Với bầu Đức, cuộc chơi bóng đá nội gần như chỉ còn cái đích này là lớn nhất mà thôi. Nếu không vì lứa Công Phượng, Xuân Trường…, không vì một lần lên đỉnh Đại hội thể thao Đông Nam Á, có lẽ ông đã buông tay từ lâu, sau những buồn bực chuốc lấy từ chính đam mê.
Bóng đá nam Việt Nam chưa từng vươn tới đỉnh cao ở SEA Games. Đồ họa: Trí Mai. |
Bầu Đức đã dốc lòng nuôi dưỡng lứa gà nòi lớn được như ngày hôm nay, ban đầu chủ định hướng ra biển lớn như châu Âu hay châu Á, nhưng vì chệch đường nên buộc phải quay trở lại ao làng. Ông khéo léo “vá lỗi” bằng cách sớm đôn họ lên chơi V.League và đặt họ vào vị thế trung tâm của cuộc chinh phục SEA Games.
Dù sao thì cái ao SEA Games ấy vẫn là nỗi khát khao, nếu không muốn nói là ám ảnh với bóng đá Việt Nam. Mục tiêu “thứ cấp” của bầu Đức bây giờ đã trở thành hy vọng lớn nhất của cả một dân tộc, vốn đã trải qua quá nhiều lần thất vọng.
Hữu Thắng thì đang đánh cược sự nghiệp cầm quân của ông vào giải đấu trên đất Malaysia. Sau thất bại đáng tiếc ở AFF Cup năm ngoái, người đàn ông xứ Nghệ hiểu rằng nếu vô địch SEA Games, ông sẽ có tất cả - còn ngược lại, không gì cả.
Vì cả đại cục lẫn tham vọng của riêng mình, Hữu Thắng đã buộc phải thay đổi tư duy làm bóng đá. Nếu đội tuyển Việt Nam là một CLB Sông Lam Nghệ Tĩnh được tăng cường, thì U22 hôm nay đã được xác định ngay từ đầu là HAGL và phần còn lại.
U22 Việt Nam có tinh thần quyết tâm rất cao tại SEA Games 29. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Suốt quá trình chuẩn bị SEA Games, ông Thắng và bầu Đức vấp phải không ít khó khăn, chỉ trích vì phần giao thoa giữa họ. Cầu thủ HAGL không phải lúc nào cũng hay, cũng cho người ta thấy tiềm năng có thể giật Vàng.
Công Phượng đã có lúc bị lầm tưởng rằng không thể chơi thứ bóng đá hiệu quả hay hiện đại. Tuấn Anh thường xuyên gợi ra viễn cảnh u ám vì chấn thương. Xuân Trường bị nghi ngờ vì ngồi dự bị quá lâu ở Hàn Quốc. Đôi khi, giới chuyên môn thở dài và bóng gió nhắc tới lứa U20 vừa từ World Cup trở về.
U20, dẫu sao cũng là một sự bổ sung lý tưởng cho Hữu Thắng, đúng lúc ông cảm thấy chông chênh nhất. Từ “sắp nhỏ” này, ông Thắng có thêm một thủ môn rất tiềm năng là Tiến Dũng, thêm một hậu vệ cánh đã khẳng định tài không đợi tuổi là Văn Hậu, thêm một tiền vệ ngòi nổ đa năng là Quang Hải và cũng rất quan trọng, thêm một tiền đạo đúng nghĩa là Đức Chinh.
Với một đội hình thiên về chất kỹ thuật, U22 Việt Nam lúc này chơi mềm mại và nhiều ý tưởng hơn so với đội tuyển mà Hữu Thắng cầm quân năm ngoái. Điều quan trọng nhất là những nhân tố “bất khả xâm phạm” đang tìm lại cảm giác chơi bóng tốt nhất mà họ có, hoặc chí ít thì cũng tốt dần lên khi đích ngắm đã cận kề.
Công Phượng: Cánh chim đầu đàn của U22 Việt Nam. Đồ họa: Trí Mai. |
Như Công Phượng, anh đang đạt phong độ và hiệu suất ghi bàn ấn tượng chưa từng có kể từ khi rũ bỏ cái áo chật hẹp U19. Như Xuân Trường, anh chưa toả sáng, nhưng có thể hy vọng điểm rơi sẽ nhằm trúng SEA Games. Như Văn Toàn, anh đã bình phục chấn thương và trở lại là nỗi đe doạ trên khắp mặt sân. Và Văn Thanh, bây giờ chính là cầu thủ HAGL ấn tượng nhất ở mọi lứa tuổi.
Chất Nghệ trong tay Hữu Thắng lúc này chỉ còn đậm đặc ở hàng thủ, nơi cặp trung vệ Văn Khánh - Tiến Dũng đang chiếm ưu thế so với phần còn lại. Khu vực này chính là nơi U22 Việt Nam yếu nhất, và như thường lệ, chỗ nào bất an, chỗ đó Hữu Thắng đặt trọng trách cho những cầu thủ đồng hương.
Có một điều may mắn là đối thủ trong trận khai hoả SEA Games của U22 Việt Nam không quá mạnh về tấn công, nên Hữu Thắng sẽ có thêm cơ hội để gắn kết hàng phòng ngự. U22 Đông Timor đã từng thua chúng ta 0-4, nhưng cũng chính đội bóng này lại cầm hoà U22 Hàn Quốc 0-0. Đó là một thử thách không hề nhỏ đối với năng lực tấn công của thầy trò Hữu Thắng.
Nếu vượt ải Đông Timor trót lọt, U22 Việt Nam sẽ có thêm nhiều thuận lợi để mở ra cánh cửa tìm Vàng.
Lịch thi đấu của U22 Việt Nam. |