Ông Đỗ Quang Hiển chia sẻ nếu nghỉ làm doanh nghiệp, ông vẫn sẽ gắn bó với bóng đá.
Cuộc hẹn của ông Đỗ Quang Hiển với chúng tôi bị lùi lại 15 phút so với dự định.
“Xin lỗi nhé, hôm nay tôi có việc trên ủy ban, hôm qua đi công tác về là họp đến 4h sáng, hôm kia sớm hơn thì hơn 2h mới về ăn tối”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), giải thích.
- Từ trước đến nay, người ta vẫn quen với việc nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hơn là chuyện người Việt mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài. Góc nhìn của ông về việc này thế nào?
- Thực ra, đã làm kinh doanh thì phải tìm kiếm cơ hội mọi lúc, mọi nơi. Lĩnh vực, thị trường nào mình nghiên cứu tìm hiểu thấy có tiềm năng và có cơ hội thì phải tận dụng ngay. So với các nước lớn, Việt Nam chủ yếu vẫn là thu hút đầu tư nước ngoài vào, không những nguồn vốn mà còn là công nghệ, quản trị… Chúng ta đang rất cần những cái đó.
Nhưng có 2 yếu tố chúng ta phải suy nghĩ ngược lại. Một là nếu muốn thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới thì chúng ta, nhất là các doanh nghiệp, phải cho họ niềm tin, mà niềm tin trước hết không gì bằng hiện thực, tức là anh phải có tiền thật. Cuộc chơi với nước ngoài mà đặc biệt là Mỹ có nghĩa là "anh phải có tiền và tôi nhìn thấy anh có tiền thật".
Như việc mua nhà bên Mỹ, bạn mua nhà, họ sẽ không đưa hồ sơ ra mà câu đầu tiên họ sẽ hỏi là “tiền đâu”. Tuy chỉ ít thôi nhưng phải có tiền thật họ mới cho xem hồ sơ mua nhà.
Thứ hai, với những nước lớn như Mỹ, Đức, bên cạnh việc khẳng định tiềm năng vị thế uy tín, thì cuộc chơi là chơi thật. Các nước đầu tư vào Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng hóa của chúng ta. Điều này rất thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho việc khai thác thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam sang đó cũng như nhập khẩu ngược lại.
- Còn việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp của ông thì sao, ông đánh giá như thế nào?
- Việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt nói chung và của tập đoàn chúng tôi nói riêng không phải là lớn so với nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng người ta cũng phải ghi nhận sự cố gắng. Mình đầu tư nhỏ vì tiềm lực chỉ có thế chứ không phải không muốn đầu tư sang nước họ. Bên cạnh đó, khi tham gia cuộc chơi, ta tham gia với vị thế "chơi thật, người thật, việc thật".
Tập đoàn chúng tôi được cấp phép đầu tư sang Mỹ trước nhất, vì có tiền thật bên đó. Khi có tiền, đối tác tự nhiên nhìn mình với ánh mắt khác ngay. Ngoài Mỹ, chúng tôi cũng đầu tư sang Đức, Australia... rồi nhiều nước khác. Chúng tôi đều chơi bằng tiền thật. Từ đó, các đối tác cũng dành sự tôn trọng nhất định cho mình.
- Vậy theo ông thì việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tiềm ẩn rủi ro thế nào khi quy mô khá nhỏ bé so với các tập đoàn nước ngoài?
- Thực ra đầu tư ra nước ngoài hay trong nước đều có rủi ro nhất định. Tuy nhiên, tôi thấy ở một số nước độ rủi ro thậm chí còn thấp hơn trong nước. Rủi ro tôi nói đến ở đây không phải rủi ro chính sách mà do tính toán của doanh nghiệp thôi.
Mình đầu tư ra nước ngoài không phải quy mô lớn, và thường lại có sự thận trọng hơn. Đương nhiên không nói trước nhưng làm doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu phân tích đánh giá và có tính đến độ rủi ro. Đầu tư ra nước ngoài, mình thuê người nước ngoài điều hành luôn, họ sẽ hiểu được phong tục tập quán, cách làm ăn, doanh nghiệp nên khả năng thành công cũng cao hơn.
- Theo ông thời gian tới xu hướng người Việt mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài sẽ như thế nào?
- Tôi nghĩ chắc chắn là tăng lên. Ví dụ điển hình nhất là Australia đang kêu gọi đầu tư rất mạnh. Cách đây 2-3 năm, làn sóng Trung Quốc đầu tư vào Australia, giá nào cũng mua, thậm chí mua cả thành phố, đã diễn ra. Làn sóng này mạnh đến nỗi chính phủ Australia nhìn ra nguy cơ nếu để tiếp tục thì vài năm nữa có thể đất đai một số vùng của Australia sẽ được người Trung Quốc mua hết.
Thế nhưng, đất ở Australia lại rộng, còn là sở hữu tư nhân nên họ rất muốn bán. Có những trang trại bò rộng 380.000 ha, diện tích lớn hơn cả TP. Hà Nội, cộng thêm 30.000 con bò thịt nữa mà họ mới chỉ bán có 65 triệu USD. Giá đó quá rẻ.
Hiện nay, Việt Nam cũng có một số người đầu tư vào Australia rất nhiều. Một doanh nhân khác cũng mua 200.000 ha giá 25 triệu USD. Đó là thông tin ngoài lề, sang đó anh em đại sứ quán, tham tán tiết lộ. Nhưng còn thực tiễn là trang trại 380.000 ha và 30.000 con bò thịt giá 65 triệu USD là họ chào giá tôi và tôi đang có ở đây.
- Bên cạnh việc mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài, hiện nay các tập đoàn tư nhân trong nước cũng đang đẩy mạnh liên kết với nước ngoài. Theo ông thì điều này giúp Việt Nam được hưởng lợi ích kinh tế như thế nào?
- Hiện nay, Chính phủ có giao cho tập đoàn lớn của Việt Nam đứng ra đầu tư các dự án lớn chứ Nhà nước không đứng ra vay vốn hay hợp tác nữa.
Trong xu thế chung đó, các dự án lớn cần có lượng vốn lớn. Trong khi đó, nguồn vốn trong nước của quốc gia và doanh nghiệp Việt có hạn. Vì vậy, để thực hiện những dự án lớn mang tầm quốc tế, trước hết rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn này lớn lại rất ổn định.
Bên cạnh nguồn vốn, chúng ta rất cần các công trình an toàn chất lượng của những quốc gia và tập đoàn lớn đó tại Việt Nam.
Hơn nữa, doanh nghiệp lớn của nước ngoài còn mang cách quản trị điều hành, năng lực quản lý vào Việt Nam, từ đó chúng ta cũng được tiếp cận những tiến bộ đó. Điều này vừa có lợi ích cho quốc gia, vừa có lợi cho doanh nghiệp và đương nhiên đã là doanh nghiệp tư nhân làm thì đó là cuộc chơi sòng phẳng.
- Hiện nay, Việt Nam ngày càng có nhiều đại gia và tỷ phú USD. Ông đánh giá thế nào về một quốc gia có nhiều người giàu?
- Khi đất nước có nhiều đại gia tức là có nhiều doanh nghiệp lớn phát triển, mà khi doanh nghiệp lớn phát triển tới một tầm nhất định thì họ sẽ có trách nhiệm với xã hội. Xã hội có thể không đòi hỏi nhưng đây là tự nguyện và cái tâm người ta đóng góp.
Đất nước có nhiều người giàu trước hết là công tác xã hội được hưởng lợi từ giáo dục, y tế, hạ tầng…
Bên cạnh đó, đất nước có nhiều đại gia, tập đoàn lớn cũng sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp nhỏ vệ tinh, giúp giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cho họ "cần câu cơm". Việc phát triển kéo theo hàng nghìn doanh nghiệp vệ tinh nhỏ, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cho GDP quốc gia…
- Có người bảo người giàu ở Việt Nam vẫn bị “ganh ghét”, có khi còn bị kỳ thị, ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Cái này thì cũng không hẳn. Có thể trước đây có hiện tượng này, nhưng hiện nay, Chính phủ, Trung ương cũng đã có những chính sách khuyến khích, kinh tế tư nhân là động lực thúc đẩy của nền kinh tế. Đâu đó vẫn còn những nơi chưa hiểu về doanh nghiệp tư nhân và người giàu nhưng dần dần xu thế sẽ thay đổi thôi.
- Là người đứng đầu doanh nghiệp, ông đã định hướng mô hình trong tương lai cho doanh nghiệp mình thế nào?
- Tập đoàn chúng tôi đang hướng tới phát triển đa ngành. Xu hướng này phù hợp với xu thế phát triển đất nước, đó là hướng vào nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, du lịch, y tế, giáo dục, năng lượng, hạ tầng, giao thông... những thứ mà Việt Nam đang cần.
Tuy nhiên, nếu đánh giá năng lực quản trị, chúng tôi nhận thấy vẫn còn thiếu, yếu để đáp ứng được xu hướng phát triển đó. Vì thế, để thực thi mục tiêu này, chúng tôi đang xúc tiến hợp tác với các tập đoàn lớn của nước ngoài. Họ không chỉ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, đào tạo mà còn cùng bỏ vốn đầu tư, quản lý, vận hành.
Tập đoàn đang có dự định chia ra thành từng tổng công ty, quản lý từng lĩnh vực và đồng hành cùng các tập đoàn lớn của nước ngoài quản trị, điều hành. Họ đưa các công nghệ kỹ thuật, năng lực quản trị để mình học hỏi.
- Điều hành một lúc nhiều doanh nghiệp, giờ lại muốn đa ngành, có khi nào ông cảm thấy mệt?
- Nói không mệt thì không phải mà nói mệt cũng không phải. Phải nói là vừa mệt vừa sướng vì tôi luôn luôn cười.
Tôi sướng vì được làm việc, được cống hiến. Họp hành đến 3-4h mới về ăn cơm tối ai bảo không mệt, con người chứ có phải máy móc đâu nhưng vẫn thấy sung sướng vì làm được việc có ích, có nhiều người muốn cũng không được họp như vậy ấy chứ (cười).
- Ông đã nghĩ đến việc chuyển giao quản lý cho các thế hệ tiếp theo?
- Không những ở T&T mà cả ở SHB tôi cũng đang rất coi trọng lớp trẻ. Trong 5 năm qua, tôi luôn khuyến khích nhận vào các bạn trẻ. Tại ngân hàng, tôi đưa ra chiến lược với giám đốc nhân sự là mỗi năm phải tuyển dụng 100-200 bạn trẻ mới ra trường, quy hoạch lại để đưa ra nước ngoài đào tạo trong 5 năm, mỗi năm một lớp. Đây sẽ là nguồn nhân tài tiếp quản sự phát triển của ngân hàng.
- Có phải đây là lý do mà con trai của ông cũng đang sang Mỹ vừa quản lý doanh nghiệp vừa để học tập?
- Đúng vậy, con trai đầu là Vinh làm giám đốc T&T chi nhánh ở Mỹ. Bên cạnh quản lý công ty thì còn tiếp cận với năng lực quản trị và các doanh nghiệp lớn tại đó, tìm hiểu để trải nghiệm tích lũy cho sau này. Vinh cũng xác định không muốn ở Mỹ lâu dài mà chỉ 2-3 năm là về trong nước làm.
Tôi có 2 người con đều mong muốn ở Việt Nam. Cậu thứ hai là Quang còn không muốn ra nước ngoài làm, nhưng tôi vẫn cho học đại học và thạc sĩ tại Anh, dù sao cũng có cơ hội tư duy tiếp cận với đào tạo nước ngoài. Chặng đường vẫn còn dài chưa nói trước được điều gì.
- Có người nói rằng muốn gặp ông Hiển thì cứ ra sân bóng, điều này có vẻ đúng với một ông bầu hết lòng với bóng đá như ông?
- Thật ra chỉ những trận đấu diễn ra trên sân nhà và tôi không phải bận họp hay công tác thì mới ra xem được thôi. Nhiều lúc muốn lắm cũng không ra được vì bận công việc. Tôi tham gia với bóng đá thì cũng có các giám đốc quản lý riêng, chứ cũng không có thời gian xuống câu lạc bộ gặp gỡ cầu thủ. Việc chính vẫn là tập trung cho kinh doanh.
Như tuyển U23 vừa rồi, trong đội tuyển có tới 10-11 cầu thủ thuộc mình quản lý, trong đó có tới 7 "đứa con" tôi nuôi từ khi 9-10 tuổi như Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Hậu… Vậy mà khi mà các "con" về mình cũng không có thời gian để gặp.
- Có nhiều ông bầu rất tâm huyết với bóng đá nhưng rồi vẫn phải rút lui, lý do gì khiến bầu Hiển vẫn còn gắn bó với bóng đá Việt?
- Thực ra không chỉ trong bóng đá mà trong kinh doanh cũng thế, tôi đã làm là tập trung làm, nói ít và thể hiện bằng kết quả.
Đã vào bóng đá thì phải có cái tâm, và tôi yêu bóng đá từ nhỏ. Tâm huyết và yêu nó, không nghĩ gì đến lợi ích, nếu làm bóng đá mà nghĩ đến lợi ích thì sẽ không làm được.
Bóng đá là thế, yêu, tâm huyết và cống hiến thì mới bền vững.
- Vậy sau này khi đã chuyển giao xong việc kinh doanh, liệu bầu Hiển có còn gắn bó với bóng đá?
- Sau này nghỉ kinh doanh tôi vẫn làm bóng đá, khi tôi đã chọn gắn bó, đồng hành thì làm gì cũng thế, làm là làm tâm huyết, lâu dài, không chỉ nghĩ đến cho CLB của mình mà nghĩ đến cả nền bóng đá Việt Nam mà cao hơn cả là tự hào quốc gia.
- Cảm ơn ông!