Bầu Kiên kinh doanh trái phép như thế nào?
Ông này dùng pháp nhân của 3 tổ chức do mình làm chủ tịch HĐQT lập phương án kinh doanh khống để vay vốn ngân hàng, mua cổ phiếu, rồi thế chấp cho nhà băng khác.
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt vì có dấu hiệu kinh doanh trái phép trong quá trình điều hành hoạt động tại 3 công ty do bị can này làm chủ tịch HĐQT. Đó là các công ty: cổ phần (CP) Đầu tư ACB Hà Nội (ACB Hà Nội), TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (AIC Hà Nội) và CP Đầu tư Thương mại B&B.
Ngày 22/8, Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Hà Nội đã chính thức cung cấp một số thông tin về các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên. Trong số 3 công ty có sai phạm của ông Kiên, tại Sở KH-ĐT Hà Nội có lưu hồ sơ về 2 công ty, gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCN ĐKKD) của ACB Hà Nội, thành lập tháng 11/2006 và AIC Hà Nội thành lập tháng 3/2008.
Bầu Kiên có dính đến hoạt động đầu tư tài chính lòng vòng, nâng khống giá trị công ty |
Thông tin được thay đổi gần đây nhất là ngày 12/3/2012 thể hiện ông Nguyễn Đức Kiên làm chủ tịch hội đồng thành viên AIC Hà Nội, có tỉ lệ góp vốn 99%, tương đương 495 tỉ đồng. Thành viên góp vốn thứ hai là bà Nguyễn Thúy Hương (em gái ông Kiên) góp vốn 5 tỉ đồng, tương đương 1%. Công ty này kinh doanh các ngành nghề “hot”, gồm: kinh doanh sân golf; xây dựng hạ tầng giao thông; quản lý tài sản hữu hình và vô hình của doanh nghiệp; đại lý thu đổi ngoại tệ; xuất nhập khẩu vàng, mua bán vàng bạc đá quý...
ACB Hà Nội có vốn điều lệ 300 tỉ đồng, ông Kiên không phải người đại diện theo pháp luật nhưng nắm giữ 210.000 cổ phần, tương đương 210 tỉ đồng. Tại công ty này, ông Kiên là đại diện cho vốn góp của Công ty CP Tập đoàn Tài chính Á Châu.
Đáng lưu ý là trong GCN ĐKKD cũng thể hiện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - do ông Trần Ngọc Thanh là đại diện) nắm giữ 30.000 cổ phần, tương đương 30 tỉ đồng tại ACB Hà Nội. Ông Trần Ngọc Thanh cũng là giám đốc của Công ty ACB Hà Nội. Bên cạnh kinh doanh vàng, nhà hàng khách sạn, du lịch, công ty này còn đăng ký ngành nghề kinh doanh quản lý bất động sản (BĐS); môi giới, đấu giá BĐS, dịch vụ nhà đất...
Theo nguồn tin ban đầu, ông Kiên bị bắt vì bị cáo buộc đã dùng tư cách pháp nhân của 3 công ty nêu trên để thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính dù các doanh nghiệp đó không có chức năng này. Ông Kiên đã lợi dụng pháp nhân của 3 công ty để vay vốn ngân hàng, mua cổ phiếu. Tiếp đến, dùng cổ phiếu vừa mua thế chấp lại cho các ngân hàng, lập các phương án kinh doanh khống, nâng giá trị của các công ty.
Theo Người lao động