Chiều 27/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Trình bày báo cáo về nội dung này, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết dự kiến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV làm việc trong 11 ngày; khai mạc vào 20/7 và bế mạc vào ngày 3/8.
"Phiên trù bị dự kiến tổ chức vào chiều 19/7 để có thời gian thực hiện một số công việc cần thiết, trong đó có hướng dẫn đại biểu Quốc hội mới sử dụng hệ thống kỹ thuật", ông Cường cho biết.
Đặc biệt, tại kỳ họp đầu tiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu trước Quốc hội khóa mới.
Quốc hội sẽ nghe Hội đồng bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử này.
Trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ bầu một số lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước nhiệm kỳ mới. Ảnh: Thuận Thắng. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV dự kiến dành 6 ngày để xem xét, quyết định công tác nhân sự. Trong đó, có việc quyết định số phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội khóa XV cũng sẽ bầu Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, bộ trưởng và thành viên Chính phủ; phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh (nếu có).
Nêu ý kiến về thời gian dành cho công tác nhân sự tại kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng công tác cán bộ phải làm bình tĩnh, để đại biểu có thời gian nghiên cứu hồ sơ.
"Nếu rút ngắn thời gian, làm vội vàng thì sao chọn được người tốt. Thời gian cho công tác nhân sự 6 ngày là hợp lý, không nên rút ngắn, kéo dài cũng không nên", ông Tỵ nói.
Ngoài nội dung về công tác nhân sự, Quốc hội dành 4 ngày để xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019.
Quốc hội cũng xem xét, thông qua các nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025...
Trước đó, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 3 đã kiện toàn một số nhân sự chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ lần lượt được tín nhiệm bầu giữ các cương vị Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.