Theo ông Châu, những kiến nghị của Hiệp hội về việc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng (thời hạn, lãi suất, thế chấp tài sản...) và các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2014 về cơ bản đã được Chính phủ tán đồng.
Triển khai quá chậm
Đã gần 1 năm từ khi Nghị quyết 02 ra đời và tròn 6 tháng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ông đánh giá gì về việc triển khai liệu pháp tháo gỡ này cho thị trường bất động sản?
Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở. Trong đó có một nội dung trọng tâm là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, với 70% - tương đương 21.000 tỷ đồng dành cho cá nhân vay; 30% - tương đương 9.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vay) với lãi suất vay cao nhất là 06%/năm, thời gian cho cá nhân vay tối đa 10 năm và 5 năm đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 02 quá chậm và không đồng bộ. Thể hiện ở chỗ phải đợi gần 5 tháng sau khi Nghị quyết 02 ra đời mới có đủ các điều kiện để giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tức là từ 1.6.2013. Và tính đến giữa tháng 12.2013 mới chỉ giải ngân được 555 tỷ đồng đạt tỉ lệ 1,85%.
Có thể thấy, qua gần một năm triển khai thực hiện, dựa vào những số liệu trên tôi cho rằng kết quả đạt được là quá thấp và không như kỳ vọng.
Vậy thị trường bất động sản năm 2014 sẽ thế nào, thưa ông?
Theo tôi, hầu như những khó khăn, thách thức từ năm 2013 chuyển sang năm 2014 vẫn còn nguyên. Đó là những khó khăn về hàng tồn kho, về nợ xấu, về tính thanh khoản của các ngành nghề khác có liên quan đến bất động sản, và khó khăn của người tiêu dùng khi tiếp cận nguồn vốn vay.... Có thể thấy, với những khó khăn đó thì tình hình bất động sản năm 2014 sẽ chưa thể sáng được.
Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng sự khó khăn này có thể giảm dần theo thời gian và điểm sáng của thị trường bất động sản trong năm tới vẫn là phân khúc nhà ở vừa và nhỏ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM |
Phải giải ngân nhanh hơn nữa
Theo ông, chúng ta có thể làm gì để thị trường bất động sản ấm dần lên?
Có hai vấn đề lớn để chúng ta có thể giải quyết được khó khăn của thị trường bất động sản. Đó là đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết 02, mà trong đó trọng tâm là giải ngân gói 30.000 tỷ đồng cho người dân, doanh nghiệp. Và thứ hai là hoàn thành các thủ tục pháp lý cho Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà.
Liên quan đến hai giải pháp này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản gửi đến Thủ tướng và các cơ quan nhà nước để kiến nghị một số giải pháp cụ thể, thúc đẩy thị trường bất động sản đạt kết quả tích cực trong năm 2014.
Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị Chính phủ chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70 m2/căn hộ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay nguồn tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Như vậy sẽ nhanh chóng có sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường, giải quyết nhanh hàng tồn kho và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị.
Thứ hai, Chính phủ và Bộ Xây dựng nên đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản trong năm 2014 cho phép Việt kiều được sở hữu nhà như người Việt trong nước.
Thứ ba, chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho người tiêu dùng được vay vốn ưu đãi thấp hơn 6%, tức là khoảng 4,5 - 5%/năm là phù hợp. Về thời hạn cho vay cũng nên điều chỉnh từ 10 năm lên 20 năm đối với cá nhân vay để giảm mức trả nợ vay và lãi vay hàng tháng phù hợp với khả năng tài chính của người vay.
Thứ tư, NHNN nên xem xét cho người vay được ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả nợ gốc và lãi vay, đến năm thứ tư sẽ trả nợ gốc và lãi vay. Như vậy sẽ tạo điều kiện cho người vay tích lũy tài sản và dễ dàng trả nợ sau một thời gian dài làm việc.
Thứ năm, chúng tôi đề nghị NHNN cho người vay chỉ cần có vốn đối ứng tối thiểu là 10% là phù hợp với khả năng tài chính. Còn 90% tiền thuê mua, mua nhà ở xã hội, mua nhà ở thương mại được vay từ nguồn vốn 30.000 tỉ đồng. Đồng thời cho phép khách hàng cá nhân được bảo đảm tiền vay bằng chính căn hộ mua, thuê mua, căn hộ hình thành trong tương lai.
Theo ông, những kiến nghị này có được chấp thuận và liệu có tác động đến thị trường bất động sản trong năm 2014?
Mặc dù mới được trình lên nhưng những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM về cơ bản đã được chấp thuận. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng.
Tôi đã nhận được văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, giao cho NHNN giải quyết, xử lý trong thẩm quyền những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.
Trong đó, NHNN đã xem xét việc cho người tiêu dùng vay mức lãi suất thấp hơn 6% và đồng ý điều chỉnh thời hạn cho vay lên 15 năm. Việc ân hạn 3 năm đầu không phải trả nợ gốc và lãi vay cũng đang được nghiên cứu.
Vấn đề khách hàng được thế chấp tiền vay bằng chính căn hộ của mình cũng được chấp thuận. Và Chính phủ cũng tán đồng việc cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Tôi cho rằng đây là một tín hiệu tích cực, hy vọng thị trường bất động sản năm 2014 sẽ khả quan hơn.