bình Dương liên tục mất kiểm soát trong chính nội bộ của mình.
Ông Chung khác ông Hải là sự mềm mỏng nên có thể, nhiều cầu thủ thích. Ông Chung quản quân theo kiểu tình cảm, nhẹ nhàng lạt mềm buộc chặt, đôi khi thiên về thỏa hiệp hơn là kiên quyết bàn tay sắt để chấn chỉnh họ đi đúng qũy đạo. Ông Hải cũng tình cảm, nhưng nghiêm khắc trong công việc và chưa từng thỏa hiệp.
Xét về lý thuyết, Bình Dương hiện vẫn đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng và đẩy đủ cơ hội tranh đoạt ngôi cao. Thua 2 trận chưa phải thảm họa với họ. Nhưng dường như, dấu hiệu mất kiểm soát ở B.Bình Dương dần trở lại.