Theo South China Morning Post, khi cùng các đồng nghiệp đến chợ bán buôn nông sản tươi sống ở thành phố Thanh Nguyên (tỉnh Quảng Đông) 2 năm trước, ông Yin Shanchuan choáng váng bởi những gì nhìn thấy.
Trong hơn một thập kỷ, ông Yin - một nhà bảo tồn động vật - đã đấu tranh chống những kẻ buôn bán động vật hoang dã và chủ các cửa hàng bán thịt động vật hoang dã khắp Trung Quốc. Nhưng hình ảnh những con chuột tre, rắn mặt đất, cáo, rắn và vịt bị nhồi nhét vào lồng ở chợ Thanh Viễn vẫn khiến ông rùng mình.
"Trước đây, chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiều động vật quý hiếm như vậy trong một khu chợ", ông nói. Ông Yin báo cáo những gì mình chứng kiến và được chính quyền địa phương cho biết sẽ phạt chủ các gian hàng bán động vật hoang dã.
Nhưng thị trường buôn bán động vật hoang dã tại Thanh Viễn vẫn tiếp tục ăn nên làm ra cho đến khi bị đóng cửa vào cuối tháng 1, sau khi nhà chức trách xác định virus corona chủng mới lây lan từ một khu chợ hải sản tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Hình ảnh trong khu chợ hải sản ở Vũ Hán vào tháng 1/2020. Ảnh: SCMP. |
Ngành công nghiệp 74 tỷ USD
Virus Vũ Hán đã lây nhiễm gần 89.000 người trên toàn thế giới, giết chết hơn 3.000 người và làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc, ngành công nghiệp du lịch quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính quyền Trung Quốc thông qua một nghị quyết vào ngày 23/2 để cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Bây giờ, chỉ có thịt từ động vật trong danh sách chăn nuôi và hải sản quốc gia được tiêu thụ hợp pháp tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc cần xóa bỏ những lỗ hổng trong luật bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt khi hành vi tiêu thụ động vật hoang dã rất phổ biến tại quốc gia 1,4 tỷ trong nhiều thế kỷ.
Theo báo cáo năm 2017 của chính phủ Trung Quốc, trong năm 2016, có hơn 14 triệu người làm việc trong ngành công nghiệp buôn bán động vật hoang dã tại nước này. Ngành này có quy mô lên đến 520 tỷ NDT (74 tỷ USD), bằng một nửa ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc (140 tỷ USD).
Việc tiêu thụ động vật hoang dã gắn liền với các quan niệm y học cổ truyền ở Trung Quốc. Nhưng đồng thời, thói quen này còn là cách thể hiện địa vị xã hội và sự giàu có của những kẻ tiêu thụ.
Cầy hương được bán tại một chợ ở Quảng Châu năm 2004. Tập tục ăn động vật hoang dã đã có hàng thế kỷ ở Trung Quốc. Ảnh: Dustin Shum. |
Trong nhiều năm, chính phủ Trung Quốc tìm cách hạn chế tiêu thụ động vật hoang dã. Luật bảo vệ động vật hoang được nước này áp dụng từ năm 1988 và đã được sửa đổi 4 lần.
Chỉ có khoảng 400 loài động vật hoang dã có sự bảo vệ đặc biệt của nhà nước. Thương nhân, người tiêu dùng có quyền buôn bán và tiêu thụ thương mại khoảng 1.480 loài được bảo vệ khác nếu cung cấp bằng chứng về nguồn gốc hợp pháp.
Ngoài ra, có 1.000 loài động vật hoang dã khác không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ, bao gồm dơi, chuột và quạ. Bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm thấy và mua bán chúng ở các chợ tươi sống khắp Trung Quốc, tương tự như khu chợ tại Vũ Hán.
Khó thực hiện lệnh cấm
Luo Xinsong, một chuyên gia lai tạo nhím ở tỉnh Phúc Kiến, mở công ty 10 năm trước khi thấy tiềm năng của ngành công nghiệp buôn bán động vật hoang dã. Mỗi năm Lou lãi ròng khoảng 500.000 NDT (hơn 70.000 USD).
Nhưng mọi thứ đã thay đổi một tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Bây giờ Luo lo nguy cơ công ty bị đóng cửa và ông phải sa thải toàn bộ nhân viên. "Tôi vẫn chờ đợi thông báo từ chính phủ mỗi ngày. Tôi không biết mình có thể làm gì bây giờ", Lou lo lắng nói.
Ngày 27/2, ông Liang Aifu, một quan chức thuộc Cơ quan Quản lý Thị trường Nhà nước Trung Quốc, tuyên bố chính phủ chỉ cho phép nhân giống và sử dụng các vật nuôi thông thường. Ông Liang nói: "Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm hành vi buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật".
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định không dễ để chính quyền Bắc Kinh thực hiện lệnh cấm. Ông Zhou Haixiang, thành viên Ủy ban Quốc gia về Con người và Sinh quyển Trung Quốc, cho biết các trang trại được cấp phép thường tiếp tay cho các thương nhân buôn bán trái phép động vật quý hiếm.
Sau khi động vật hoang dã bị săn trộm được chuyển đến các trang trại có giấy phép kinh doanh, tất cả sẽ được "phù phép" để trở thành hợp pháp.
Động vật hoang dã được bán tại Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, vào tháng 6/2018. Ảnh: Handout. |
Ông Song Keming, một nhà hoạt động môi trường ở tỉnh Hà Nam, cho biết hiện tại mọi thứ đã tốt hơn so với những năm 1990 khi chỉ có một hoặc 2 nhân viên bảo vệ động vật hoang dã làm việc toàn thời gian trong thị trấn của ông.
"Nhưng ngay cả như vậy, kiểm lâm vẫn phải giám sát một quận với 800.000 người và bao gồm hơn 1.000 km2 với các nhiệm vụ khác nhau, từ bảo vệ động vật hoang dã đến phòng cháy chữa cháy. Điều đó là quá sức với họ", ông Song nhận định.
Ông Zhu Xiaaming, một sĩ quan kiểm rừng ở tỉnh Hà Nam, cho biết công việc của ông rất khó khăn vì kinh phí và thiết bị hạn chế, đặc biệt so với những kẻ săn trộm. "Bọn săn trộm có xe máy off-road, nhưng chúng tôi chỉ có một xe cảnh sát. Ngay cả khi phát hiện ra, chúng tôi cũng không thể đuổi kịp", ông giải thích.
Chi phí phân tích DNA của động vật bị cấm săn bắt cũng là một vấn đề. Mỗi lần phân tích DNA của một con vật có thể tốn kém tới 1.800 NDT (gần 260 USD).
Hoạt động quản lý động vật hoang dã ở Trung Quốc cũng quá rắc rối bởi nhiều cơ quan chính phủ có liên quan đến việc điều tiết thị trường động vật hoang dã, từ phòng giám sát lâm nghiệp và thị trường, đến các sở nông nghiệp và cảnh sát lâm nghiệp.
Bà Sara Platto, Tổ chức Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Phát triển xanh Trung Quốc, cho rằng chính quyền nước này cần đưa ra các quy định chính xác và minh bạch. "Italy có những quy định rất nghiêm ngặt về sở hữu động vật hoang dã. Nếu bị phát hiện ra có động vật hoang dã đã chết hoặc nuôi nhốt, bạn sẽ đi tù", bà cho biết.
Bà đề nghị chính phủ Trung Quốc thành lập một ủy ban quốc gia gồm các nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, nhà lập pháp và doanh nghiệp để đảm bảo luật pháp được thực thi hiệu quả. "Chính phủ Trung Quốc có cơ hội để tạo ra một sự thay đổi lớn", bà nhấn mạnh.