Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Đức ‘dạy’ trẻ tiêu tiền

Bầu Đức đóng vai một ông bố khó tính, bắt các con phải hiểu giá trị đồng tiền và những giá trị tinh thần lớn hơn đồng tiền trước khi có một khoản thưởng nào đó, dù là của VFF.

Bà S.Godfrey, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Tiền không mọc trên cây”, cho rằng: “Ở lứa tuổi từ 3 đến 5, cha mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ các vấn đề liên quan đến tiền. Lúc này con trẻ đã biết cách đòi và muốn sở hữu những đồ vật xung quanh chúng. Dạy trẻ em có ý thức về đồng tiền từ lúc bé sẽ dễ dàng hơn lúc chúng trở thành thanh thiếu niên". Tác giả cuốn sách nói thêm: “Tiền là một phần của cuộc sống. Chúng ta kiếm tiền, kiểm soát chúng và phải ra quyết định về số tiền đó. Cha mẹ phải chỉ cho con hiểu được giá trị của đồng tiền”.

Đó là văn hóa Mỹ, cách giáo dục Mỹ và cách tiêu tiền ở Mỹ. Tại Việt Nam, trong phần nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ đều có ý muốn con cái tránh xa đồng tiền. Nghịch lý là ở chỗ khi người lớn miệt mài kiếm tiền và coi đó là một mục đích sống, giá trị sống thì họ cũng coi đồng tiền có khả năng làm hư đứa trẻ. Trong những hoàn cảnh trẻ “có tiền” như được mừng sinh nhật hay nhận tiền lì xì ngày Tết, cha mẹ hay dùng động tác là gợi ý…giữ hộ, nhưng hiểu ngầm là bị …tịch thu. Thực ra nó xuất phát ở quan niệm “trẻ con không biết tiêu tiền vào việc gì” nhưng vấn đề ở chỗ là “người lớn chưa dạy chúng tiêu tiền như thế nào”.

Bây giờ đã có những suy nghĩ thoáng hơn. Ở một số trường tiểu học tại Việt Nam, trẻ em được dạy cách làm ra những đồ chơi, rồi tìm cách bán chúng lấy tiền. Đó là một phương pháp giáo dục hay. Hoặc có nơi cho phép các em…đánh bài lúc ra chơi với quan niệm: đó là giải trí và việc chơi bài cũng giúp trẻ tư duy, tính toán nhanh hơn (!?).

Bầu Đức thừa hiểu, tiền không mọc trên cây.
Hôm qua, ông bầu Đoàn Nguyên Đức tuyên bố cấm cầu thủ U19 nhận tiền thưởng từ VFF. Điều này khiến nhiều người giật mình. Cầu thủ U19 chứ không phải là đứa trẻ 3-5 tuổi như cách nói của tác giả cuốn “Tiền không mọc trên cây”. Thậm chí, ngay cả những đứa trẻ ấy cũng được khuyến khích nghĩ đến tiền. Vậy tại sao bầu Đức lại không thể? Lý giải của ông bầu này đơn giản là: “Để các cầu thủ không nghĩ quá nhiều đến tiền mà tập trung vào màu cờ sắc áo nhiều hơn”.

Bầu Đức nhiều lần “nài nỉ” báo chí đừng đưa các cầu thủ trẻ lên mây. Ông muốn các cầu thủ giữ chân trên mặt đất cũng là mong những mầm non không sớm bị thui chột. Có lẽ bầu Đức - người không thiếu tiền với con số vài ngàn tỷ đồng - đã “chợt nhớ” đến những thần đồng bóng đá khác như Văn Quyến, Quốc Vượng. Đã có thời điểm người ta trách Quyến nhưng bản chất lại nằm ở việc những người có trách nhiệm với Quyến lại không dạy cầu thủ này tiêu tiền. Quyến hay Vượng từng được tung hô, từng được tặng tiền, thậm chí được tặng ô tô từ quá sớm. Chính những cầu thủ này lại dính vào vòng lao lý bởi chữ Tiền, dù số tiền ấy không quá lớn.

Bóng đá chuyên nghiệp nhiều cạm bẫy, bản thân bầu Đức cũng từng có thời điểm tung tiền ra mua cầu thủ để lấy thành tích. Ông đã thành công. Nhưng với lứa U19 này, lại là một câu chuyện khác. Có lẽ bầu Đức - trong vai trò một ông chủ, một nhà đầu tư, một doanh nhân thừa hiểu “Tiền không mọc trên cây”. Bầu Đức đóng vai một ông bố khó tính bắt các con phải hiểu giá trị đồng tiền và những giá trị tinh thần lớn hơn đồng tiền trước khi có một khoản thưởng nào đó, dù là của VFF.

Theo Thể thao 24h

Bạn có thể quan tâm