Loạn sang chiết gas lậu
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành phố phát hiện hàng loạt vụ sang chiết gas lậu. Mới đây, cơ quan chức năng lại phát hiện vụ chiết nạp gas trái phép lớn tại chi nhánh công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro miền Trung (Quảng trị). Theo đó, ngày 19/4/2014, công ty này đã bị Chi cục Quản lý thị trường Quảng Trị phát hiện xe tải chở bình gas (thuộc công ty Tân Nhà Việt - thành phố Huế) đang bốc xếp bình gas từ sàn nạp lên xe. Lực lượng chức năng kiểm tra sàn nạp phát hiện công nhân đang tháo thiết bị nạp chế thủ công ra khỏi bình gas thương hiệu PVgas.
Ngoài ra, trên sàn có khoảng 170 bình 12kg nhãn hiệu PVgas đã chiết nạp chưa có niêm phong và rất nhiều vỏ bình PVgas xếp xung quanh; 130 bình gas loại 12kg có nhãn hiệu PM, V gas; 10 bình 12kg có gas mang nhãn hiệu Petrolimex; 10 bình 2,5kg có gas mang nhãn hiệu Elf và 2 loại bình này không có niêm phong. Kiểm tra tại cả 3 kho của cơ sở trên có chứa số lượng lớn (khoảng 800 vỏ bình và bình đã có gas mà chưa được niêm phong) mang nhãn hiệu PVgas, Petrolimex, Elf, Total, MT Petro, VT gas, Tân Thành gas, Vinagas, Hanoi Petro, Gas Phụng.
Thanh tra Sở Khoa học và công nghệ phát hiện hành vi sang chiết gas không đủ khối lượng theo quy định tại 1 công ty thuộc khu công nghiệp Cái Lân - Hạ Long. |
Cuối năm 2013, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc công ty Điện Quang về hành vi kinh doanh trái phép. Theo số liệu công bố về vụ công ty Điện Quang, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ thống kê tại hiện trường lên tới hơn 2.000 vỏ bình gas của 24 hãng gas khác nhau.
Thủ đoạn của công ty Điện Quang là đập quai xách bình cũ để thay mới xóa dấu vết mã số, mài mòn tên hãng gas in nổi trên vỏ bình quét lại rồi sang chiết gas. Công ty Điện Quang còn sản xuất vỏ bình gas khi chưa được cơ quan nào cho phép. “Việc phát tán bình gas ra thị trường khi chưa được kiểm định tiêu chuẩn sẽ là hiểm họa lớn gây cháy nổ, nguy hiểm đến tính mạng người dùng”, một lãnh đạo Hiệp hội Gas Việt Nam nói.
Thả nổi thị trường gas
Ông Đoàn Trọng Thà, phụ trách Pháp chế (Hiệp hội Gas Việt Nam) cho biết, vấn nạn sang chiết, thu gom chiếm dụng bình đang diễn ra hết sức phức tạp. Việc chiếm dùng bình, sau đó cắt tai, mài vỏ, dán nhãn hiệu gas giả lên bình thật đang uy hiếp tính mạng người tiêu dùng. Theo quy định, để trở thành thương nhân đầu mối phải có 300.000 bình gas trở lên. “Tuy nhiên, vì việc cấp nhãn hiệu gas quá dễ dàng nên không ai có thể nắm được trên thị trường gas hiện nay có bao nhiêu loại nhãn hiệu được gắn trên vỏ bình”, ông Thà nói.
Theo thống kê, hiện có khoảng trên 20 triệu vỏ bình gas với rất nhiều thương hiệu, nhãn hiệu khác nhau. “Do đó, có bao nhiêu nhãn hiệu hàng hóa trên vỏ bình gas, các bộ ngành liên quan, thậm chí Hiệp hội Gas Việt Nam cũng không thể nắm được”, ông Thà thú nhận.
Ông Trần Trọng Hữu, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như ở Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng, nhưng việc cấp phép kinh doanh gas quá dễ dàng, trong khi chưa có chế tài rõ ràng.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường còn nói: “Chúng tôi chỉ tham mưu cho Bộ Công thương ra các văn bản liên quan kinh doanh gas. Còn gas có an toàn hay không, đơn vị nào vi phạm, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo thống kê của Bộ Công thương, dự báo đến năm 2015, thị trường gas trong nước sẽ sử dụng khoảng 1,5 triệu tấn và đạt 2 triệu tấn vào năm 2020.