Dù nằm trong TP Nha Trang nhưng những căn nhà ở các xóm biển chỉ được dựng tạm chỏng chơ, xiêu vẹo. Dân địa phương gọi những căn nhà này là “nhà chồ”.
Ký ức đau thương
Khu nhà chồ của phường Vĩnh Phước nằm ở phần rìa của bờ sông Cái chảy qua lòng TP Nha Trang. Những căn nhà chồ này làm theo kiểu nhà sàn, cột gỗ được đóng xuống lòng sông, phía trên lát ván ép, cách mặt nước chừng 1,5-2 m. Hầu hết các căn nhà đều chật hẹp, diện tích chỉ 15-20 m2 nhưng có đến 5-6 người ở.
Sống ở khu nhà chồ, trẻ em đối mặt nhiều hiểm nguy. |
Mùa mưa lũ năm nay, dù các cơn bão không ảnh hưởng trực tiếp đến Khánh Hòa nhưng sóng lớn đã đánh chìm 2 căn nhà chồ. Ông Nguyễn Văn Biên, một người dân trong khu vực, buồn bã: “Mới đây, đêm 8/11, từng đợt sóng cao khoảng 3 m đánh ập vào vách nhà ầm ầm. Sóng phủ qua mái nhà, nước xối xuống ào ào. Khoảng 1h, căn nhà của tôi lắc mạnh rồi đổ sụp xuống sông. Nhìn tài sản bị sóng gió nuốt chửng, gia đình tôi rất đau lòng, cũng may mà cả nhà đã kịp di tản...”.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, hàng xóm của ông Biên, nhớ lại: “Năm 2010, cũng vào mùa giông bão, khi cả nhà tôi đang lo chèo chống nhà cửa thì bé Quỳnh, 3 tuổi, con tôi, chơi cùng bạn hàng xóm bị sẩy chân rớt xuống sông. Sóng cuốn 2 cháu mất dạng, khi tìm được thì cả 2 đều đã tử vong”.
Theo UBND phường Vĩnh Phước, mùa lũ năm 2010, có 7 hộ nhà chồ bị lũ cuốn mất nhà cùng toàn bộ tài sản, 40 hộ khác bị hư hại một phần nhà cửa. Cùng tình cảnh là khu nhà chồ của khoảng 70 hộ dân nằm sát biển thuộc phường Vĩnh Nguyên.
Anh Hồ Đại, sống tại khu nhà chồ này gần 20 năm qua, cho biết: “Tháng 10-11 hằng năm là lúc biển động mạnh, cả khu này hầu như nhà nào cũng bị sóng đánh hư hại. Nhiều nhà bị sóng đánh sụp, phải bỏ của chạy lấy người. Biết nguy hiểm nhưng gia đình nào cũng phải ở vì không có tiền để đi nơi khác thuê nhà sinh sống...”.
UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết trong trận bão năm 1993, gần 50 căn nhà chồ ở đây bị cuốn trôi xuống biển. Cơn bão năm 2009, tình hình cũng ương tự. Đến năm 2010, 6 căn nhà bị sóng cuốn trôi…
Khao khát tái định cư
Hầu hết cư dân nhà chồ là lao động nghèo, chủ yếu làm thuê trên các tàu cá. Do đó, họ không có điều kiện làm nhà kiên cố. Tái định cư là niềm khát khao của các cư dân.
Ông Lê Văn Em - tổ trưởng tổ 6, phường Vĩnh Phước - cho biết: “Sau mỗi mùa mưa lũ, người dân khu vực này chỉ dám nhặt nhạnh, dựng căn nhà chồ sống tạm. Những nhà được xây dựng khá kiên cố dù bị sụt lún, nứt nẻ nhưng người dân cũng không dám sửa chữa lớn vì khu vực này nằm trong quy hoạch kè sông Cái. Đã hơn 12 năm qua, ai cũng mong mỏi nhà nước sớm có kế hoạch tái định cư cho dân yên ổn làm ăn”.
Theo UBND phường Vĩnh Phước, phường có khoảng 184 nhà chồ bị uy hiếp trực tiếp từ sông Cái. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước, cho biết: “Việc tái định cư cho dân là nhu cầu bức thiết. Mới đây, 60 hộ đã nộp đơn xin được di dời trước khi dự án xây kè triển khai. UBND phường đã xin ý kiến UBND TP Nha Trang. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, phường cũng bày tỏ mong muốn sớm đưa dự án vào hoạt động, sớm quy hoạch tái định cư để người dân ổn định làm ăn, sinh sống”.
Theo ông Dương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên, phường thường xuyên kiến nghị UBND thành phố và tỉnh về việc di dời các hộ dân khu nhà chồ đến nơi an toàn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Thiếu kinh phí
Ông Huỳnh Ngọc Bông, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết kè biển ở phường Vĩnh Nguyên nằm trong dự án phòng chống biến đổi khí hậu có nguồn vốn từ Chính phủ. UBND tỉnh đã lên kế hoạch thực hiện nhưng nguồn vốn vẫn đang chờ.
“Với việc xây kè Hà Ra giai đoạn 2 ở phường Vĩnh Phước để bảo vệ dân, UBND tỉnh cũng đã lên phương án nhưng chưa làm được vì thiếu kinh phí” - ông Bông phân trần.