Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013. Tại đây sẽ xây dựng 35 căn biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn chuẩn 5 sao. Từ khi khởi công năm 2014 đến nay, cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện sai phạm và buộc ngưng thi công.
2 lần kiểm tra đều phát hiện sai phạm
Cuối năm 2017, Sở Xây dựng Khánh Hòa có quyết định đình chỉ thi công dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại vì chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Khánh Hà (Công ty Khánh Hà) tự ý xây dựng vượt quy hoạch, trái giấy phép xây dựng.
Cụ thể, doanh nghiệp đã đào, đổ nhiều trụ móng, móng vách để xây nhà hàng, biệt thự khi chưa có giấy phép ở khu A và D. Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện mật độ xây dựng các công trình sai so với giấy phép được cấp.
Hiện trạng núi Cảnh Long bị đào bới tan hoang và phối cảnh khu biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng 5 sao ở lầu Bảo Đại. Ảnh: An Bình. |
Cùng thời điểm này, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Khánh Hà khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng giảm bớt công trình, hạn chế phá vỡ cảnh quan ở khu di tích lầu Bảo Đại.
Đến tháng 5/2018, khi kiểm tra lại, Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hòa phát hiện chủ đầu tư "phớt lờ" lệnh đình chỉ thi công và đã cho đào bới di tích, đổ hàng chục trụ móng, móng vách để xây biệt thự, khách sạn sai phép ở khu A và D ở lầu Bảo Đại.
Theo đó, ngoài các hạng mục xây trái phép được phát hiện từ năm 2017 chưa được khắc phục, tại khu A dự án, Công ty Khánh Hà đã thi công xong 20 móng đơn và móng vách để xây biệt thự. Còn tại khu D đã thi công xong 10 trụ móng, móng vách để xây khách sạn. Các công trình trên đều chưa có giấy phép.
Với các lỗi trên, Công ty Khánh Hà bị phạt 40 triệu đồng. Toàn bộ dự án bị buộc dừng thi công từ đó đến nay.
Núi xanh hóa trọc
Trao đổi với Zing.vn bên lề kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VI, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, cho rằng quan điểm của tỉnh là sông, núi, biển, hồ phải giữ cho bằng được, dù trong hoàn cảnh nào. Phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng không thể vì thế mà bỏ qua các yếu tố khác.
Nhiều hạng mục được thực hiện sai phép dẫn đến công trình bị đình chỉ nhiều năm nay. Ảnh: An Bình. |
Đề cập về di tích lầu Bảo Đại đang bị doanh nghiệp cạo trọc, khoét núi để xây biệt thự, ông Tuân nói cuối năm 2018, đầu 2019, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã 2 lần đi kiểm tra thực tế hiện trạng xây dựng nơi này.
Qua giám sát, HĐND thấy doanh nghiệp làm chưa đúng, như đào núi, dời cây khiến nơi đây từ chỗ xanh tốt, nay trơ đất đá, nhìn rất phản cảm.
Ông Tuân cũng cho rằng dự án được cấp phép thì doanh nghiệp triển khai nhưng phải bảo đảm tính pháp lý và an toàn cho 5 ngôi biệt thự cổ. Muốn trùng tu cũng phải đúng cách, có sự thẩm định mới thực hiện.
Sẽ kiểm tra hiện trạng dự án
Là thành viên trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng thi công dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại, ông Đoàn Minh Long, đại biểu HĐND, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa, cho rằng khó chấp nhận việc doanh nghiệp cạo trọc cả ngọn núi Cảnh Long.
“Hai lần tôi đi kiểm tra thực địa đều nhận thấy rõ ràng doanh nghiệp làm chưa đúng. Đây là khu di tích, có nhiều công trình cổ tồn tại rất hài hòa với cảnh quan gần trăm năm nên không thể dùng cần cẩu, máy đào làm rầm rộ, cạo trọc cả ngọn núi quanh năm xanh tốt như thế được", ông Long bức xúc.
"Tôi chưa bàn đúng sai trong việc cấp phép dự án nhưng rõ ràng việc khoét núi, chặt bỏ cây xanh ở đây là bất hợp lý. Đây là di tích thì phải bảo tồn được hiện trạng vốn có, mới có thể khai thác lợi thế về giá trị văn hóa, cảnh quan”, ông Long nói thêm.
Tường biệt thự cổ Cây Bàng bị khoan lỗ bắt ốc vít để giăng dây phơi khăn tắm, ga giường. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Long, nếu để tình trạng 5 ngôi biệt thự cổ không được bảo quản, trùng tu đúng cách như hiện nay thì giá trị kiến trúc của di tích sẽ mất đi. “Tôi cho rằng cần mời các chuyên gia về kiến trúc, nhà di sản để thành lập hội đồng đánh giá hiện trạng 5 ngôi biệt thự, từ đó có các phương án trùng tu, sửa chữa hợp lý. Cái này phải làm ngay, đừng đợi nữa", ông Long nói thêm.
Trong khi đó, Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định cần phải có biện pháp bảo tồn hợp lý đối với các ngôi biệt thự cổ nói riêng và cả khu vực ngọn núi Cảnh Long nói chung.
"Sau kỳ họp HĐND, tôi sẽ trao đổi với anh Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa, để thành lập đoàn đi kiểm tra lại khu vực dự án lầu Bảo Đại. Khảo sát xong sẽ căn cứ kết quả để xử lý, đồng thời đưa ý kiến sang UBND tỉnh”, ông Tuân nói.
Còn đại biểu Đoàn Minh Long cho rằng UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm giám sát chặt việc trùng tu các ngôi biệt thự, cũng như thi công dự án, đừng để nhà đầu tư làm xong mới đi kiểm tra.
"Trùng tu, bảo dưỡng các ngôi biệt thự cần phải làm đúng cách, nếu để doanh nghiệp làm mà không có cơ quan chuyên môn thẩm định, giám sát sẽ tiềm ẩn nguy cơ. Thậm chí để doanh nghiệp làm xong cơ quan chức năng mới đi kiểm tra thì lúc đó các công trình đã bị xâm phạm rồi, rất khó sửa chữa”, ông Long nêu quan điểm.
Khu biệt thự được người Pháp xây dựng năm 1923, để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Ðại và hoàng hậu Nam Phương thường đến đây nghỉ dưỡng nên cái tên lầu Bảo Đại có từ thời đó.
Tháng 10/1995, UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.
Tháng 8/2018, di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh lầu Bảo Đại lần đầu được UBND tỉnh Khánh Hòa đưa vào danh mục kiểm kê di tích và yêu cầu lập hồ sơ để bảo tồn.
Di tích lầu Bảo Đại, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang. Ảnh: Google Maps. |