Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bartomeu vướng vòng lao lý là lời cảnh tỉnh cho Barca

Ba cựu chủ tịch Barca vướng vòng lao lý trong 10 năm, và thành tích của đại diện xứ Catalonia cũng xuống dốc gần đây.

Bình luận

Barca anh 1

Trưa 1/3, Mundo Deportivo đưa tin cảnh sát địa phương Mossos d’Esquadra thực thi lệnh khám và thu giữ tài liệu cũng như bắt người ở nhà riêng và trụ sở văn phòng FC Barcelona.

Bốn nhân vật bị bắt giữ là CEO Oscar Grau, Trưởng Bộ phận Pháp chế Roman Gomez Ponti, cố vấn Jaume Masferrer và quan trọng nhất, cựu Chủ tịch Josep Maria Bartomeu.

"Barcagate"

Đội ngũ lãnh đạo này bị bắt giữ với những cáo buộc sai phạm trong quản lý, tham nhũng và rửa tiền liên quan đến vụ án "Barcagate", sự việc ban quản trị của Bartomeu bị cáo buộc chi tiền cho công ty truyền thông I3 Ventures để thực hiện các chiến dịch tấn công các đối thủ chính trị và cầu thủ đội bóng.

Bartomeu được cho là thổi phồng số tiền chi ra cho I3 Ventures và chia nhỏ thành các khoản chi dưới 200.000 euro để tránh các cơ chế kiểm soát nội bộ.

Dù chấn động là thế, đây không phải là lần đầu tiên người hâm mộ Barca phải nghe về những rắc rối với chốn pháp đình của các vị chủ tịch đội bóng.

Chỉ 2 tháng sau khi được bầu làm chủ tịch đội bóng, Sandro Rosell cho kiểm toán độc lập sổ sách của CLB và đi đến kết luận người tiền nhiệm của ông, Joan Laporta, chỉnh sửa sổ sách để hô biến khoản lỗ 79 triệu euro thành khoản lãi 11 triệu euro.

Rosell đã kiện Laporta ra tòa để truy thu số tiền 47 triệu euro.

Barca anh 2

Sandro Rosell từng vướng vòng lao lý vì liên quan tới những mờ ám trong vụ chuyển nhượng Neymar. Ảnh: Getty.

Đây cũng không phải lần duy nhất Laporta bị một thành viên CLB kiện ra tòa, khi sau đó ông này cũng bị kiện đòi bồi thường CLB 23 triệu euro vì những sai phạm trong mùa giải 2002/03.

Thế nhưng, Sandro Rosell cũng bị kiện ra tòa với những cáo buộc lừa đảo và trốn thuế trong thương vụ chuyển nhượng Neymar. Ông còn phải ngồi tù 20 tháng với tội danh gian lận thuế.

Và bây giờ là tới Bartomeu.

Sự việc bắt giữ Bartomeu xảy ra chỉ 6 ngày trước khi hơn 140.000 hội viên chính thức (socios) của Barca bỏ phiếu bầu ra vị chủ tịch mới, người sẽ lèo lái CLB trong 6 năm tới, trong bối cảnh đội bóng đang nợ hơn 1,1 tỷ euro.

Đó chưa tính đến doanh thu đội bóng sụt giảm vì Covid-19, màn trình diễn nghèo nàn trên sân và tương lai bất định của đội trưởng Lionel Messi.

Không quá khi nói 3 trong số 4 vấn đề trên có thể đã không xảy ra nếu chủ tịch Bartomeu làm tốt hơn. Sửa chữa những sai lầm ấy cũng như vực dậy đội bóng là điều mà những người hâm mộ Barca mong mỏi ở vị tân chủ tịch.

Người mới có khác hơn?

Với việc ứng cử viên Toni Freixa tụt xa về phía sau ở số chữ ký thu thập được cũng như số phiếu trong các cuộc thu thập ý kiến, cuộc đua đến ghế chủ tịch của Barca gần như là cuộc đua giữa cựu binh Laporta và kẻ thách thức Victor Font.

Laporta không phải gương mặt quá xa lạ. Ông là một trong những vị chủ tịch thành công nhất trong lịch sử đội bóng với việc đưa ra ánh sáng lứa cầu thủ trong mơ của La Masia và bổ nhiệm Pep Guardiola.

Laporta luôn biết cách tận dụng những thành tích trong quá khứ của mình để lấy điểm trong chiến dịch tranh cử.

Khởi động chiến dịch "We love Barca" hơn một tháng trước ngày bầu cử ban đầu (24/1), Laporta cho treo một tấm băng rôn lớn chỉ cách sân Santiago Bernabeu hơn 100 m với nội dung "Sớm gặp lại các bạn."

Sau đó, ông cũng thường nhắc tên Real trong các cuộc phỏng vấn, tiêu biểu như phát ngôn "Khi tôi còn là chủ tịch, Real không giành được chức vô địch Champions League nào".

Hoặc đó là việc úp mở với báo chí việc mình có liên hệ với những người đại diện hàng đầu và có thể mang về sân Camp Nou những ngôi sao sáng ở đấu trường châu Âu.

Là vị chủ tịch lọc lõi, Laporta hiểu người hâm mộ muốn gì ở đội bóng mình ủng hộ. Ông hiểu những cái tên như David Alaba hay Erling Braut Haaland thu hút sự chú ý hơn hẳn so với những kế hoạch vĩ mô về tái cấu trúc và thay đổi bộ máy ở CLB, bất chấp khoản nợ 1, tỷ euro vẫn đang treo lơ lửng.

Barca anh 3

Laporta được cho là ứng viên nặng ký cho ghế chủ tịch của Barca. Ảnh: Getty.

Victor Font, trong khi đó, có vẻ như chiến đấu một cách ngây thơ hơn. Ông không ngần ngại lên tiếng rằng việc phát biểu về những cầu thủ tỏa sáng ở đấu trường châu Âu trong bối cảnh nợ nần hiện nay của CLB là "thiếu trách nhiệm".

Giết chết những giấc mơ là một tội ác lớn nhất trong một chiến dịch tranh cử, và có vẻ như Font phải trả giá vì cách tiếp cận thẳng thắn của mình.

Trong những cuộc thu thập ý kiến thực hiện bởi các đài địa phương ở Catalonia, Laporta dường như chiếm nhiều ưu thế với hơn 50% phiếu bầu so với khoảng 2-30% của Font.

Font thường bị cho là chỉ có con bài tẩy Xavi Hernandez cho chiến dịch tranh cử, nhưng vấn đề là chiến dịch "Yes to the future" của vị CEO viễn thông này có nhiều hơn thế chỉ là kế hoạch hành chính vĩ mô nên không mấy ai quan tâm.

Ngoài những yếu tố bắt buộc mà ứng viên nào cũng đề ra như tập trung cho lò La Masia, giữ chân Messi, tái cấu trúc nợ, thì Font là người đầu tiên có kế hoạch về mặt cơ cấu quản trị của CLB.

Ông muốn thực hiện minh bạch hóa quá trình ra quyết định của CLB, hướng tới việc tham gia đóng góp nhiều hơn của socios (các hội viên), chuyên môn hóa các mảng, thành phần ra quyết định của CLB và vận động gỡ bỏ các điều khoản về thế chấp tài chính để đủ điều kiện tham gia Ban Quản trị CLB.

Trong khi những ứng viên khác vẫn tập trung vào khía cạnh thể thao của đội bóng trong kế hoạch đề ra của mình, Font vạch ra bước đầu tiên trong vấn đề mà ông nhìn thấy ở Barca: cơ cấu tổ chức và không khuyến khích một sự kế thừa.

Joan Gaspart, chủ tịch CLB từ 2000-2003, là cấp phó của người tiền nhiệm Jose Luis Nunez trong 22 năm. Trong 3 năm cầm quyền, ông duyệt chi hơn 200 triệu euro của CLB mà không đạt được thành tích nào.

Rosell là thành viên trong ban Quản trị của Laporta rồi lên tiếp quản ghế chủ tịch. Tương tự Bartomeu là cấp phó của Rosell lên nắm quyền ngay sau khi Rosell từ chức.

Hệ thống hiện tại ở Barca khuyến khích sự kế thừa của một vòng tròn vốn đã dính chàm.

Trong khi Font thẳng thắn đến bi quan về tình hình của CLB khi lên tiếng rằng họ không thể thực hiện những bản hợp đồng lớn, Laporta với sự bóng bẩy và phong cách vốn có của mình vẫn tự tin rằng "ở Barca không có khái niệm chuyển giao."

Đặt vào bối cảnh vụ bắt giữ mới đây của Bartomeu, đồng thời nhìn lại bối cảnh 3 đời chủ tịch gần nhất (tức từ năm 2003 tới nay) của Barca, họ đều gặp vấn đề với luật pháp.

Trong bối cảnh Barca vẫn còn khoản nợ hơn 1.1 tỷ euro, có lẽ các socios, người hâm mộ CLB trước quyết định bỏ phiếu vào ngày 7/3, cần thực sự nghiêm túc với câu hỏi: Liệu họ có muốn đối mặt với vấn đề nằm ở hệ thống của FC Barcelona với Font, hay tin tưởng vào sự bay cao cùng Laporta?

Ứng viên chủ tịch Barca bày tỏ mong muốn giữ chân Messi Joan Laporta, người đang chạy đua vào ghế chủ tịch Barca, tập thuyết phục Lionel Messi khi ngày mà siêu sao này hết hợp đồng với đội chủ sân Camp Nou ngày một gần hơn.

Cựu chủ tịch Barca được trả tự do

Sau một đêm tạm giam, cựu Chủ tịch Josep Bartomeu của Barca được trả tự do nhưng vẫn nằm trong số đối tượng bị điều tra do những sai phạm trong thời gian quản lý CLB.

Cách Bartomeu hủy hoại Barca trong 6 năm

Những vụ bê bối khiến Barca đi từ đỉnh cao xuống vực sâu thất vọng trong 6 năm qua với tác nhân chính là ông Josep Bartomeu.

Minh Hiển

Bạn có thể quan tâm