Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, chiều 17/7, tâm bão chỉ còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 13 (130 - 150 km mỗi giờ).
Đến 13h 18/7, tâm bão sẽ ở trên vùng bờ biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Từ chiều 17/7, tàu thuyền bị cấm ra biển. Ảnh: NCHMF. |
Với hướng đi của cơn bão, dự kiến trưa 19/7, bão Thần Sấm sẽ đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng. Do quét qua đảo Hải Nam, cơn bão giảm còn cấp 10.
Từ chiều tối mai (18/7), vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 8, sau tăng lên cấp 9-10, sóng biển cao 5 – 6 mét.
“Khu vực đô thị như Hà Nội, Hải Phòng cần đề phòng mưa dồn dập lên tới 100-200mm chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, có thể gây úng ngập”.
Từ đêm mai, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh dần lên cấp 6 sau tăng lên cấp 8. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm mai mưa lớn. Vùng núi Bắc Bộ cần để phòng lũ quét, sạt lở đất.
Ông Hoàng Đức Cường (Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương) nhận định, lượng mưa do bão Thần Sấm mang đến cho khu vực Bắc Bộ tập trung trong hai ngày 19-20/7, có nơi lên tới 350- 400 mm.
“Khu vực đô thị như Hà Nội, Hải Phòng cần đề phòng mưa dồn dập lên tới 100-200mm chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ, có thể gây úng ngập”, ông Cường cảnh báo.
Ảnh mây vệ tinh của bão Thần Sấm lúc 15h ngày 17/7. Ảnh: HKO. |
Để ứng phó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh, thành tổ chức trực 24/24h, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chống bão. Nếu như lãnh đạo nào để xảy ra tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm.
Công tác sơ tán dân tại các tỉnh, thành ven biển phải hoàn thành trước 16h ngày 18/7. Từ chiều 17/7, cấm tàu thuyền ra biển.
"Các công trình cao tầng, các cột ăng ten bưu điện… phải kiểm tra, tránh trường hợp cứ mỗi lần bão lại đổ cột, đổ cây làm chết người. Ngoài ra, các biển hiệu quảng cáo ở đô thị cũng phải hết sức lưu tâm, vì cũng là yếu tố nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân khi bão về", Phó thủ tướng chỉ đạo.
Với dự báo mưa lớn, ông Trần Xuân Việt, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo rà soát lại các phương án, rà soát lại các tuyến đê, rà soát lại các công trình, cắt tỉa các cây xanh. Hà Nội tăng thêm 4 trạm bơm lớn để chống úng.
Công ty Thoát nước Hà Nội sẽ huy động dàn thiết bị cơ giới ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước.