Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động xây cất và lấn biển làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, gây gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ảnh: Newsweek.com |
Cuộc tập trận bắt đầu ngày 23/7 ở phía đông đảo Hải Nam và quân đội Trung Quốc ngày hôm nay (24/7) khẳng định những cuộc diễn tập này “không nhằm vào các nước láng giềng”.
“Đây là những cuộc tập trận quân sự thông thường được lên kế hoạch hằng năm, không nhắm vào bất kỳ nước nào”, AP dẫn một thông báo từ Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
“Hải quân Trung Quốc đang tụt hậu so với lực lượng bộ binh, cần được tăng cường thông qua các cuộc diễn tập thường xuyên”, thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) phát biểu trên tờ Global Times.
Trước thông tin này, ngày 23/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình lên tiếng phản đối và cho rằng việc tập trận của Trung Quốc tại khu vực bao trùm các đảo, đá thuộc phía đông bắc Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung, ngăn cản đà phát triển quan hệ hai nước, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc thực hiện những hành động có trách nhiệm và dừng ngay những hành động làm căng thẳng trong khu vực.
Các chuyên gia hối thúc mở rộng hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines
Tại hội thảo tổ chức ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế diễn ra ngày 23/7, nhiều chuyên gia an ninh hàng đầu ở cuộc hội thảo cũng đã kêu gọi Mỹ mở rộng hiệp ước an ninh hiện giờ của họ với Philippines, bao gồm cả việc phòng thủ cho các đảo và rặng đá ngầm đang do Philippines kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông.
Seth Cropsey, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng, cho rằng vấn đề này nên được xử lý như vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản.
Walter Lohman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á ở Quỹ Heritage - một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Washington, nói trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ rằng đã tới lúc Mỹ đảm bảo an ninh một cách vững chắc cho các đồng minh châu Á.
“Tôi cho rằng chúng ta nên thay đổi lập trường trong việc áp dụng hiệp ước an ninh Mỹ - Philippines và bao gồm cả các thực thể ở Biển Đông hiện do Philippines kiểm soát và quản lý - Lohman nói - Hiện giờ chúng ta vẫn còn mơ hồ về điều đó”.