Bác sĩ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc, bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, cho biết đang điều trị cho ông Hồ Văn Hợi (55 tuổi, ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu) bị rắn độc cắn.
Người nhà cho biết, tối 19/10, ông Hợi đi bắt cua ở ngoài đồng thì thấy con rắn đen trắng (còn gọi là rắn cạp nia). Người đàn ông này bắt bỏ vào túi thì bị cắn vào đầu ngón tay.
Sau khi rửa vết thương, nặn máu độc ra, người thân đưa ông đến trạm xá gần đó sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn cơ, nhịp tim, liệt tứ chi, liệt hô hấp và các cơ khớp, không tự thở được. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở máy rồi đưa vào khoa hồi sức tích cực chống độc điều trị.
Bệnh nhân Hồ Văn Hợi bị rắn cạp nia cắn đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An. |
“Chúng tôi chủ yếu dùng thuốc, truyền dịch để đào thải các độc tố của rắn ra ngoài. Sau 10 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục tích cực nhưng vẫn phải thở máy”, bác sĩ Lân cho biết.
Cũng theo vị trưởng khoa, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 ca bị rắn độc cắn, chủ yếu là vào mùa mưa. Tuy nhiên, do có máy móc hiện đại, cấp cứu kịp thời nên chưa có ca nào tử vong.
Các chuyên gia cho biết, cạp nia là loài rắn độc, có thể cắn chết người nếu không được cấp cứu kịp thời. Thời gian tử vong sau bị khi cắn phụ thuộc vào cơ địa từng người, trọng lượng con rắn, có thể là chưa đến 1 giờ hoặc 3 - 4 giờ.