Đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế lẫn bất động sản với BizLIVE về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản năm 2015.
Có tiếp tục hấp dẫn vốn ngoại?
Dự án có vị trí tốt và tiềm năng sẽ hấp dẫn vốn ngoại (TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Có lẽ với một cái nhìn ít nhiều tích cực hơn về mức độ mở cửa của nền kinh tế, sự phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản thì bất động sản vẫn là một địa chỉ đáng lưu tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thực tế hai, ba năm qua cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài có thể đổ vốn vào mọi phân khúc, nhà bình dân, nhà cao cấp, nhà văn phòng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Vấn đề là những lợi thế và tiềm năng bất động sản đó nằm ở vị trí nào và được nhìn nhận như thế nào theo sức mua nhu cầu nhà ở, sự hồi phục sản xuất kinh doanh và các xu hướng phát triển các ngành như du lịch, bán lẻ. Trong thời gian tới, bất động sản liên quan đến logistics, cũng có thể là một lĩnh vực hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn ngoại có thể chưa đột phá (Ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh)
Tôi không nghĩ là có đột phá gì trong dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam. Bởi vì, xu hướng chung của thị trường vốn nói chung và cả châu Á cũng đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Mỹ.
Từ trái qua: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam; TS. Võ Trí Thành; ông Trần Như Trung. |
Kinh tế Mỹ tốt lên sẽ hút rất nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tôi không nghĩ ngay lập tức dòng vốn sẽ quay trở lại và Việt Nam là địa điểm đầu tư tốt nhất châu Á như nhiều người kỳ vọng.
"Chọn sai vị trí sẽ chết..." (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam)
Thực chất, vấn đề ở đây là nhiều dự án đã chọn lựa sai địa điểm đầu tư. Trong bất động sản có 2 vấn đề quan trọng là tiền và vị trí nhưng do doanh nghiệp không có kiến thức, đầu tư vùng sâu vùng xa.
Trong khi đó, bản thân nguồn lực đầu tư hạ tầng trong nội bộ dự án kém, đầu tư ngoài dự án, kết cấu liên thông thuộc nhà nước như trường, trạm xá, bệnh viện, đường, hạ tầng khác chính quyền cũng chưa đủ nguồn lực để đầu tư.
Anh chọn vị trí đó là sai bản chất gốc trong đầu tư bất động sản, những dự án đó sẽ bị chết, nằm rất lâu khi cơ sở hạ tầng lan được ra tới đó.
Bây giờ chỉ những dự án tốt có hạ tầng mới bán được, phòng ở đẹp đặt chơ vơ ở cánh đồng giao thông kém, khu thương mại, trường học không có nhà nước, doanh nghiệp đều phải trả giá.
Xu hướng nào cho 2015
Thị trường bất động sản sẽ chuyển biến tích cực hơn (TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương)
Năm 2014, thị trường bất động sản đã có một số dấu hiệu tích cực. Tồn kho giảm khoảng 40-50%. Giao dịch tăng, đặc biệt là phân khúc nhà bình dân và ở một số khu nhà trung cao cấp có vị trí tốt. Tín dụng cho bất động sản tăng và bất động sản đứng thứ tư trong hoạt động M&A. Tuy nhiên khó có thể nói thị trường bất động sản đã hồi phục.
Một là tồn kho vẫn còn lớn. Hai là những mức độ hoạt động của thị trường vẫn chưa đủ để hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu. Trong khi đó việc bung hàng mới trong năm 2015 vẫn còn lớn.
Hy vọng với sự phục hồi tiếp tục của nền kinh tế, việc đi vào thực thi và các luật (kinh doanh bất động sản, nhà ở…) cùng với việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, thị trường bất động sản năm 2015 sẽ có bước chuyển biến tích cực hơn nữa.
“Nhiều vấn đề gốc rễ thị trường chưa được tháo gỡ” (Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh)
Tôi vẫn nghĩ rằng thị trường bất động sản với những số liệu thống kê hiện nay nó mới chỉ phản ánh được một số mặt tích cực nhất định thôi. Còn những vấn đề gốc rễ của thị trường thì chưa hẳn đã được tháo gỡ hoàn toàn.
Bởi vì theo tôi, tất cả những đánh giá về thị trường phải để vận động của thị trường tự do quyết định. Chúng ta không thể tự quyết cho thị trường có hồi phục hay không.
Hiếm có thị trường bất động sản nào mà chỉ qua một quý đã chuyển biến từ không tốt sang rất tốt được. Theo tôi vẫn còn rất nhiều cái tồn tại khó khăn trong thị trường bất động sản, đặc biệt là vấn đề cung cầu và vấn đề thu nhập.
Nhu cầu tự nhiên về bất động sản ở Việt Nam thì luôn rất lớn nhưng cầu về mặt khả năng chi trả thì lại phụ thuộc rất nhiều vào sự ấm áp đi lên của nền kinh tế.
Sự tăng trưởng của bất động sản sẽ phải đi cùng với tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nếu một mình anh chạy trước thì cũng sẽ lại phải chờ sự vận động của các ngành kinh tế khác.
Thị trường nhà ở vẫn sẽ là cứu cánh cho toàn bộ thị trường bất động sản bởi lẽ đây là thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam thạo đồng thời nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam hiện vẫn rất lớn.
Về phân khúc thì hiện ở Việt Nam có thể nói mỗi loại hình sản phẩm bất động sản đều đã có lượng khách hàng riêng, có nhu cầu riêng của nó.
Việc phân khúc thị trường nào sẽ phát triển hơn còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như tính chất dự án, năng lực của bản thân các chủ đầu tư và các yếu tố thị trường khác có liên quan.