Thị trường tiền đồng liên ngân hàng tuần này tiếp tục sốt, vì nhu cầu của các tổ chức tín dụng tăng cao song thanh khoản tiếp tục bị thắt chặt. Ở một vài ngân hàng xuất hiện tình trạng căng thẳng về thanh khoản.
Các tổ chức chào vay giảm mạnh, trong khi nhu cầu vay tăng cao, vì thế mặt bằng lãi suất tiếp tục được đẩy lên, vượt ngưỡng 5%, duy trì quanh mức 5,3-5,6%/năm đối với hầu hết các kỳ hạn trong ba ngày qua.
Ngày 20/4, NHNN đã bơm qua OMO 7.000 tỷ đồng, trong khi một tuần trước đó, từ 13 đến 17/4, cơ quan điều tiết tiền tệ chỉ bơm ròng tổng cộng 13.000 tỷ đồng (tính cả tín phiếu) trên thị trường. Hai tuần trước đó, có lẽ vì ghìm tỷ giá, cơ quan này đã điều tiết thanh khoản nhỏ giọt trên OMO, khiến các tổ chức rất khó để vay qua kênh này.
Việc thắt chặt thanh khoản của NHNN có thể tạm lý giải. Vì cơ quan này đã lo ngại chi phí vốn đầu vào tăng nhanh quá sau việc chính phủ tăng giá điện, nhiên liệu, cũng như các yếu tố chi phí gần đây tăng có thể đe dọa lạm phát, nên việc siết tiền đồng một phần vì để kìm giữ tỷ giá, một phần để kiềm chế lạm phát.
NHNN đã phải bơm một lượng lớn tiền đồng qua thị trường mở, nhằm giảm cơn sốt tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng. |
Tuy nhiên, lạm phát của Hà Nội vừa công bố hôm qua, 21/4 chỉ có 0,2%, và lạm phát chung cả nước được dự báo vẫn thấp, cho thấy chưa có cơ sở để lo ngại lạm phát tăng, do cầu và năng lực cạnh tranh trong nước còn yếu.
Nhưng việc thắt chặt thanh khoản tiền đồng đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực. Lần đầu tiên từ khi hoạt động, đã có ngân hàng đề nghị VAMC tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt để lấy tiền đồng.
Cũng là lần đầu tiên chỉ sau quý I, cả chục ngân hàng đồng loạt đề nghị NHNN xin được nâng hạn mức tín dụng cho cả năm.
Các ngân hàng tại khu vực phía Nam, vốn được cấp hạn mức tín dụng 7-12%, song có ngân hàng đã tăng tín dụng tới 6% chỉ trong ba tháng đầu năm. Ở phía Bắc, BIDV đã tăng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn một tháng từ 4 lên 5 điểm phần trăm/năm từ ngày 21/4.
BIDV được coi là một trong 3 ngân hàng dồi dào tiền đồng nhất. Vậy mà nay bỗng tăng lãi suất huy động ngắn hạn, tức là một chỉ báo gián tiếp rằng, ngân hàng cần gọi thêm thanh khoản tiền đồng.
Phải chăng đây là giọt nước làm tràn ly nên, ngay chiều ngày 21/4, NHNN phải bơm ra thị trường thêm 5.000 tỷ đồng, sau khi đã bơm 12.000 tỷ đồng sáng 21/4? Vậy mà một số ngân hàng cho biết, họ vẫn bị “thiệt thòi” trong việc tiếp cận với nguồn tiền trên OMO. Vì đáng ra, với lượng trái phiếu chính phủ đang nắm giữ, ngân hàng có thể “đổi” lấy tiền đồng bất cứ khi nào cần.
Hành động này, theo một số ngân hàng, là đang đi ngược với xu hướng nới lỏng tiền tệ ở các nước khác, gây hiệu ứng tâm lý tiêu cực lên thị trường.
Sự can thiệp này khiến tâm lý thị trường bị ảnh hưởng khá mạnh. Các phiên đấu thầu trái phiếu gần đây thường bị ế. Vì các ngân hàng không mua do không muốn “trữ” đồ đang xuống giá. Trong vòng hai tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng 60-70 điểm.
Còn nguyên nhân nào khác dẫn đến một thị trường liên ngân hàng diễn biến phức tạp, khi thanh khoản thường xuyên biến động và lãi suất liên tục đảo chiều?
Giới ngân hàng cho rằng, một phần bởi tín dụng tăng trưởng tích cực như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, tỷ giá căng kéo mạnh trong thời gian gần đây, cũng như nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng tăng vào dịp cuối tháng, đặc biệt là nhu cầu vay của các ngân hàng tăng cao, để đảm bảo thanh khoản trước kỳ nghỉ lễ dài cuối tháng 4.
Nếu vì nguyên nhân này, sau nghỉ lễ, thị trường sẽ bình thường trở lại.
Nên nhớ thời hạn giãn nhóm nợ theo Quyết định 780 đã hết, tức luật chơi sòng phẳng hơn với ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu sự căng thẳng này không sớm chùng xuống, thì doanh nghiệp chưa kịp mừng vì tín dụng mới ấm lên có thể lại tiếp tục khốn đốn vì lãi suất cao.
Hiện tại, các diễn biến ở ngân hàng vẫn tiếp tục gây chú ý. Một quỹ cho rằng, với tỷ lệ cho vay/dư nợ của các ngân hàng trung bình 75%, thì nói tín dụng tăng mạnh có lẽ là hơi sớm, vì cửa cho vay tăng lên khá hẹp (quy định của NHNN về tỷ lệ này là 80%).
Tháng 4 đến tháng 6, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đáo hạn, tức các ngân hàng sẽ có tiền về tài khoản. Vậy thì thị trường hỏi nhau tiền đồng đi đâu? Liệu có ai đang găm tiền để làm gì đó?