Bảo tàng được khai trương năm 1987 khi Liên Xô sắp tan rã, là nơi trưng bày các kỷ vật liên quan đến Vladimir Lenin, nhà lãnh đạo đầu tiên của đất nước.
Nằm cách 30 km về phía nam thủ đô Moscow (Liên bang Nga), khách tham quan bảo tàng còn được nghe thuyết trình về cuộc đời Lenin.
Khi mới mở cửa, các nhân viên bảo tàng muốn tìm cách kiểm soát những bài thuyết trình, đòi hỏi hệ thống đèn, máy chiếu hoạt động đồng bộ với nhau. Lúc ấy, một công ty của Anh có tên Electrosonic đã phát triển hệ thống trình chiếu đồng bộ ES4000, được điều khiển bởi máy tính Apple II.
Máy tính Apple II vẫn hoạt động tốt tại bảo tàng Lenin trong hơn 30 năm. Ảnh: Creative Commons. |
Tuy nhiên, luật pháp Liên Xô cấm bảo tàng giao dịch với các công ty nước ngoài. Điều đó khiến hệ thống ES4000 không thể được nhập khẩu trực tiếp về bảo tàng. Máy tính Agat-7 do Liên Xô sản xuất năm 1984 được cho là khá giống Apple II. Tuy nhiên, cổng cắm thẻ phần mềm của 2 máy không giống nhau nên chương trình của Electrosonic không thể chạy trên Agat-7.
Theo Digital Trends, một quy trình phức tạp đã diễn ra nhằm mang hệ thống ES4000 về Liên Xô mà không vi phạm quy định. Technointorg, một tổ chức kinh tế tại Liên Xô đã ký thỏa thuận hợp tác với Electrosonic thông qua Beach Compix, đơn vị của Anh thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên Xô.
Các kỹ thuật viên nước ngoài đã đến Liên Xô để lắp đặt hệ thống, dưới sự giám sát của một công ty Liên Xô có tên Cascade. Nhờ vậy, hệ thống trình chiếu với máy tính Apple II được trang bị và sử dụng cho bảo tàng Lenin.
Sau 34 năm, những chiếc Apple II dùng để trình chiếu tại bảo tàng vẫn hoạt động tốt. Boris Vlasov, Phó giám đốc nghiên cứu bảo tàng cho biết các nhân viên về hưu vẫn đồng ý sửa chữa hệ thống khi được yêu cầu. Vlasov khẳng định những chiếc máy tính sẽ không được thay mới nhằm giữ nguyên cách tổ chức, sắp xếp ban đầu của các bài thuyết trình.
Bảo tàng Lenin tại Nga. Ảnh: Creative Commons. |
Đây không phải lần đầu thiết bị của Apple có cơ hội xuất hiện trong các đơn vị của Liên Xô. Năm 1985, Steve Jobs từng đến thăm Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô để đàm phán trang bị máy tính Macintosh cho các trường học tại Liên Xô. Tuy nhiên, phát ngôn nhạy cảm của Jobs về nhà cách mạng Leon Trotsky khiến kế hoạch đổ vỡ.
Đó là câu chuyện thú vị về cách máy tính Apple được chọn để điều khiển phòng trình chiếu tại bảo tàng dành cho Lenin. Sau gần 35 năm, chúng vẫn hoạt động tốt để phục vụ công việc.