Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão Vàm Cỏ gây mưa lớn khắp Trung và Bắc Bộ

20h30, bão đổ bộ vào Quảng Nam, rồi suy yếu nhanh. Trong đêm, mưa lớn tiếp tục lan rộng, nước các con sông dâng cao.

* Độc giả chia sẻ thông tin, hình ảnh cơn bão Vàm Cỏ về địa chỉ email toasoan@zing.vn.

Trao đổi với Zing.vn, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng quốc gia Lê Thanh Hải cho hay, lúc 20h30, tâm bão Vàm Cỏ đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng và TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Cơn bão nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tan trong đêm.

Tuy nhiên, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa khắp khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên, sau đó lan ra miền Bắc.

Hội An nước sông tràn bờ

Tối 14/9, nước sông dâng cao nhấn chìm nhiều con đường ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Hình ảnh do độc giả Zing.vn ghi lại.

  • Lúc 10h, bão chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi chừng 100 km, nhiều nơi đã mưa lớn. Ảnh: NCHMF.

  • Ở địa bàn Thừa Thiên Huế, từ 19h ngày 13/9 đến 7h ngày 14/9, mưa lớn diễn ra trên diện rộng. Nhiều điểm có lượng mưa lớn như Khe Tre (huyện Nam Đông) 100 mm, xã Thượng Nhật (Nam Đông) 88 mm, huyện A lưới 48 mm, TP Huế 35 mm. Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), đến sáng nay, tất cả tàu thuyền trên địa bàn đã vào âu thuyền neo trú an toàn. Một số hộ dân nằm trong diện sạt lở đã có phương án sẵn sàng di dời khi cần thiết.

  • Sáng 14/9, mưa to trên diện rộng làm nhiều nơi trên địa bàn TP Đà Nẵng ngập nước, gây cản trở giao thông. Tại các tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ bị ngập 10-30 cm. Đến 10h, hàng loạt cây xanh ở các tuyến đường Nguyễn Văn Linh (quận Thanh Khê) bị ngã đổ. Trong ảnh là chiếc taxi bị cây xanh ngã đè lên lúc 11h trưa trước cổng ĐH Duy Tân. Ảnh: Đoàn Nguyên.


  • Giám đốc Sở GD- ĐT TP Đà Nẵng đã có thông báo khẩn yêu cầu các trường cho toàn bộ học sinh nghỉ học vào buổi chiều 14/9. Lãnh đạo Sở cũng yêu cầu các đơn vị, trường học kiểm tra, chèn chống phòng học, nhà kho, có kế hoạch và phương án dùng bạt che, bao nylon để bảo quản tài sản, trang thiết bị, đặc biệt phòng nghe nhìn, thư viện.

    Công văn của Sở cũng yêu cầu các đơn vị phân công cán bộ, công nhân viên trực 100% trong thời gian bão xảy ra để ứng phó và báo cáo tình hình thiệt hại.

  • Từ đêm 13/9, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi để các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão. Sáng 14/9, vùng nguy hiểm được xác định là nam vĩ tuyến 17,5, bắc vĩ tuyến 14,5 và tây kinh tuyến 113.

    Ngoài ra, 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk là các địa phương nằm trong vùng mưa lớn.

  • Vietnam Airlines thông báo không khai thác các chuyến bay đi/đến Đà Nẵng trong khung giờ từ 14-17h ngày 14/9 nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và các chuyến bay, cụ thể: Đường bay TP HCM – Đà Nẵng, không khai thác 7 chuyến (VN116, VN117, VN120, VN121, VN122, VN124, VN125).

    Đường bay Hà Nội - Đà Nẵng, không khai thác 5 chuyến (VN168, VN172, VN169, VN171, VN173);
    Đường bay Đà Nẵng - Hải Phòng, không khai thác 2 chuyến bay (VN1672, VN1673);
    Đường bay quốc tế đến/đi Hàng Châu và Siem Reap từ Đà Nẵng, không khai thác 4 chuyến (VN824, VN825, VN550, VN551).

    Trước đó, VNA cũng đã không khai thác 4 chuyến bay đến/đi Buôn Ma Thuột và 2 chuyến đến/đi Chu Lai từ Hà Nội và TP HCM. Dự kiến, từ chiều nay bão số 3 sẽ ảnh hưởng mạnh đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên nên kế hoạch khai thác của hãng đến khu vực này có thể phải tiếp tục thay đổi.

  • Hàng nghìn người đang ở trên biển khi bão áp sát

    Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng nay, 40.898 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản với 210.047 đã được thông báo về diễn biến, hướng di chuyển của bão.

    Tuy nhiên, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) vẫn còn 471 tàu với 5.197 người. Trong đó, Đà Nẵng có 18 tàu, 205 người; Quảng Nam 110 tàu, 2.353 người; Quảng Ngãi 89 tàu, 730 người; Bình Định 253 tàu, 1.899 người, Khánh Hòa 1 tàu, 10 người. 

    Đang hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến có 40.325 phương tiện với 204.335 người.

  • Tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, từ tối qua đến sáng nay, tình hình mưa tại địa phương chủ yếu tập trung ở khu vực đồng bằng. Lượng mưa đo được tại TP Tam Kỳ là 153 mm, trung du miền núi 54-100 mm. Hiện nay, mực nước trên sông Thu Bồn, Vu Gia đang thấp hơn báo động 1.

  • Từ đêm 13/9, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã có công điện yêu cầu các địa phương kiên quyết kêu gọi để các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão. Sáng 14/9, vùng nguy hiểm được xác định là nam vĩ tuyến 17,5, bắc vĩ tuyến 14,5 và tây kinh tuyến 113. Ảnh: VTV.

  • Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ra công điện khẩn về cơn bão Vàm Cỏ

  • Mực nước tại sông Hàn đang lên nhanh. Ảnh: Đoàn Nguyên

  • Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯcho hay, 19-20h hôm nay, bão Vàm Cỏ đổ bộ vào các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, trọng tâm là Quảng Nam. Dù bão cường độ không lớn nhưng là cơn bão gần bờ, hoàn lưu bão lớn.

    Từ 14-16/9, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên mưa 200-400mm, có nơi trên 400mm. Mưa lớn sẽ khiến các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3.

    Từ 15 đến 17/9 vùng mưa lớn mở rộng ra Bắc Trung Bộ, lượng phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300 mm. Từ 16 đến 18/9, mưa lớn tiếp tục mở rộng ra khu vực Bắc Bộ với lượng 50-100mm, riêng khu vực nam Đồng Bằng 100-150 mm.

  • Miền Trung đề phòng lũ quét và ngập úng

    Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho hay, từ ngày 14 đến 18/9, các tỉnh miền Trung và Bắc Tây Nguyên lớn. Do mưa lớn, trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ; đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên.

  • Thành phố Huế ghi nhận lượng mưa vừa lúc 13h45. Trước đó, nhiều địa phương ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có mưa lớn. Ảnh: Điền Quang.

  • Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống thiên tai chỉ đạo, trước 17h chiều nay, các địa phương phải kêu gọi tất cả tàu thuyền ở vùng nguy hiểm vào nơi trú tránh an toàn. Phương tiện nào gần bờ chạy vào bờ, ở xa có thể chạy về 2 phía Bắc hoặc Nam.

    Ông Phát nhận định, với vận tốc 12-15km/h, bão số 3 đang di chuyển nhanh hơn vận tốc tàu thuyền của nhiều ngư dân.

  • Ngư dân Đà Nẵng khẩn trương đưa thuyền thúng và tàu nhỏ lên bờ. Ảnh: báo Đà Nẵng

  • Theo báo Đà Nẵng, lúc 8h ngày 14/9, trong lúc đang cùng người nhà chằng chống mái nhà tại kiệt 675 Ngô Quyền (tổ 41, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) để chống bão số 3, một người đàn ông 53 tuổi bị gió mạnh hất ngã xuống đất, chấn thương nặng ở đầu được người dân xung quanh đưa đi bệnh viện cấp cứu.

  • Trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP Hội An cho hay, đã chỉ đạo các ban, ngành và 13 xã, phường triển khai khẩn cấp phòng chống bão. 

    "UBND TP Hội An đã lên phương án sơ tán dân cục bộ tại các vùng yếu, ven biển… đề phòng bão vào nước biển dâng cao. TP đã chỉ đạo cho tất cả học sinh 3 nghỉ học. Ngoài ra các ban ngành và địa phương phải túc trực 24/24, chuẩn bị đầy đủ phương tiện cần thiết để sẵn sàng ứng phó và giúp đỡ nhân dân nếu xảy ra tình huấn xấu”, ông Dũng nói.

  • Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, đến khoảng 20h hôm nay, bão Vàm Cỏ sẽ đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, trong đó trọng tâm là Quảng Nam. Cấp bão giữ nguyên cấp 8, giật cấp 9, 10. Dù bão số 3 có cường độ không lớn nhưng là cơn bão gần bờ, hoàn lưu bão lớn nên rất nguy hiểm.

  • Vòng quay Mặt trời trong mưa gió. Nguồn: FB Tôi yêu Đà Nẵng.

  • Nhiều con đường Đà Nẵng ngập nặng Mưa lớn trước khi bão đổ bộ khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng ngập nặng, người dân lưu thông rất khó khăn.
  • Đại diện hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho biết, 2 chuyến bay của hãng từ TP HCM và Hải Phòng đến Buôn Ma Thuột phải chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, một số chuyến khác phải thay đổi giờ bay do ảnh hưởng dây chuyền.

    Hành khách của 3 chuyến bay BL570, BL571 và BL538 được Jetstar Pacific chuyển đổi miễn phí sang chuyến bay của ngày hôm sau. Những hành khách khác có nhu cầu được thực hiện hoàn vé miễn phí.

    Hãng hàng không Vietjet Air cũng phải hủy 2 chuyến bay (khứ hồi) chặng TP HCM Chu Lai gồm VJ378, VJ379 khởi hành sáng 14/9 do ảnh hưởng của mưa bão.

    Dự kiến, từ chiều nay bão số 3 sẽ ảnh hưởng mạnh đến khu vực miền Trung và Tây Nguyên nên kế hoạch khai thác bay đến khu vực này có thể phải tiếp tục thay đổi.

    Cùng ngày, Vietnam Airlines cũng đã hủy hàng loạt chuyến bay ở đi/đến Đà Nẵng và miền Trung, Tây Nguyên

  • Hàng loạt chuyến bay đến Đà Nẵng bị hủy bỏ. Ảnh: Facebook Tôi yêu Đà Nẵng

  • Mưa to gió giật ở Đà Nẵng trưa nay. Ảnh: báo Tuổi Trẻ.

  • Gió giật mạnh khiến nhiều người lưu thông trên đường Nguyễn Tất Thành bị ngã. Ảnh: Facebook: Tôi yêu Đà Nẵng

  • Tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) hiện có gió giật mạnh. Đến khoảng 20h hôm nay, bão Vàm Cỏ sẽ đổ bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, trong đó trọng tâm là Quảng Nam. Ảnh: Độc giả Nguyễn Lê

  • Theo báo Quảng Nam, trong sáng qua tại TP Hội An đã có gió giật cấp 7, cấp 8. Công an TP phối hợp chốt chặn tại hai đầu cầu Cửa Đại, cấm người và phương tiện qua lại vì gió trên cầu này rất lớn. Ảnh: báo Quảng Nam

  • Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng giúp dân di chuyển phương tiện lên bờ để tránh bão. Ảnh: báo Đà Nẵng

  • Hàng cây đổ rạp ở bờ biển Đà Nẵng. Ảnh: Facebook Tôi yêu Đà Nẵng.

  • Tại Quảng Bình, theo số liệu của Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh, lượng mưa ở các nơi phần lớn đều trên 100 mm. Đến 16h, mưa lớn tại các huyện Quảng Ninh (gần 140 mm tại xã Hàm Ninh và 111 mm tại xã Trường Sơn) Lệ Thuỷ (137 mm tại Kiến Giang) và TP Đồng Hới (167 mm). Tuy nhiên, mực nước đo được tại các con sông vẫn ở dưới mức báo động I. Sức gió khu vực ngoài khơi vùng biển Quảng Bình đạt cấp 4-5. 

  • Theo báo Quảng Nam, chiều 14/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín đã đi chỉ đạo công tác phòng chống cơn bão số 3 tại TP Hội An và Duy Xuyên. Tại các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên, từ trưa và chiều nay gió bắt đầu mạnh lên, mưa lớn đã xuất hiện ở nhiều nơi. Nhận thức được sự nguy hiểm của cơn bão, nhiều người dân đã tổ chức chèn chống nhà cửa. Trong ảnh: Người dân đang gia cố một đoạn bờ kè bị sóng làm sạt lở. Ảnh: báo Quảng Nam

  • Gió đẩy hàng loạt xe máy ngã trên cầu Trần Thị Lý. Clip: Yêu Đà Nẵng
  • Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay, lúc 16h45, tâm bão chỉ còn cách Quảng Nam 40-50 km. Tại đảo Lý Sơn đã ghi nhận gió bão cấp 7-8.

    "Cơn bão sẽ đổ bộ Quảng Nam trong vài giờ tới và suy yếu nhanh. Bão không mạnh nhưng điều đáng lo nhất là mưa lớn", ông Hải nói.

  • Theo báo Tuổi Trẻ, các lực lượng quân đội, công an, dân phòng đóng trên địa bàn quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã đưa hơn 200 tàu, thuyền lên bờ tránh bão. Có mặt tại bờ biển trên đường Hoàng Sa, ông Nguyễn Thành Nam - Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết: “Lực lượng gồm hải quân, bộ đội, công an và người dân đã dầm mưa suốt từ sáng đến chiều để di chuyển tàu, thuyền lên bờ an toàn. Do không khí khẩn trương nên anh em làm việc cả buổi trưa cho đến chiều thì hoàn tất”.

    Chiều 14/9, chính quyền TP Đà Nẵng đã cho phong tỏa, cấm đường qua cầu Thuận Phước do gió to, gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

  • Trao đổi với Zing.vn qua điện thoại, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, huyện có trên 400 tàu đánh bắt cá, hiện tại còn 34 tàu đang ở ngoài khơi, trong đó 30 tàu trên vùng biển Trường Sa, 4 tàu trên vùng biển Hoàng Sa. 

    “Tất cả các tàu đều đã được thông báo để tìm nơi neo đậu an toàn. Các lực lượng chức năng, công an, quân đội, biên phòng, y tế ngoài việc giúp đỡ bà con di chuyển vào nơi an toàn nếu bão đổ bộ vào còn chuẩn bị sẵn lực lượng ứng phó khi cần thiết”, bà Hương thông tin.

  • Tiểu thương chợ đầu mối che chắn hàng hóa tránh bão Nhiều tiểu thương chợ đầu mối Hòa Cường (Đà Nẵng) đóng cửa sớm để tránh bão Vàm Cỏ đổ bộ.
  • Tâm bão đang nằm ở ven biển Quảng Nam - Quảng Ngãi. Ảnh: NCHMF.

  •  Theo Tuổi Trẻ, tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước từ đêm ngày 13 đến chiều 14/9 mưa liên tục không ngừng. Xã Trà Dơn, Trà Leng (huyện Nam Trà My) từ 10h đã có mưa lớn. Tại công trường thi công cầu Trà Leng, do mực nước sông Leng lên nên nhiều công nhân phải di dời lán trại lên cao. Trong khi đó, tuyến đường nối từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My có nhiều đoạn nước lên cao khiến xe cộ hạn chế qua lại. Ảnh: Tuổi Trẻ 

  • Theo báo Người Lao Động, Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắn pháo hiệu, sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn. Đến ngày 14/9, tỉnh đã có 1.955 tàu thuyền với trên 10.823 lao động đánh bắt thủy sản trên biển vào bờ an toàn, trong đó có 19 phương tiện ngoại tỉnh.

  • Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay, lúc 19h, tâm bão còn cách bờ biển Quảng Nam 30 km. Như vậy, rìa bão đã quét vào ven biển Quảng Nam - Quảng Ngãi.

    "Tại Đà Nẵng đã ghi nhận gió cấp 8 còn ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió giật cấp 9", ông Hải nói với Zing.vn.

    Vùng gió mạnh và mưa lớn được ghi nhận tập trung ở phía Bắc của cơn bão (từ phía bắc Quảng Ngãi trở ra Đà Nẵng)

  • Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, 200 khách du lịch đang mắc kẹt tại đảo Lý Sơn do tàu thuyền không được xuất bến. Các tuyến vận tải bằng đường thủy từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn và ngược lại cũng tạm ngưng hoạt động.

  • Dù các khá xa tâm bão, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa lớn, gió mạnh. Gió mạnh khiến những tấm tồn che chắn ở cầu Hà Rui, xã Lộc Trì bay gây nguy hiểm cho người đi lại trên đường. Tại các xã Lộc Bình, Vinh Hiền, Vinh Hưng, gió mạnh khiến nhiều cây gãy đổ chắn ngang đường. Ảnh: Điền Quang.

  • Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, đảo đang mưa rất to kèm gió lớn. Tại các bờ kè ven biển, sóng cao hơn 3 m. Đến 19h20, hầu hết nhà cửa đã chằng chống cẩn thận. UBND huyện Lý Sơn khuyến cáo người dân tích trữ lương thực, thuốc men để dự trữ trong những ngày diễn ra mưa bão.

  • Trong khi đó, ở Đà Nẵng, mưa nhỏ nhưng gió riết liên hồi. Những đợt gió liên tục khiến nhiều cây xanh bật gốc, nhiều tấm biển quảng cáo điện tử trên đường Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh bị đánh bật, hư hỏng hoàn toàn. Trên đường Trần Hưng Đạo, một tấm biển quảng cáo lớn bất ngờ bị gió làm sập khiến hàng chục người đi đường một phen hú vía. Ở các cầu như Thuận Phước, sông Hàn, Trần Thị Lý không bóng người qua lại.

  • Cổng chào ở gần cầu Rồng bị gió quật sập. Ảnh: Hung Du/Tôi yêu Đà Nẵng.

  • Theo Báo Quảng Nam, UBND TP Hội An đã tổ chức chằng chống 58 ngôi nhà cổ, đồng thời vận động các hộ dân sống trong các ngôi nhà cổ đến nơi an toàn. Tại Cù Lao Chàm, 16 tàu thuyền các loại đang mắc kẹt và phải trú ẩn tại đây. Chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đang vận động các chủ tàu lên bờ trú ẩn.

  • 19h30, Đà Nẵng gió thổi liên hồi. Nhiều gia đình đã hoàn tất việc chồng các bao cát lên mái nhà để đề phòng gió thổi tốc mái. Ảnh: Đoàn Nguyên.

  • Đà Nẵng di dời 900 hộ dân trong vùng lũ quét Công tác phòng chống lụt bão được chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi thực hiện khẩn trương trước khi bão Vàm Cỏ đổ bộ vào đất liền.
  • Ảnh mây vệ tinh cơn bão Vàm Cỏ lúc 19h30. Vùng mây ở tâm bão rất nhỏ nhưng đậm đặc, trong khi vòng mây phía ngoài rất rộng. Vì thế, hoàn lưu bão gây mưa trên diện rộng. Ảnh: HKO.

  • Theo cơ quan khí tượng, từ 14 đến 16/9, Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên mưa 200-400 mm, có nơi trên 400 mm. Từ 15 đến 17/9 vùng mưa lớn mở rộng ra Bắc Trung Bộ, lượng phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 300 mm. 

    Từ 16 đến 18/9, mưa lớn tiếp tục mở rộng ra khu vực Bắc Bộ với lượng 50-100 mm, riêng khu vực nam Đồng Bằng 100-150 mm.

  • Lúc 20h, tâm bão cách Quảng Nam dưới 20 km. Tại đảo Lý Sơn và Đà Nẵng, gió bắt đầu giảm cấp.

    Cơ quan khí tượng cho hay, trong 24 giờ qua, nhiều nơi đã ghi nhận lượng mưa rất lớn như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) 320 mm, Trà My (Quảng Nam) 200 mm, đảo Lý Sơn 226 mm. Trong đêm nay và ngày mai, vùng mưa sẽ mở rộng chủ yếu ra phía bắc.

  • Trao đổi qua điện thoại với Zing.vn, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cho biết bão đã đổ bộ vào các xã ven biển như Duy Hải, nhưng không mạnh không như dự báo nên ít ảnh hưởng đến người dân. 

    Trước đó, tại khu neo đậu tàu thuyền Hồng Triều (xã Duy Hải), hàng trăm tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn. Do khoảng cách các thuyền tại khu neo đậu tàu thuyền quá gần nhau, dễ gây va đập khi bão vào, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đề nghị chính quyền địa phương huyện cần chỉ đạo các chủ phương tiện tàu thuyền khẩn trương di dời các tàu thuyền, tạo khoảng cách an toàn giữa các tàu nhằm tránh thiệt hại khi bão đổ bộ.

  • TP Đà Nẵng lúc 20h20, mưa tạnh, đường vắng hoe. Đây có thể là khoảng lặng trước cơn bão. Ảnh: Đoàn Nguyên.

  • Phó tổng giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, lúc 20h30, tâm bão đã đổ bộ vào khu vực giữa Đà Nẵng và Tam Kỳ. "Tâm bão quét vào Hội An và sức gió nhanh chóng giảm xuống dưới cấp 8", ông Hải nói.

    Theo ông, bão đang suy yếu thành áp thấp và tan trong vài giờ tới. Tuy nhiên, vùng mưa sẽ mở rộng ra nhiều địa phương.

  • Chia sẻ với Zing.vn, bạn đọc Phạm Ngọc Trâm (ở Hội An) cho biết, lúc 20h30 khu vực biển An Bàng, phường Tân An đang mất điện, gió bắt đầu mạnh lên. Ở khu vực phố cổ Hội An, người dân đã vận chuyển đồ đạc lên tầng 2. 

    Trong khi đó, từ chiều 14/9, nước sông Thu Bồn đã lên ngập đường Bạch Đằng. Theo kinh nghiệm của người dân Hội An có thể trong đêm nay 14/9 tới 15/9 sẽ có lụt tại thành phố này.

  • Trung tâm TP Hội An lúc 21h mất điện, gió lặng, mưa lất phất. Nước sông Thu Bồn lên cao. Ảnh: Joe Nguyễn.

  • Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết bão đã giảm cấp khi tiến vào đất liền. Hiện địa phương đã giảm mưa, gió không mạnh. Nước sông Hoài dâng cao khiến đường Bạch Đằng bị ngập.

  • Lúc 21h30, trao đổi với Zing.vn, ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) cho biết, cách đây 1 giờ, ở các xã ven biển như Tam Thanh gió giật cấp 6 nhưng hiện đã giảm, mưa không còn lớn. "Từ sáng sớm, TP đã chuẩn bị các công tác phòng chống bão rất khẩn trương và quyết liệt nên đến giờ chưa có thiệt hại về người và tài sản. Một số nơi trên địa bàn bị cúp điện nhưng hiện đã khắc phục sự cố", ông Tuấn thông tin. 

  • Bạn đọc Ngọc Sơn (ở Hội An) cho biết hiện TP có mưa lớn, gió giật làm đổ vài cây nhỏ. Nước ở sông Hoài tràn lên đường và các nhà xung quanh. Hiện tại ngoài phố không còn người lưu thông.

  • Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ 14-16/9, ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Từ 15-18/9 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. 

    Do mưa lớn, trên các sông từ Thanh Hóa đến Bình Định và khu vực bắc Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Bình Định có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2; các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng tại các tỉnh trên.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm