Sau khi Barcelona chiêu mộ thành công Antoine Griezmann, việc Neymar có thể trở lại đang khiến bầu không khí ở sân Camp Nou trở nên vô cùng phấn khích.
Tuy nhiên, tình hình ngân sách bị phình to từ trước khi chi 120 triệu euro chiêu mộ Griezmann đang khiến các CĐV lo lắng về khả năng tài chính dài hạn của Barca.
Đau đầu vì bài toán Griezmann và Neymar
Khi Griezmann cập bến Barca, tổng chi trong mùa hè 2019 của đội chủ sân Camp Nou là gần 240 triệu euro, gồm cả bản hợp đồng Frenkie De Jong từ Ajax Amsterdam (75 triệu euro).
Những cầu thủ đã bán đi giúp Barca thu về khoảng 100 triệu euro, gồm Andre Gomes đến Everton (25 triệu euro). Dẫu vậy, tình hình tài chính của đội bóng vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Griezmann trở thành bản hợp đồng ồn ào giữa Barca và Atletico Madrid. |
Các nhà lãnh đạo của Barca đã mất tới 11 giờ đồng hồ thương thảo để được trả góp cho bản hợp đồng mang tên Griezmann, khiến Atletico Madrid một phen tức giận. Cuối cùng, đội bóng xứ Catalonia được yêu cầu trả 120 triệu euro để kích hoạt các điều khoản giải phóng chân sút người Pháp, nhưng không đi theo thông lệ quốc tế.
Điều này đã được chính Chủ tịch Barcelona, Josep Maria Bartomeu thừa nhận tại buổi lễ ra mắt Griezmann.
"Đội bóng đã thực hiện khoản vay 35 triệu euro và phải trả trong 6 tháng. 85 triệu euro còn lại đến từ việc bán các cầu thủ khác nhưng chưa được thanh toán”, Bartomeu giải thích với các phóng viên.
Giám đốc điều hành của Prime Time Sport, Esteve Calzada, hiểu rất rõ về những rắc rối tài chính trong các phi vụ chuyển nhượng như Griezmann. Calzada từng có thời gian giữ chức trưởng phòng thương mại và marketing của Barca từ năm 2002 đến 2007.
Calzada nói với The Independent: "Thông thường, bạn không cần có đến 120 triệu euro trong ngân hàng. Tôi không nghĩ Barca sẽ gọi cho các CLB nợ tiền họ từ những hợp đồng chuyển nhượng. Ví dụ, bạn không thể gọi đến Everton và yêu cầu thanh toán chi phí mua đứt Andre Gomes. Thay vào đó, bạn có thể vay tiền từ các công ty tài chính".
Với những bước đi khó khăn nhằm có được chữ ký của tiền đạo người Pháp, việc Barca gặp gỡ Paris Saint-Germain để hỏi mua Neymar với giá 300 triệu euro gần như đã là điều bất khả thi. Điều này giải thích lý do nhà ĐKVĐ La Liga đề xuất PSG lấy thêm Philippe Coutinho và Ousmane Dembele cộng với khoản trả trước 40 triệu euro. Tuy nhiên, PSG đã từ chối.
Calzada khẳng định rằng Barca buộc phải bán Coutinho và Dembele mới có thể hiện thực hoá việc ký hợp đồng với Neymar.
Ông nói: "Barca đã rất thành công trong việc tạo ra lợi nhuận và bán các cầu thủ. Nhưng chỉ có một cách duy nhất để sở hữu cả Griezmann và Neymar, đó là bán đi Coutinho và Dembele với một giá hợp lý. Hoặc bạn có thể trao đổi những cầu thủ chất lượng khác như Ivan Rakitic và Samuel Umtiti với PSG, sau đó phải tìm kiếm những cái tên thay thế".
"Điều đó không dễ dàng chút nào. Chẳng có một giải pháp kỳ diệu nào cho các vấn đề liên quan đến tài chính, ngoại trừ việc đội bóng có một nhà tài trợ mới. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra", Calzada chia sẻ.
Thu chi là vấn đề nan giải của Barca
Lợi nhuận của Barca đặc biệt tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Vào tháng 10/2018, đội bóng xứ Catalonia công bố tổng thu nhập ở mùa giải 2017/2018 là 914 triệu euro, tăng 29% so với mức kỷ lục trước đó. Con số dự đoán cho mùa giải 2018/2019 là 960 triệu euro. Tuy nhiên, những khoản chi tiêu cũng leo thang chóng mặt.
Quỹ lương của Barca cao nhất thế giới để giữ chân các ngôi sao. |
Victor Font là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty đầu tư Delta Partners có trụ sở tại Dubai. Ông cũng là một thành viên của ban lãnh đạo Barca, có tham vọng chạy đua vào chức chủ tịch CLB.
Font chia sẻ: "Khi bạn nhìn vào những thứ liên quan đến tài chính trong vụ chuyển nhượng lớn, sẽ luôn có hai điều: tổng số tiền đầu tư và cách bạn chi trả cho nó".
"Bất kỳ CLB nào cũng sẽ có vấn đề trong việc chi trả 120 triệu euro bằng tiền mặt, mặc dù nếu xét về tình hình thu chi, nó có thể được chi trả trong khoảng thời gian cầu thủ đó thi đấu. Điều quan trọng tiếp theo là nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các khoản chi tiêu cho phí vận hành hàng năm”, ông nói.
Thêm một vấn đề nổi cộm là quỹ lương của Barca đã tăng lên gấp đôi so với 4 năm trước, trở thành đội bóng có quỹ lương cao nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất, lương cho các cầu thủ Barca đã tăng hơn 40%, đạt 529 triệu euro ở mùa giải 2017/2018, cao hơn gần 100 triệu euro so với Real Madrid.
Chi phí dành cho lương ở mùa giải 2017/18 cũng chiếm từ 52% đến 70% doanh thu của Barca, may mắn chưa vượt quá ngưỡng tối đa mà UEFA cho phép (70%). Với Real Madrid, chi phí này chiếm 53%.
Sự ra đi của những cầu thủ kỳ cựu có mức lương khổng lồ như Andres Iniesta và Javier Mascherano đã giúp Barca giải tỏa phần nào. Nhưng với sự xuất hiện của Griezmann và rất có thể là cả Neymar, Barca sẽ vượt quá giới hạn.
Font nhấn mạnh: "Barca là CLB thể thao trả lương cao nhất thế giới. Nếu không tính thu nhập từ việc bán cầu thủ, 81% doanh thu thông thường đi thẳng vào túi cầu thủ. Đó là một áp lực tài chính không hề nhỏ cho đội bóng xứ Catalonia".
"Trong những năm gần đây và năm tới, trừ phi bán cầu thủ mang về thu nhập khủng, Barca không thể có một bản thu chi sinh lãi. Một vấn đề khác là CLB không có những cam kết tài chính rõ ràng trong tương lai gần hay làm cách nào để quản lý cơ cấu chi phí", ông nói.
Những người theo dõi sát sao tài chính của Barca sẽ nhận thấy điều khoản số 67 trong quy chế CLB. Nó quy định rằng ban điều hành phải từ chức nếu số nợ vượt gấp đôi thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao.
Neymar vẫn được kỳ vọng sớm trở về Camp Nou. |
Trong khi đó, luật của Barca còn hạn chế mua vào những phương án giá rẻ như Kevin-Prince Boateng và Jeison Murillo để bù đắp khoảng trống trong đội hình.
Cựu trưởng phòng thương mại Calzada khẳng định: “Ban lãnh đạo Barca vẫn chưa đạt được điều họ muốn. Tôi biết một sự thật rằng vài năm gần đây, họ có cơ hội ký hợp đồng với một vài cầu thủ nhưng không thành công bởi nó có thể khiến họ vượt quá giới hạn".
"Sự thắt chặt trong trường hợp này đồng nghĩa với việc các thành viên trong ban điều hành thường xuyên tạo ra những quyết định chuyển nhượng phức tạp đòi hỏi sự kết hợp của cả yếu tố bóng đá lẫn phân tích tài chính", ông cho hay.
Barca cần thay đổi cách đàm phán cầu thủ
Khi được hỏi liệu ban điều hành sân Camp Nou có đủ kiến thức về tài chính hay không, Calzada không ngần ngại gật đầu.
"Để có chân trong ban lãnh đạo, bạn phải là một nhà kinh doanh thành công. Câu hỏi đặt ra là liệu những kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác có phù hợp với thể thao nói chung và Barca nói riêng", ông nói.
Về phía Font, ông thừa nhận cần hạn chế sự xuất hiện của các vị chủ tịch và giám đốc đội bóng trong những thương vụ chuyển nhượng.
Ông chia sẻ: "Mẫu hình quản lý tồn tại 100 năm này đã không còn phù hợp nữa. Khi quyết định tiến hành những vụ đầu tư tầm cỡ, giống như ký hợp đồng với Neymar, ban điều hành phải chấp nhận nó như một quyết định chiến lược. Nhưng việc thực hiện chiến lược như tiến hành đàm phán nên được giao cho một đội ngũ quản lý ưu tú thuê ngoài. Điều này dễ dàng được nhìn thấy ở tất cả tổ chức chuyên nghiệp".
Trong tình hình phức tạp hiện tại, sự chỉ đạo trực tiếp từ ông chủ PSG và mô hình đưa ra quyết định của Barca đều khẳng định Neymar sẽ khó lòng tiếp bước Griezmann đến sân Camp Nou vào mùa hè này.
Tuy nhiên, nếu cân nhắc cải tổ những vấn đề tài chính và tái cấu trúc tổ chức của Barca, Neymar vẫn có thể trở thành thương vụ bom tấn phát nổ vào những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa hè 2019.