Những năm tháng gắn mình trong các buôn làng để đánh Fulro, anh Đặng Minh Tâm ngỡ ngàng trước minh triết “coi tinh thần cao hơn vật chất” của người Tây Nguyên. Chính sự khai sáng đó, anh đã bền bỉ, kỳ công sưu tầm hơn 3.000 hiện vật để góp phần gìn giữ tinh hoa văn hóa ở miền đất kỳ bí này. Trước khối di sản lớn đó, có người trả giá hàng tỷ đồng nhưng anh… lắc đầu.
Anh Tâm sinh năm 1960 ở Hải Hậu, Nam Định. Năm 1978, anh là lính của tiểu đoàn 1-Tiểu đoàn tăng cường thuộc Bộ Công an lên Tây Nguyên đánh Fulro, chiến đấu tại Lạc Dương, Đơn Dương và Đức Trọng (Lâm Đồng). Khi “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào K’Ho, anh yêu quý sự mộc mạc, hiếu khách của người miền Thượng; yêu ngôi nhà sàn tranh tre nứa lá đơn sơ nhưng bếp lửa không bao giờ tắt.
Anh rành các thứ tiếng K’ Ho và Jrai, lại sống chân tình, sẻ chia những lo toan, vất vả nên được đồng bào yêu quý đặt tên là K’Tâm. Mỗi lần chuyển đổi địa bàn, anh lại được bà con tặng nhạc cụ, vật dụng sinh hoạt… “Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn kết giữa mình với các buôn làng. Mình gìn giữ suốt đời như mạng sống vậy”, anh tâm sự.
Sau cuộc chiến khốc liệt đánh Fulro, Tâm về công tác tại Công an Lâm Đồng. “Hay tin cổ vật Tây Nguyên “chảy máu”, mình tiếc quá. Hễ có chút thời gian rảnh là trở về buôn làng thăm hỏi, khuyên mọi người gìn giữ cổ vật của gia đình, dòng họ. Nhà nào vì hoàn cảnh khó khăn buộc phải bán thì mình gom góp tiền mua lại để gìn giữ”, anh thổ lộ.
Một góc bộ sưu tập ché của anh Tâm. |
Chiếc ghế độc nhất vô nhị của “vua voi”
Từng nghe đại ngàn Tây Nguyên là xứ sở của những đàn voi dũng mãnh tung hoành ngang dọc nên khi đến đây anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy những ông voi thân hình đồ sộ nhưng lại ngoan ngoãn nghe theo sự điều khiển của con người, giúp giữ rừng, giữ đất, bảo vệ buôn làng.
Ngày đó, tìm đâu ra cần cẩu, xe kéo ở chốn núi rừng? Người miền Thượng phải tận dụng trí lực của voi để kéo gỗ từ rừng sâu về, dựng nên những ngôi nhà rông sừng sững giữa trời.
Già làng cho hay những con voi đắc dụng ấy vốn là loài voi rừng bất kham, do những thợ săn tài ba, dũng cảm của buôn làng kỳ công săn bắt, thuần dưỡng. Dẫu việc săn bắt voi rất gian nan nhưng khi săn trúng voi cái thì phải thả để chúng còn sinh con đẻ cái, chỉ được bắt voi đực.
Sau lần chứng kiến lễ cúng long trọng của “vua voi” trước khi vào rừng săn loài thú vốn to khỏe, hung hăng với cặp ngà và cái vòi vô cùng lợi hại này, anh Tâm cất công tìm kiếm và mua được chiếc ghế làm bằng xương voi, món đồ cổ có một không hai ở Việt Nam.
“Ghế gồm nhiều đốt xương voi kết lại bằng dây rừng và được cài hai răng nanh làm tăng vẻ uy dũng cho chiếc ghế mà “vua voi” ngồi cúng trước mỗi chuyến đi săn”, anh Tâm giải thích.
Ché thế mạng
Tây Nguyên là xứ sở của lễ hội và bất cứ nghi lễ nào cũng không thể thiếu rượu cần bởi khi làm lễ, ché rượu được coi là lễ vật đầu tiên dâng cúng các thần linh. Lễ hội càng lớn thì ché rượu càng nhiều. Nhà càng giàu càng có nhiều ché quý trên 100 tuổi. Bộ sưu tập ché cổ khiến nhiều nhà nghiên cứu sững sờ.
Chỉ cho chúng tôi xem cái ché lớn đính kèm chiếc ché nhỏ xinh xắn, anh bảo đây là ché “mẹ bồng con” biểu tượng của sự phồn thực, làm ăn phát đạt, có giá trị tương đương với 11 con trâu.
Đặc biệt, anh đã sưu tầm được chiếc ché bom thế mạng trong buôn làng Ba Na. Ché được chế tác từ thế kỷ 13, ngang giá 30 con trâu. Thuở trước, khi người trong bản làm chết người hoặc voi, có thể đền bằng chiếc ché bom này. Qua đó mới hay “ông” voi giữ vị trí quan trọng thế nào trong đời sống của người Tây Nguyên.
Anh Tâm nói người bản địa quan niệm những chiếc ché quý cũng có hồn. Gia đình nào có người lìa đời sẽ bẻ một miếng trên miệng chiếc ché rồi chôn cùng người chết để bày tỏ lòng thương tiếc. Nếu người chết là chủ nhà hoặc người lớn tuổi thì bẻ một miếng lớn, còn nếu chết trẻ thì bẻ miếng nhỏ. Những chếc ché “bị thương” này được gọi là ché khóc. Nếu miệng ché bị bẻ tới 4 miếng có nghĩa chiếc ché này đã được chế tác cách đây cả trăm năm và có đến 4 đời chủ.
Những cổ vật không đụng hàng
Đó là bộ trang phục thổ cẩm trên 200 năm dệt bằng sợi gòng của tù trưởng người Mạ. Bộ áo làm bằng vỏ cây của người Gia Rai, khố thổ cẩm cổ dài nhất Tây Nguyên.
Về trang sức, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng Phạm Hữu Thọ nói hiếm khi nhìn thấy bộ sưu tập nào độc đáo như bộ ngà voi căng tai của vị thượng tá này: Có nhiều cặp ngà từ nhỏ đến lớn, trong đó cặp lớn nhất được nghệ nhân kỳ công chế tác thành hai đóa hoa vô thường.
Trước kia, người Tây Nguyên cho rằng lỗ tai to rộng và dái tai dài mới đẹp; những người có lỗ tai như thế rất siêng năng, chăm chỉ. Người ta lấy dùi nhọn hoặc gai cây chanh để xuyên lỗ ở dái tai rồi dùng nước gừng đun sôi rửa hàng ngày, thỉnh thoảng lại vê, xoay gai chanh để tạo lỗ.
Khi vết thương lành hẳn thì dùng những lõi gỗ, tre hoặc ngà voi từ nhỏ đến lớn để căng dần. Nhà giàu dùng vật căng tai bằng ngà voi, còn người nghèo thì sử dụng lồ ô tre nứa. Hiện tục căng tai không còn phổ biến như trước đây mà chỉ thấy ở thế hệ từ 50 tuổi trở lên.
Ngày nay một số tộc người ở Tây Nguyên vẫn xem nhẫn bạc làm bằng thủ công là tín vật thiêng liêng không thể thiếu khi sơn nữ bắt chồng. Hiện chỉ có 2 - 3 nghệ nhân người Chu Ru chế tác được loại nhẫn này. Vậy mà anh Tâm vẫn sưu tầm được bộ dụng cụ và học lóm được bí quyết làm nhẫn: Nấu chảy sáp ong làm khuôn đúc nhẫn, se sáp thành những sợi mảnh như chỉ rồi bện thành các hình khác nhau để tạo ra các họa tiết trang trí cho nhẫn.
Anh nhúng khuôn sáp vào dung dịch đất và phân trâu và cho biết sẽ phơi nắng từ 1 - 2 ngày cho khuôn khô hoàn toàn; sau đó đem đốt trên lửa than để sáp bên trong nóng chảy, còn phần dung dịch đất và phân trâu kết lại thành khuôn âm bản.
Bạc vừa được nấu chảy và đổ vào khuôn âm bản này sẽ cho ra chiếc nhẫn màu xỉn đen, tuy nhiên, sau khi được bỏ vào nồi bồ kết đang đun sôi, chiếc nhẫn sáng dần và lấp lánh ánh bạc. “Sở dĩ dùng phân trâu để chế tác nhẫn vì trâu là con vật tổ thiêng liêng”, anh nói.
“Đang là mùa lễ hội Tây Nguyên. Mình thấy nhớ buôn làng quá! Ngày đó mình cũng là thành viên trong đội cồng chiêng. Mỗi khi buôn làng vào hội là đội của mình chơi hết điệu này đến điệu khác, rồi thì hát dân ca, đối đáp bên bếp lửa hồng”, anh tâm sự và cho biết có thể sử dụng được 50 loại nhạc cụ. Anh có bộ trống da voi với mặt trống đực có đường kính tới 1 m, mặt trống cái 0,8 m.
Nhiều người mê mẩn ngắm nghía hoa văn “độc” trên trống đồng với hình ảnh con phượng hoàng dắt ba con chim nhỏ. Anh còn sở hữu những bộ đàn đá, tinh ning, cha pi, tơ rưng chuẩn, từng được đưa đi biểu diễn tại các lễ hội quốc gia, quốc tế...
Hơn 35 năm qua, anh lính tình nguyện và bây giờ là thượng tá Đặng Minh Tâm vẫn vẹn nguyên mối tình với đại ngàn Tây Nguyên. Anh đã sưu tầm được hơn 3.000 hiện vật Tây Nguyên và dành ra diện tích khá lớn tại nhà riêng (số 27 đường Lương Thế Vinh, phường 3, Đà Lạt) để trưng bày, phục vụ miễn phí những người nghiên cứu và có tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa Tây Nguyên. Mỗi cổ vật đều có tiểu sử, “đời sống” ly kỳ, hấp dẫn.