Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bắt bệnh qua bàn chân

Bàn chân chứa nhiều huyệt đạo liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể, do vậy nó cũng là bộ phận phản ánh tình trạng sức khỏe của con người.

Bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào ở bàn chân cũng "mách" cho chúng ta biết được cơ thể chúng ta đang “gặp vấn đề” ở bộ phận nào. Hãy tham khảo một số dấu hiệu sau:

Chân lạnh

Nếu bàn chân và các ngón chân của bạn luôn luôn lạnh, nguyên nhân đó có thể là do vấn đề tuần hoàn trong cơ thể khiến máu lưu thông kém bao gồm các bệnh liên quan đến thuốc lá, cao huyết áp hoặc bệnh tim. Các tổn thương thần kinh ở người bệnh tiểu đường do không kiểm soát được đường huyết, bệnh suy giáp, thiếu máu cũng làm cho đôi chân của bạn cảm thấy lạnh. Hãy loại trừ các nguyên nhân bệnh tật ở trên bằng việc đi khám bác sĩ .

Đau chân

Nếu cảm thấy đau ở bất kỳ vị trí nào trên bàn chân suốt một ngày không dứt, đừng vội nghĩ đến đôi giày làm bạn tổn thương, nó có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều như bị gãy xương, nứt xương do vận động, nhất là đối với những người bị loãng xương nguy cơ xốp xương, gãy xương càng cao.

Ngón chân có màu đỏ, xanh hoặc trắng

Đây là bệnh Raynaud khiến các ngón chân chuyển sang màu trắng, sau đó hơi xanh, và quay trở lại đỏ. Thực chất nó là một loại bệnh về mạch máu, khi người bệnh tiếp xúc với môi trường lạnh, các mạch máu ở đầu ngón tay, ngón chân sẽ co thắt lại gây tím tái. Những thay đổi về nhiệt độ hay căng thẳng có thể kích hoạt căn bệnh này. Ngoài ra đây cũng là triệu chứng của chứng viêm khớp dạng thấp, hay bệnh về tuyến giáp.

Đau gót chân

Nguyên nhân phổ biến nhất của đau gót chân là do viêm màng gân lòng bàn chân. Cơn đau rõ nhất khi bạn lần đầu tiên thức dậy và gây áp lực lên chân. Viêm khớp do vận động quá sức, và không vừa giày có thể gây đau gót chân. Nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm nhiễm trùng xương, khối u, hoặc gãy xương.

Kéo lê bàn chân

Đôi khi những dấu hiệu đầu tiên của một vấn đề sức khỏe là cách đi lại thay đổi như kéo lê bàn chân khi đi chẳng hạn. Nguyên nhân có thể do một tổn thương thần kinh ngoại vi, làm mất cảm giác ở bàn chân. 30% những trường hợp có dáng đi như vậy liên quan đến bệnh tiểu đường. Ngoài ra có thể đặt nghi vấn mắc các bệnh do nhiễm trùng, thiếu hụt vitamin, và nghiện rượu.

Đầu ngón dày lên

Hiện tượng đầu các ngón tay hay ngón chân dày lên, , móng thường tròn trên đầu cong xuống. Đây là dấu hiệu bạn mắc bệnh phổi, nhưng cũng có thể do các căn bệnh như tim, gan, rối loại tiêu hóa hoặc bị nhiễm trùng. Nếu tiền sử gia đình nhiều người có hình dạng móng chân như vậy thì được xếp vào loại có tính di truyền mà không hề liên quan đến các bệnh lý kể trên.

Bàn chân sưng

Khi phải đứng quá lâu, không được vận động trong một thời gian dài hay ở người đang mang thai, hiện tượng này hay xuất hiện. Tuy nhiên nó cũng có thể là một dạng bệnh nguy hiểm do tuần hoàn kém, hay vấn đề ở hệ bạch huyết, hoặc một cục máu đông. Khi thận bị rối loạn chức năng hoặc tuyến giáp hoạt động kém cũng gây sưng ở chân.

Cảm giác nóng rát ở chân

Đây là hiện tượng nhiều người gặp phải, nó do sự tổn thương thần kinh ngoại vi gây ra. Hay gặp nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường, thiếu vitamin nhóm B, người bị mắc bệnh thận mạn tính hoặc nhược giáp.

Lở loét không lành ở chân

Khi có vết loét ở chân không lành là một dấu hiệu cảnh báo quan trọng cho bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tiểu đường nên rửa và lau khô bàn chân mỗi ngày và hàng ngày kiểm tra bàn chân đề phòng những vết loét gây nhiễm trùng.

Đau ở ngón chân cái

Hãy nghĩ tới bệnh Gout khi bạn bị sưng, đau, phồng ở ngón chân cái. Nguyên nhân là do sự tích tụ acid uric tạo thành những tinh thể hình kim, nhất là khi trời lạnh, khiến các khớp sưng tấy. Ngón chân cái là phần xa tim nhất của cơ thể, do vậy bị tác động nhiều nhất. Dấu hiệu sớm của bệnh gout là buổi sáng ngủ dậy người bệnh thường thấy ngón chân cái sưng, tấy đỏ.

Đau ở các ngón chân nhỏ

Nếu bạn cảm thấy đau ở các khớp xương ngón chân thường là bệnh viêm đa khớp dạng thấp hay một bệnh thoái hóa khớp. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này hơn nam giới gấp 4 lần.

Ngứa ở chân

Ngứa hay có vảy trên da là dấu hiệu bạn đã bị nhiễm nấm thông thường. Cũng có thể do bị phản ứng với hóa chất hoặc các sản phẩm chăm sóc da - được gọi là viêm da tiếp xúc - cũng gây ngứa. Nếu ngứa kèm theo ngón chân có vết lằn, cần nghĩ đến bệnh vảy nến, các loại thuốc dạng kem sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Ngón chân gập

Biến dạng bàn chân này thường là do đôi giày của bạn. Nó quá chật làm co quắp ngón chân nhưng cũng không loại trừ những căn bệnh có thể làm ngón chân co như vậy – đó là do tổn thương các dây thần kinh: như ở người tiểu đường, nghiện rượu, hoặc rối loạn thần kinh. Trong trường hợp do các bệnh xương khớp cần phải phẫu thuật hoặc vật lý trị liệu thích hợp.

Chân co thắt

Khi bị đau nhói ở bàn chân là dấu hiệu của một sự co thắt cơ hoặc chuột rút, có thể kéo dài nhiều phút. Làm việc quá sức và cơ bắp mệt mỏi là nguyên nhân phổ biến. Các nguyên nhân khác bao gồm lưu thông kém, mất nước, mất cân bằng kali, magiê, canxi, hoặc nồng độ vitamin D trong cơ thể. Nếu co thắt thường xuyên hoặc nghiêm trọng hãy gặp bác sĩ.

Mảng tối trên bàn chân

Nếu xuất hiện bất kỳ biến đổi màu sắc nào trên da bàn chân hãy đến gặp bác sĩ bởi đây có thể là giai đoạn đầu của bệnh ung thư da. Những khối ung thư da nguy hiểm nhất thường ở vị trí không tiếp xúc với ánh nắng thường xuyên. Các vết này thậm chí có thể xuất hiện bên dưới các móng tay, giống như một đốm đen.

Móng chân vàng

Bệnh do nhiễm nấm thường làm dày móng chân và có màu vàng. Đây cũng là một dấu hiệu của một số căn bệnh liên quan đến hệ thống bạch huyết, bệnh phổi, bệnh vẩy nến, hoặc viêm khớp dạng thấp.

Móng chân hình thìa

Các chấn thương vật lý hoặc tiếp xúc thường xuyên với các dung môi dầu mỏ có thể tạo ra các vết lõm, thìa ở ngón chân. Tuy nhiên, khi cơ thể bị thiếu sắt có thể làm các ngón chân có hình dạng bất thường.

Móng trắng

Tổn thương móng hay mắc bệnh ở bất cứ nơi nào trong cơ thể có thể gây ra các vùng màu trắng ở móng. Nếu một phần hoặc toàn bộ móng xuất hiện màu trắng cần lưu ý các chấn thương, nhiễm trùng móng, bệnh vẩy nến. Đôi khi đó là những căn bệnh nghiêm trọng hơn bao gồm bệnh gan, suy tim sung huyết, hoặc bệnh thận.

Móng rỗ

Rỗ, lõm hay không bằng phẳng ở bề mặt của móng là do sự gián đoạn trong sự phát triển ở mặt móng. Một nửa số người có dấu hiệu này là do bệnh vẩy nến.

http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/bat-benh-qua-ban-chan-20150120094856337.htm

Theo Dương Bạch/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm