Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu Đức, bầu Hiển ‘đại chiến’ tại Lào

Hai doanh nhân, ông bầu bóng đá nổi tiếng này đang chuẩn bị cho cuộc chiến quyết liệt ở cả thương trường lẫn bóng đá ở nước ngoài.

Bầu Đức, bầu Hiển ‘đại chiến’ tại Lào

Hai doanh nhân, ông bầu bóng đá nổi tiếng này đang chuẩn bị cho cuộc chiến quyết liệt ở cả thương trường lẫn bóng đá ở nước ngoài.

Vùng nam Lào thưa dân nhưng có nhiều tài nguyên, được cả bầu Đức lẫn bầu Hiển coi là nơi đầu tư trọng điểm trong những năm qua. Từ năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đã rục rịch đầu tư vào Lào ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Đến nay, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD, tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào).

Nhà máy chế biến mủ cao su của bầu Đức tại Attapeu.

Cụ thể tại Attapeu, bầu Đức có 3 dự án trồng cao su và mía với 25.000 hecta cao su và 6.000 hecta mía, trong đó có 3.000 hecta cao su đã được đưa vào khai thác từ năm 2011. Tổng số tiền mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chi ra cho dự án này lên đến 250 triệu USD. Dự kiến trong tương lai gần, diện tích mía và cao su sẽ được mở rộng lên 100.000 hecta. Chỉ riêng việc khai thác hết 25.000 hecta cao su cũng giúp bầu Đức thu về hơn 300 triệu USD.

Ngày 25/2, Tập đoàn HAGL đã khánh thành và đưa vào sử dụng Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh - Attapeu. Đây là dự án được khởi công từ tháng 11/2011 gồm: một nhà máy ép mía công suất 7.000 tấn mía cây/ngày, nhà máy nhiệt điện chạy từ bã mía công suất 30 MW, nhà máy cồn Ethanol công suất 30.000 tấn/năm chạy từ quá trình sản xuất đường và nhà máy sản xuất phân bón 50.000 tấn/năm, cũng sử dụng từ bã mía.

Bầu Đức trong lễ khánh thành Cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh - Attapeu hôm 25/2.

Tổng số vốn đầu tư cho dự án này lên đến 87,8 triệu USD. Hai hạng mục là nhà máy phân bón và ethanol sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm nay. Trước đó, HAGL cũng đã đưa vào sử dụng nhà máy chế biến mủ cao su Hoàng Anh - Attapeu với diện tích 5 ha, công suất 25.000 tấn/năm, sản phẩm chính là cao su mủ khối SVR10. Tổng giá trị đầu tư xây dựng nhà máy là 9 triệu USD.

Ngoài ra bầu Đức còn có 5 dự án thủy điện tại Lào với tổng công suất 400 MW, tổng đầu tư 500 triệu USD. Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng và mỏ sắt tại Sekong với giá trị đầu tư 70 triệu USD. Đó là chưa kể 2 dự án sân bay trị giá 70 triệu USD tại Attapeu và Huanphan cũng được đầu tư hơn 60 triệu USD.

Theo tính toán của bầu Đức, nếu tất cả các dự án trên được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2014 sẽ giúp HAGL tạo ra kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD, trong đó 90% tại tỉnh Attapeu.

SHB khai trương chi nhánh tại Champasak năm 2012.

Không như bầu Đức, ông Nguyễn Đức Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lại chọn Champasak, một trong 4 tỉnh nam Lào, nằm ở ngã 3 tiếp giáp Thái Lan, Campuchia, Lào, gần với Việt Nam để đầu tư. Ngày 15/8/2012, SHB chính thức khai trương chi nhánh tại chỉnh Champasak với vốn điều lệ 13 triệu USD. Đây là chi nhánh thứ 2 của SHB tại nước ngoài sau một chi nhánh tại Campuchia.

Ngoài việc khai trương chi nhánh mới, SHB cũng đã ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về nội dung hợp tác trong việc đầu tư tại Lào cũng như ký hợp đồng tín dụng với Công ty Cao su Việt Lào, Cao su Dầu Tiếng Việt Lào và Cao su Đăklăk với tổng số tiền là 135 triệu USD.

Đẩy mạnh phát triển bóng đá

Nếu như ở lĩnh vực kinh doanh, bầu Đức có vẻ lấn sân thì ở bóng đá bầu Hiển lại cho thấy sự mát tay hơn. Mỗi ông bầu đều sở hữu trong tay một đội bóng thi đấu tại giải VĐQG Lào sẽ được khởi tranh vào ngày 9/3 tới. Đội bóng của bầu Đức là Hoàng Anh - Attapeu, trong khi bầu Hiển có SHB Champasak.

SHB Champasak vô địch Cup Thủ tướng Lào 2012.

Hai đội bóng này đã gặp nhau tại vòng bảng Cup Thủ tướng Lào cuối năm ngoái. Ở trận đấu đó SHB Champasak đã giành chiến thắng 4-3 và tiến một mạch đến trận chung kết rồi lên ngôi vô địch rất thuyết phục. Họ được xem là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch Lào League năm nay.

SHB Champasak vốn được đổi tên từ đội Champasak, được thành lập từ năm 2008. Nhờ có truyền thống nên khi được trang bị thêm 4 ngoại binh ngoài khu vực Đông Nam Á, cựu tuyển thủ quốc gia Lê Hồng Minh cùng một số cầu thủ trẻ của SHB Đà Nẵng, SHB Champasak được đánh giá rất cao.

Bầu Đức đã thay máu Hoàng Anh - Attapeu chuẩn bị cho Lào League 2013.

Trong khi đó, sau thất bại tại Cup Thủ tướng, bầu Đức đã ra sức củng cố lại đội hình của Hoàng Anh Attapeu. Chuẩn bị cho Lào League 2013, bầu Đức đã chi viện cho đội 4 cầu thủ gồm thủ môn Đặng Văn Lâm, các tiền vệ Út Cường, Thanh Liêm và đặc biệt là chân sút Olushola, bên cạnh đó là 2 tuyển thủ quốc gia Lào và 13 cầu thủ Lào được HLV Huỳnh Văn Ảnh cùng các trợ lý tuyển chọn trên khắp cả nước.

Dù đạt thành tích như thế nào ở mùa bóng năm nay thì việc cả bầu Đức lẫn bầu Hiển đẩy mạnh phát triển bóng đá tại Lào bên cạnh kinh tế cũng là điều rất đáng hoan nghênh. Cần phải biết rằng, Lào League 2013 chỉ có 12 đội bóng. Trước khi lập đội Hoàng Anh - Attapeu thi đấu, bầu Đức đã chi 200.000 USD để giúp Lào khai sinh giải VĐQG cũng như chi trả toàn bộ lương cho HLV người Nhật Bản Kokichi Kimura, hiện đang dẫn dắt ĐTQG Lào.

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet

NGUYỄN ĐĂNG

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm