Cơ quan Khí tượng Nhật Bản thông tin, đêm qua (21/10), áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão Trà Mi (bão Trami).
Tên quốc tế của cơn bão vừa hình thành ở phía Đông Philippines là bão Trà Mi. Hướng di chuyển của bão được dự báo đi vào Biển Đông. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. |
Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản. |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 16h ngày 22/10, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Đông Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-75 km/giờ), giật cấp 11. Sóng biển cao từ 3-4 m.
Cơ quan khí tượng nhận định, khoảng ngày 25/10, bão có khả năng di chuyển vào Biển Đông.
Từ khoảng chiều và đêm 24/10, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông (phía Đông kinh tuyến 118,5 độ Kinh Đông) có gió mạnh dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh, sóng cao từ 3-5 m, mưa giông kèm theo lốc xoáy nguy hiểm.
Tên bão Trà Mi do Việt Nam đề cử
Từ ngày 1/1/2000, các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương được đặt tên theo danh sách các tên mới. Các tên mới được bổ sung gồm các tên do 14 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là thành viên Ủy ban bão của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đề xuất. Mỗi thành viên cung cấp 10 tên, tạo thành danh sách 140 tên bão.
Các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương được WMO ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên.
Trung tâm Bão Nhiệt đới Tokyo - Cơ quan Khí tượng Nhật Bản sẽ lần lượt dùng những tên trong ngân hàng 140 tên trên để đặt cho các cơn bão trong khu vực.
Các tên bão mà Việt Nam đóng góp là Sơn Tinh, Cỏ May, Bằng Lăng, Ba Vì, Côn Sơn, Sơn Ca, Trà Mi, Hạ Long, Sông Đà, Sao La. Các tên Lekima, Hoa Mai, Vàm Cỏ cũng từng được Việt Nam đề cử.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.