Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt con săn sắt, bù con cá rô

Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, PCT HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB), bán công ty ở Mỹ, thu lãi hàng chục triệu đô la và sẽ chuyển số tiền này về nước.

Việc cá nhân, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và có lời xưa nay ít công khai, vì xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài không dễ, chuyển tiền ra lại càng khó khăn về thủ tục. Mấy năm trước cán bộ lãnh đạo tập đoàn Cao su mỗi lần sang Lào công tác phải giúp tập đoàn mang theo 7.000 đô la Mỹ/người, để có tiền đầu tư ở đây, vì lúc đó đang xin giấy phép và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài rất khó khăn.

Ông Trầm Bê đã nắm giữ khoản đầu tư nói trên 5 năm trước khi chuyển nhượng. Bỏ qua chuyện 5 năm trước ông đã xin được đầu tư ra nước ngoài và chuyển được ngoại tệ khỏi Việt Nam. Bỏ luôn chuyện ông đầu tư ở Mỹ với tư cách cá nhân hay tổ chức, và liệu ông có phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam cho khoản lợi nhuận có được, nhiều người tự hỏi, vì sao ông bán vào thời điểm này? Ông sẽ sử dụng tiền ấy để đầu tư trong nước hay làm gì tiếp theo?

Với thực trạng thị trường chứng khoán hiện nay, nhóm nhà đầu tư đang sở hữu Sacombank khó tìm được điểm hòa vốn. Có khả năng họ sẽ phải bỏ thêm tiền để bù đắp khoản vay đã sử dụng để đầu tư (cả vốn cộng lãi).

Báo chí đã tốn nhiều giấy mực, giới tài chính đã tranh luận đi tranh luận lại về chuyện PNB và Sacombank là “cá bé nuốt cá lớn”. Ảnh: Minh Khuê
Ơ hay, chuyện đầu tư có lời thì bán, lãi thì chốt! Bây giờ bán vì bây giờ mới có người mua trả giá ưng ý. Hỏi cặn kẽ quá, hóa quê!

Một số người quen biết ông Trầm Bê lâu năm trong giới làm ăn nhận xét, ông không phải là người học rộng nhưng có tài kinh doanh bẩm sinh. Giữa năm 2011, trong một buổi gặp và trao đổi thông tin với phóng viên TBKTSG ở trụ sở PNB trên đường Lý Thường Kiệt, quận 11, TPHCM, ông nói ông và một nhóm nhà đầu tư đang mua cổ phiếu Sacombank. Khi ấy thị giá Sacombank trên sàn khoảng 16.000-17.000 đồng. Hỏi vì sao mua, ông vừa trả lời, vừa đốt thuốc lá liên tục: “Giá rẻ quá, cơ hội thế này đâu có nhiều”. “Thế ông nghĩ bao giờ giá lên?”. “Khoảng 6-12 tháng gì đó. Tôi mua thấp, bán cao, có lời là bán”.

Nói quan điểm đầu tư thì nghe sách vở, chứ đúng là cách đầu tư của ông rõ ràng và ngắn gọn “mua thấp bán cao”. Trước Sacombank, ông đã đầu tư vào 2-3 ngân hàng chưa niêm yết bằng cách mua cổ phiếu OTC, và ông cũng lời. Sau này, một trong những phi vụ lời có tiếng của ông là đầu tư vào cổ phiếu Tổng công ty Khí (GAS-Hose). Và ít người biết là trong khi các “đại gia” có liên quan đến Ngân hàng ACB bán khống vàng bị lỗ, thì ông Trầm Bê gần như chưa bao giờ thua lỗ vàng. Một nhân viên của ông kể, có thời điểm ông có 8 người theo dõi giá vàng, trong và ngoài nước, và ông vừa họp, vừa chỉ đạo cả 8 đặt lệnh mua/bán vàng. “Ông chẳng bao giờ nhầm lẫn giá vàng”, nhân viên này nói.

Với Sacombank, ban đầu ông chỉ định mua một vài phần trăm lượng cổ phiếu lưu hành, đợi giá lên rồi bán. Thời ấy lãi suất ngân hàng đang cao, tầm 16-18%/năm. Lãi suất ấy giữ cổ phiếu càng lâu, càng thiệt. Nhưng rồi “con săn sắt” Sacombank cứ ngày một phình to thành “con cá rô”, khi những tính toán của ông trật khỏi đường ray. Bốn tháng sau cuộc gặp ở PNB, thị giá cổ phiếu Sacombank tiếp tục đi xuống, có lúc còn 12.000-13.000 đồng. Trong một lần nói chuyện, hỏi ông còn mua không, ông tự tin vẫn mua tiếp. Không biết lúc bấy giờ ông và nhóm nhà đầu tư liên quan đã sở hữu bao nhiêu cổ phiếu Sacombank, vì ông bắt đầu mua trước đó khá lâu, từ khi thị giá STB chạm mức 22.000 đồng/cổ phiếu.

Từ đầu tư sang thâu tóm là cả một quá trình chuyển biến dài dưới tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan. Báo chí đã tốn nhiều giấy mực, giới tài chính đã tranh luận đi tranh luận lại về chuyện PNB “cá bé nuốt cá lớn”, tiền đâu thâu tóm ngân hàng, sở hữu chéo vượt quy định cho phép... Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều chi tiết đắt giá ẩn mình, mà đến nay vẫn chưa thể nào công khai ra được.

Cơ quan chức năng đã có quyết định cho phép PNB sáp nhập vào Sacombank. Sở hữu chéo với tỷ lệ vượt quy định của nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê sẽ được giải quyết. Cho dù bên nhận chuyển nhượng là ai, thì bên bán cũng sẽ gặp phải những vấn đề nhức đầu lời - lỗ.

Ngoài mua gom trên sàn, ông Trầm Bê và nhóm nhà đầu tư (cả tổ chức lẫn cá nhân) còn mua lại cổ phần Sacombank từ phía các cổ đông lớn, các thành viên hội đồng quản trị cũ. Giá mua lại Sacombank từ REE và một số tổ chức theo phương thức thỏa thuận trên sàn 14.500-16.000 đồng/cổ phiếu. Giá mua kế tiếp từ những cổ đông khác được nâng lên từ 18.000 đến 30.000-35.000 đồng/cổ phiếu tùy số lượng, thời điểm thanh toán và cách thức thanh toán. Các tính toán mà chúng tôi thu thập được từ các công ty chứng khoán - nơi người mua người bán mở tài khoản và giao dịch diễn ra, cho thấy giá vốn đầu tư bình quân của ông Trầm Bê và nhóm nhà đầu tư vào Sacombank ước 20.000 đồng/cổ phiếu. Giá này hiện cao hơn thị giá STB trên sàn là 18.000-19.000 đồng/cổ phiếu.

Một phần lớn trong tiền đầu tư vào STB là tiền vay. Năm 2010-2012, lãi suất đầu ra có khi tới 25-27%/năm. Năm 2013-2014 giảm, còn khoảng 12-14%/năm đối với cho vay đầu tư cổ phiếu. Giả sử lãi suất vay của nhóm nhà đầu tư trên chừng 20%/năm cho hai năm 2011-2012 và 10%/năm cho năm 2013-2014, thì tổng mức lãi suất họ phải trả cho 4 năm qua là không phải nhỏ. Nói một cách khác, giá vốn bình quân đầu tư vào Sacombank từ tiền vay đâu đó 30.000 đồng/cổ phiếu.

Từ năm 2011 đến nay, Sacombank trả cổ tức ba lần. Lần một ngày 10/8/2011, cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%. Lần hai ngày 20/5/2013, cổ tức bằng tiền 6%, bằng cổ phiếu 14%. Lần ba ngày 29/11/2013, cổ tức bằng tiền 8%. Tổng cộng mỗi cổ phiếu trong thời gian đó nhận được (tính thành tiền) khoảng 5.000 đồng cổ tức. Như vậy, giá vốn đầu tư bình quân còn khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu.

Sắp tới, liệu bên mua sẽ trả giá bao nhiêu cho nhóm nhà đầu tư và ông Trầm Bê? Theo quy định mới đây, tháo gỡ sở hữu chéo là bắt buộc, có thời hạn nhất định. Sau thời hạn được định, nếu ngân hàng nào không giải quyết được, sẽ áp dụng giải pháp, như Ngân hàng Nhà nước đứng ra mua, hoặc chỉ định tổ chức mua, hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tham gia. Giá mua sẽ căn cứ trên giá trị sổ sách sau khi trừ dự phòng rủi ro. Hiện giá trị sổ sách của STB là 14.250 đồng/cổ phiếu theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3/2014.

Nhìn vào thực trạng thị trường chứng khoán hiện nay, nơi nguồn cung từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nhất là thoái vốn khỏi ngân hàng đang chịu áp lực, nhóm nhà đầu tư đang sở hữu Sacombank khó tìm được điểm hòa vốn. Có khả năng họ sẽ phải bỏ thêm tiền để bù đắp khoản vay đã sử dụng để đầu tư (cả vốn cộng lãi).

Có thể việc chuyển nhượng công ty ở Mỹ là một bước chuẩn bị của ông Trầm Bê với tư cách cá nhân trong nhóm, để giải quyết hậu quả Sacombank chăng? Biết đâu “con cá rô” Sacombank đang và sẽ hút hết lợi nhuận mà ông đã dày công vun đắp từ những “con săn sắt”? Dưới góc độ đầu tư thuần túy, như nhận xét của một số doanh nhân ngân hàng, thương vụ Sacombank đã bị chọn nhầm cổ phiếu, nhầm thời điểm giải ngân, và có lẽ cả chưa đúng thời điểm cắt lỗ!

http://www.thesaigontimes.vn/122837/Bat-con-san-sat-bu-con-ca-ro.html

Theo Hải Lý/TBKTSG

Bạn có thể quan tâm