Hôm 25/6, 7 binh sĩ thú nhận đã cưỡng hiếp bé gái từ bộ lạc bản địa Emberá. Cô bé đã mất tích trong khu vực cư trú của người bản địa ở miền Bắc Colombia vào ngày 21/6 và được tìm thấy vào ngày hôm sau tại một trường học gần đó, theo Guardian.
Vụ việc khủng khiếp này đã gây sốc cho phần lớn các quốc gia Nam Mỹ, nơi được biết đến với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái bản địa từ lâu.
“Chúng tôi biết đây không phải vụ việc riêng biệt mà là vấn đề hệ thống”, Aida Quilcue, một cố vấn nhân quyền tại Tổ chức Bản địa Quốc gia Colombia (ONIC) nói trong một cuộc họp báo hôm 24/6, khi chính quyền bắt đầu điều tra vụ việc.
Trong khi sự phẫn nộ với vụ việc vẫn tiếp tục diễn ra hôm 25/6, một số người nhớ lại một vụ việc tàn bạo tương tự. Năm 2016, Yuliana Samboní, một cô bé bản địa 7 tuổi, đã bị Rafael Uribe Noguera, một kiến trúc sư giàu có cưỡng hiếp và giết hại ở Bogotá, thủ đô của Colombia.
“Mọi hành vi bạo lực với phụ nữ, cho dù được thực hiện bởi một người lính, một sĩ quan cảnh sát, một người đàn ông giàu có hay ai khác đều không thể chấp nhận được. Lạm dụng quyền lực để phụ nữ không có quyền tự làm chủ với cơ thể mình là không thể chấp nhận được”, bà Olga Amparo Sánchez, giám đốc của Casa de la Mujer, một tổ chức quyền phụ nữ tại Bogotá, nói. “Vấn đề cơ bản là mạng sống của một người phụ nữ không có giá trị ở đất nước này”.
Binh sĩ Colombia đưa thức ăn đến một khu ổ chuột ở Bogotá trong thời gian đất nước này phong tỏa để ngăn Covid-19. Ảnh: AFP. |
Bảy binh sĩ nhận cáo buộc “lạm dụng tình dục bất hợp pháp trẻ vị thành niên dưới 14 tuổi”. Đây là độ tuổi có thể đồng ý với các hành vi tình dục ở Colombia. Tổng chưởng lý Colombia Francisco Barbosa nói rằng những người này có thể nhận bản án từ 16 đến 30 năm tù.
Cộng đồng Emberá của bé gái đã yêu cầu các thủ phạm phải tuân theo luật riêng của họ. Đây là quyền hiến pháp Colombia trao cho các khu bảo tồn người bản địa tự trị. Colombia là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người bản địa thuộc 115 nhóm người khác nhau.
Một số nhà quan sát nói rằng tội ác này cho thấy sự tàn nhẫn có hệ thống trong quân đội. “Đây là vấn đề hệ thống, và nếu chương trình huấn luyện binh sĩ của họ không thêm vào các vấn đề nhân quyền một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ thấy những tội ác thế này diễn ra thường xuyên”, Mafe Carrascal, một nhà hoạt động tại Bogotá, cho biết.