Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vị trí tâm bão số 13 (Vamco) lúc 15h ngày 14/11 cách Đà Nẵng 187 km. Sức gió mạnh nhất cấp 12-13 (115-150 km/h), giật cấp 16.
Tâm bão đã quét qua quần đảo Hoàng Sa, gây ra mưa, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão gió cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao 5-7 m. Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Trên đất liền ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Bão đi qua 6 tỉnh, thành
Dự báo đến 1h ngày 15/11, tâm bão ngay trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 14.
Bão số 13 sẽ vào đất liền từ rạng sáng 15/11. Ảnh: VNDMS. |
Vùng biển phía bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) cách xa tâm bão nhưng vẫn sẽ ghi nhận gió đông bắc mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km và đi vào đất liền từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam. Đến 13h ngày 15/11, vị trí tâm bão ở nằm trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 14 đến 19 độ vĩ bắc; phía tây kinh tuyến 112,5 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Lào - Thái Lan.
Như vậy, theo dự báo mới nhất, tâm bão số 13 có xu hướng quét qua 6 tỉnh, thành gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An. Cơ quan khí tượng không nhận định tâm bão sẽ đi chếch lên Thanh Hóa như dự báo cách đây 2 ngày.
Vì sao bão tăng cấp nhanh?
Trao đổi với Zing, TS. Dư Đức Tiến, Trưởng phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lý giải bão số 13 mạnh lên chỉ sau một đêm do kích cỡ bão bị thu nhỏ lại.
"Theo số liệu quan trắc các điều kiện về nhiệt bề mặt biển, thông lượng nhiệt không thay đổi nhiều nhưng dòng ra trên cao mạnh lên đã khiến kích cỡ bão nhỏ lại, tạo điều kiện cho cường độ mạnh lên", ông Tiến chia sẻ và giải thích rằng bão thu nhỏ lại thì gió phải mạnh lên theo nguyên lý bảo toàn năng lượng và động lượng.
Bão số 13 đã áp sát đất liền Việt Nam. Ảnh: Himawari8. |
Chuyên gia cũng cho rằng lúc này bão đang đi vào khu vực biển lạnh, có dấu hiệu tương tác với không khí lạnh nên có khả năng bắt đầu suy giảm về cường độ trong 3-6 giờ tới.
Dự báo, khi bão tiến gần hơn vào đất liền, các đảo ven bờ như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm và tàu thuyền neo đậu từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Từ chiều 14/11 đến 16/11, phía nam Nghệ An đến Quảng Nam có mưa to đến rất to với lượng 150-250 mm/đợt, có nơi trên 350 mm; Thanh Hóa, phía bắc Nghệ An và Quảng Ngãi có mưa to với lượng 50-150 mm/đợt.
Nguy cơ ngập úng xảy ra ở vùng trũng thấp ven biển, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh, thành: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng.
Như vậy, tất cả hoạt động trên đất liền và ven biển sẽ có nguy cơ rất cao chịu ảnh hưởng của mưa bão và gió mạnh từ trưa và chiều hôm nay.
Các khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ từ phía nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có thể chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 13, trong đó vùng trọng tâm là Quảng Bình đến Quảng Nam.