Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL vừa công bố báo cáo tài chính quý II với khoản lỗ ròng lên tới 539 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ một quý lớn nhất mà công ty này ghi nhận kể từ đầu năm 2016 đến nay.
Lỗ nặng trong quý II
Cụ thể, trong quý II, tổng doanh thu hợp nhất toàn công ty của HAGL chỉ đạt hơn 513 tỷ đồng, tương đương 1/4 doanh số cùng kỳ năm trước.
Đà giảm của giá vốn thấp hơn doanh thu khiến biên lãi gộp mà HAGL đạt được trong quý vừa qua chỉ ở mức hơn 30,2%, trong khi con số cùng kỳ năm trước lên tới 50,3%.
Trong khi đó, dù tiết giảm được hơn trăm tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng lại tăng gấp đôi cùng kỳ, đi kèm với hàng trăm tỷ đồng tiền lãi vay phải trả khiến HAGL lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 329 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 206 tỷ.
Công ty này còn ghi nhận thêm khoản lỗ khác lên tới 358 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Kết quả, chỉ riêng quý II, HAGL đã lỗ trước thuế lên tới 687 tỷ đồng, số lỗ trong một quý lớn nhất kể từ quý II/2016 đến nay.
Chính khoản lỗ lớn trong quý vừa qua đã khiến kết quả kinh doanh hợp nhất nửa đầu năm nay của HAGL sụt giảm rất mạnh với 923 tỷ đồng doanh thu, giảm 68% và lợi nhuận trước thuế âm 666 tỷ đồng.
Báo cáo lần này cũng cho thấy cơ cấu nguồn thu của HAGL đã không còn ghi nhận doanh thu từ bò, bất động sản, ớt và dịch vụ cho thuê.
Trong khi đó, đóng góp chính vào doanh thu quý II và nửa đầu năm chỉ là mảng kinh doanh trái cây, chiếm gần 80% tổng doanh thu trong kỳ.
Số thu này cũng đã giảm hơn một nửa so với cùng kỳ trong khi doanh cung cấp dịch vụ khác và thu từ bán sản phẩm, hàng hóa, phụ phẩm đều giảm mạnh.
Trong khi đó, phần lớn số lỗ khác mà HAGL ghi nhận đều do hợp nhất từ công ty con HAGL Agrico.
Theo giải thích từ ban lãnh đạo công ty, phần lỗ khác hàng trăm tỷ này có nguyên nhân chủ yếu do nhóm công ty phải đánh giá lại các tài sản không hiệu quả và điều chỉnh chi phí chuyển đổi vườn cây ăn trái trong thời gian qua.
Còn nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh chính thua lỗ do nhóm công ty này phải tăng phân bổ chi phí sản xuất và trích lập dự phòng một số khoản chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Bầu Đức cho mượn tạm gần 2.500 tỷ đồng
Ngoài kết quả kinh doanh kém khả quan, báo cáo công bố lần này cũng cho thấy HAGL đang phải “mượn tạm” ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT công ty, gần 2.500 tỷ đồng để duy trì hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, công ty còn phát sinh giao dịch hợp tác kinh doanh trị giá 180 tỷ đồng với vị lãnh đạo này.
Ngoài bầu Đức, nhiều lãnh đạo cấp cao của HAGL cũng đang cho công ty vay tiền và có giao dịch hợp tác kinh doanh với số dư hàng trăm tỷ đồng.
Bầu Đức đang phải cho chính doanh nghiệp của mình mượn tạm gần 2.500 tỷ đồng. |
Trước đó, trong nhiều năm khi hoạt động kinh doanh của HAGL gặp khó khăn, bầu Đức đều là người đứng ra cho doanh nghiệp của mình vay tiền để duy trì hoạt động. Số tiền cho vay này còn không tính lãi.
Tính đến cuối tháng 6, HAGL có tổng tài sản hợp nhất đạt 49.206 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Trong đó, nợ phải trả của công ty đã tăng gần 3.000 tỷ, hiện ở mức 34.168 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phần nợ vay tài chính có phát sinh lãi đã giảm đáng kể từ 21.754 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 17.623 tỷ vào cuối tháng 6. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chi phí lãi vay trong thời gian vừa qua của công ty giảm hàng trăm tỷ đồng.
Cao su là mảng kinh doanh duy nhất của HAGL ghi nhận tăng trưởng trong kỳ vừa qua. Tính đến cuối năm 2018, HAGL đã và đang duy trì chăm sóc hơn 47.100 ha cao su. Trong đó gồm 21.789 ha tại Campuchia, 20.361 ha tại Lào, và 4.972 tại Việt Nam.
Hiện tại, HAGL cũng đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại Lào.
Dự kiến đến năm 2022, toàn bộ diện tích cao su sẽ được đưa vào khai thác nếu giá mủ cao su phục hồi khi đó cao su sẽ trở thành mảng kinh doanh lớn thứ 2 của HAGL sau trái cây.
Hiện tại, sau khi chia tay mảng bất động sản, và chăn nuôi bò, hiện hầu hết doanh thu của HAGL đều đến từ hoạt động nông nghiệp tại công ty con HAGL Agrico.
HAGL Agrico cũng chính là công ty đóng vai trò trung tâm trong hợp tác kinh doanh giữa ông Đoàn Nguyên Đức và tỷ phú USD Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải - Thaco thời gian qua.