Bất chấp cảnh báo, du khách tắm biển khi bão Sơn Tinh sắp đổ bộ
Thứ tư, 18/7/2018 18:52 (GMT+7)
18:52 18/7/2018
Nhiều du khách ở Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An) vẫn xuống biển tắm, chơi đùa dù loa phóng thanh và lực lượng cứu hộ liên tục yêu cầu lên bờ.
Tại Thanh Hóa: Bãi biển Sầm Sơn lúc 16h30 ngày 18/7 gió mạnh dần, nhiệt độ khoảng 27 độ C.
Lúc này rất đông du khách vô tư chơi đùa, tắm biển.
Nhìn quang cảnh này không ai nghĩ nơi đây chỉ vài tiếng nữa cơn bão sẽ ập đến.
Hệ thống loa truyền thanh của thành phố Sầm Sơn liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về bão số 3, đồng thời yêu cầu du khách lên bờ tránh trú nhưng nhiều du khách vẫn không rời bãi biển.
Lực lượng cứu hộ liên tục nhắc nhở, yêu cầu du khách lên bờ nhưng không xuể.
Cùng lúc đó, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân đã được neo đậu tại bờ đoạn ven đường Hồ Xuân Hương.
Chính quyền và người dân vẫn khẩn trương di chuyển các con thuyền còn lại về vị trí tránh bão. Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa, hiện 100% phương tiện tàu thuyền của tỉnh (7.410 phương tiện với 27.589 lao động) đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn.
Anh Tuân (Sầm Sơn, Thanh Hoá) chia sẻ trong buổi sáng 18/7, gia đình anh vẫn cố gắng kéo mẻ lưới thả gần bờ kiếm chút tiền đi chợ những ngày mưa bão không thể ra biển.
Ở các góc khác dọc bờ biển, người lao động cấp tập dọn dẹp che chắn vật dụng, tàu thuyền nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão có thể gây ra.
Tàu thuyền sau khi được đưa lên bờ sẽ được chằng nịt kiên cố và phủ bạt để tránh bị hư hại.
Tại Nghệ An: Chiều tối ngày 18/7, những cơn mưa lớn vẫn không ngừng đổ xuống thị xã Cửa Lò. Đây là khu vực mà tâm bão Sơn Tinh có thể đi qua khi đổ bộ vào đất liền.
Tình trạng ngập úng đã diễn ra ở một số con đường ven biển gây khó khăn cho người đi bộ và các phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, đến 18h ngày 18/7 vẫn có một nhóm du khách xuống biển vui chơi, chụp ảnh. Đây là nhóm bạn học cùng suốt 12 năm phổ thông. Chị Hiếu, một thành viên cho biết: : “Do đã đặt lịch từ trước khi bão vào mọi người vẫn đi du lịch. Thực tế bão cũng có cái hay của nó. Mọi người vẫn vui chơi, đùa giỡn vì đến giờ phút này vẫn chưa thấy có biểu hiện gì của cơn bão”.
Nhóm công nhân thi công sân khấu cho chung khảo Hoa hậu Việt Nam trở về khách sạn nghỉ ngơi trước khi bão số 3 đổ bộ. Do lo ngại trời mưa to, ban tổ chức đã phải làm thêm một sân khấu nhỏ khác ở trong nhà.
Hai nhân viên bảo vệ ở lại canh chừng sân khấu ngoài trời. Các anh rất lo lắng vì không biết sân khấu ngoài trời có trụ vững được qua cơn bão cấp 9 hay không.
Đến tối 18/7, công tác chuẩn bị ứng phó với bão Sơn Tinh cơ bản đã hoàn tất. Các cửa kính, cửa cuốn được chằng chéo. Những nhà ven biển có mái tôn cũng được chèn bao cát.
Nhân viên nhà hàng ven biển thu nốt chiếc ghế cuối cùng. Chị Nguyễn Thị Hải, chủ nhà hàng cho biết năm ngoái bão vào, nhà hàng bị thiệt hại hơn 200 triệu đồng do vỡ hết kính, hỏng cửa và một số đồ đạc trong nhà. Rút kinh nghiệm, năm nay nhà chị đã dùng cây tre chống cửa cuốn, đặt các bao cát dưới chân cửa kính và trên mái tôn.
Anh Tân, chủ một nhà hàng hải sản đang hạ mái tôn trước hiên nhà. Anh cho biết do đã quen với việc ứng phó bão lũ nên các nhà hàng ở đây ai cũng làm mái tôn theo kiểu có thể nâng lên, hạ xuống được.
19h, những cửa hàng ven biển cuối cùng cũng đóng cửa để tránh bão. Tuy đã có yêu cầu không để người ở lại từ phía UBND thị xã nhưng nhiều người vẫn bám trụ ven biển để trông nom.
Những chiếc thuyền thúng đã được như dân kéo lên đường để tránh sóng biển làm hư hại. Chúng còn được lật úp hoặc bọc bạt cẩn thận để tránh nước tràn vào.
Ông Võ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho hay từ chiều 17/7 chính quyền thị xã bắt đầu phát loa tuyên truyền người dân hạn chế tắm biển. Đến 8h sáng nay, thị xã cắm biển báo cấm tuyệt đối không cho khách xuống tắm. Các tàu cũng không được ra khơi. Các ki-ốt đến trưa 18/7 phải ngưng các hoạt động, không để người ở lại tránh sự việc đáng tiếc về người có thể xảy ra.