- Vị trí: 16h ngày 28/10, bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tâm ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
- Sức gió: Mạnh nhất cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 9.
- Di chuyển: Hướng tây, tốc độ 20-25 km/h
- Thiệt hại ban đầu: 3 người chết, 28 nạn nhân mất tích; hàng chục nghìn căn bị tốc mái; 1,7 triệu nhà bị mất điện; hàng trăm cây xanh bị gãy, ngã.
Đường đi của bão số 9. Ảnh: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia. |
-
Hơn 56.000 nhà dân bị tốc mái
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, sau bão, ngập lụt gây chia cắt 2 thôn với 259 hộ,1.225 người dân tại xã Ngọk Réo, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum.
Hiện tại có 360 xã đang bị mất điện (chủ động cắt điện chống bão), tại Đà Nẵng (11 xã); Quảng Nam (56 xã); Quảng Ngãi (145 xã); Bình Định (97 xã); Phú Yên (51 xã).
Thống kê cho thấy bão số 9 đã làm sập 34 nhà (Quảng Ngãi 9, Bình Định 23, Phú Yên 1, Gia Lai 1). Số nhà bị tốc mái do bão là 56.163 nhà, trong đó chủ yếu ở Quảng Ngãi (53.390 nhà). Bên cạnh đó, có 31 trụ sở cơ quan ở Quảng Ngãi bị tốc mái, hư hỏng; 35 điểm trường ở Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum bị tốc mái.
Về hạ tầng giao thông, một cầu treo ở huyện Kon Rẫy bị cuốn trôi, chia cắt 115 hộ với 680 người thôn 11, xã Đắc Ruồng.
Trong hơn 56.000 ngôi nhà bị tốc mái, có đến hơn 53.000 nhà ở Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.
-
2 cán bộ xã bị vùi lấp khi giúp dân
Trao đổi với Zing chiều 28/10, ông Nguyễn Quảng, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết tại địa phương có 2 cán bộ xã khi giúp dân đã bị đất đá sạt lở vùi lấp. "Khoảng 14h chiều nay, anh Hồ Văn Sợ, cán bộ dân vận và Hồ Văn Độ, Phó bí thư đoàn xã Phước Lộc, khi đi giúp dân đã bị vùi lấp", ông Quảng thông tin và cho biết đang tổ chức họp để thành lập tổ tìm kiếm hai nạn nhân.
-
Cả gia đình thoát chết trong gang tấc
"Khoảng 15h, gió rất to, tôi đưa vợ và 2 con chạy ra khỏi nhà. Chúng tôi may mắn thoát chết trong gang tấc khi mái nhà bị gió cuốn bay ngay sau đó", anh Hồ Văn Mừng, thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, chia sẻ với Zing.
Anh cho biết tối nay cả gia đình phải đi ở nhờ, vì cả nhà và tài sản đều đã hư hỏng hết.
Ảnh: An Bình.
-
Tôn bay chắn ngang quốc lộ 1A
Sau khi bão số 9 đổ bộ vào Quảng Ngãi, khoảng 200 m đường quốc lộ 1A đoạn qua phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, bị gián đoạn do nhiều tấm mái tôn lớn nằm chắn ngang đường.
Một làn đường của quốc lộ 1A bị phong tỏa. Các phương tiện phải cùng di chuyển trên làn đường còn lại trong lúc chờ lực lượng chức năng di dời những tấm mái tôn này. Đến khoảng 16h, đoạn đường này được khai thông.
Ảnh: Phạm Ngôn.
-
-
Lũ trên các sông đang lên
Lúc 15h, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết mực lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum đang lên. Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có thể ở trên báo động 2, sông Vu Gia (Quảng Nam), sông Trà Khúc và sông Vệ (Quảng Ngãi) đều trên báo động 3.
Đáng lưu ý, đỉnh lũ trên sông Đắkbla (Kon Tum) có thể lên trên báo động 3 gần 2 m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở vùng núi và ngập lụt đô thị, vùng trũng ở các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và phía bắc Tây Nguyên.
-
Gió mạnh giật từng cơn ở Hội An
Trưa 28/10, phố cổ Hội An có gió lớn. Gió giật mạnh khiến nhiều cây trong thành phố bật gốc chắn ngang đường. Đến 15h cùng ngày, nơi đây vẫn có mưa ngắt quãng kèm gió mạnh giật từng cơn.
Ảnh: Duy Anh.
-
Ngổn ngang sau bão
Tuyến đường lên Trung tâm sát hạch lái xe tỉnh Quảng Ngãi cây cối ngã đổ ngổn ngang sau trận càn quét của bão số 9. Người dân phải rất vất vả, khó khăn khi lưu thông qua các đoạn đường này.
Ảnh: Minh Hoàng.
-
Một người ở Đắk Lắk tử vong do bị tôn bay trúng
Vụ va chạm khiến ông Y Bê ngã xuống đường tử vong. Ảnh: S.Đ.
Chiều 28/10, ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk, cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 9, địa huyện có mưa kèm gió lớn, khiến nhiều căn nhà bị tốc mái, một người tử vong do tôn bay trúng.
Nạn nhân là ông Y Bê Niê (40 tuổi, trú tại buôn Choá, xã Krông Jing, huyện M’đrắk). 9h30 sáng cùng ngày, khi ông điều khiển xe máy lưu thông trên tuyến đường Đông Trường Sơn thì bị một tấm tôn lớn bay trúng người, khiến ông ngã xuống đường và tử vong.
-
Dừng lưu thông trên quốc lộ 1
Ngày 28/10, hàng nghìn phương tiện dồn ứ dọc quốc lộ 1 từ TP Cam Ranh về hướng tỉnh Ninh Thuận và từ xã Ninh Ích đến chân đèo Cổ Mã (huyện Vạn Ninh).
Thượng tá Ngô Văn Thảo, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc dừng lưu thông các phương tiện là thực hiện theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Công an tỉnh Khánh Hòa đã bố trí 2 điểm với 40 cán bộ, chiến sĩ ở 2 điểm TP Cam Ranh và chân đèo Cổ Mã (huyện Vạn Ninh) để chốt chặn. Nhiều tài xế cho biết họ bất ngờ trước lệnh cấm lưu thông, nhưng vui vẻ chấp hành vì sự an toàn cho bản thân.
Quốc lộ 1, đoạn qua Khánh Hòa ùn ứ. Ảnh: T. Anh.
-
Niềm vui "tàu an toàn"
Hầu hết tàu thuyền của ngư dân neo đậu tại cảng Quy Nhơn an toàn sau bão số 9. Ông Nguyễn Thành Tài chia sẻ ban đầu lo lắng lắm, nhưng thấy tài sản mình không bị hư hại thì rất vui.
Ảnh: Trương Khởi.
-
Lũ cuốn trôi cầu, hàng nghìn người dân ở Kon Tum bị cô lập
Tại Gia Lai, bão số 9 làm tốc mái 21 ngôi nhà và nhiều trường học tại các huyện Chư Sê, Ia Hiao, Krông Chro.
Trong khi đó, ở Kon Tum, bão khiến quốc lộ 24 và quốc lộ 26 qua huyện Kon Plông bị ngập nước, các phương tiện không thể lưu thông. Hiện nay xã Măng Cành, huyện Kon Plông với hàng nghìn nhân khẩu đã bị cô lập vì tỉnh lộ 676 ngập sâu.
Lũ lớn cũng xuất hiện tại huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cuốn trôi cầu sắt nối xã Đắk Pne với trung tâm huyện khiến 1.500 khẩu bị cô lập.
Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei, cho biết mưa lớn còn khiến tuyến đường tỉnh lộ 673 và đường Hồ Chí Minh, nhiều điểm sạt lở khiến xã Đắk Plô và Ngọc Linh bị cô lập.
Ảnh: Việt Hiến.
-
"Bão số 9 tàn khốc quá!"
Ông Phan Tấn Mùi (78 tuổi, ở xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) thẫn thờ, đứng lặng người trước căn nhà vừa bị bão quật tả tơi. "Bão số 9 tàn khốc quá!", ông nói, mắt rưng rưng. Cơn bão vừa quét qua đã khiến nửa ngôi nhà phía trước của gia đình ông Mùi bị quật ngã, cảnh nhà tiêu điều.
Ảnh: Minh Hoàng.
-
Nhiều tàu ở đảo Lý Sơn bị bão đánh chìm
Sau khi bão số 9 quét qua huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nhiều nhà dân bị sập, tàu thuyền và lồng bè nuôi cá của người dân bị hư hỏng, nhiều tàu bị đánh chìm, gây thiệt hại lớn.
-
Đường sắt tê liệt
Trao đổi với Zing, ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang (Khánh Hòa), cho biết bão số 9 khiến cây cối ngã vào đường ray, giao thông đường sắt tê liệt.
“Từ sáng, mưa lớn nên công tác kiểm tra chưa được kỹ càng. Vì thế, chúng tôi chưa nắm được cụ thể thiệt hại”, ông Sơn nói. Cũng theo vị này, công tác kiểm tra, khắc phục đường sắt sẽ được đơn vị thực hiện ngay sau khi thời tiết thuận lợi.
Tàu kẹt ở Ga Tuy Hòa (Phú Yên) . Ảnh: Lê Xuân.
-
-
Tàu cá Quảng Nam đứt neo, 2 ngư dân mắc kẹt
Báo Quảng Nam dẫn lời ông Lê Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, cho biết trưa 28/10, một tàu câu mực đang neo đậu tại âu thuyền xã Tam Quang, huyện Núi Thành bị đứt neo, gió đẩy trôi vào vùng nước cạn. Gió mạnh khiến tàu nghiêng, 2 ngư dân bị mắc kẹt trên nóc cabin.
Hiện 2 ngư dân này đã liên lạc với lực lượng biên phòng và được hướng dẫn giữ liên lạc với đất liền, mặc áo phao an toàn chờ ứng cứu.
-
Dân tranh thủ chặt cành cây, tránh gãy đổ vào nhà
Ảnh: Thanh Đức.
14h chiều 28/10, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam) gió vẫn rất mạnh. Sau trận mưa lớn kèm gió to buổi sáng, hàng trăm ngôi nhà, hàng quán bị tốc mái. Người dân tranh thủ leo lên mái nhà chặt hạ nhánh cây, tránh gãy đổ vào nhà.
-
Vội gom tài sản khi bão lặng
Đầu giờ chiều 28/10, khu vực Chu Lai lặng gió. Người dân vội vã chạy ra quốc lộ 1 nhặt nhạnh tài sản bị gió cuốn. Một số người trèo lên mái nhà để xem xét thiệt hại.
Ảnh: Ngọc Tân.
-
4 người ở Bình Định bị thương
Ảnh: Thanh Đức.
Theo số liệu thống kê của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định, bão số 9 đã làm sập 1 ngôi nhà của hộ dân ở xã Nhơn Mỹ (thị xã An Nhơn) và 2 ngôi nhà khác của người dân ở phường Quang Trung và phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị tốc mái.
Trong lúc chằng chống nhà cửa, 4 người dân ở thị xã An Nhơn, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn đã bị thương.
-
Mạo hiểm gỡ cây đổ khỏi đường điện
Ảnh: Phạm Ngôn.
Một đoạn lưới điện quốc gia qua khu vực dân cư ven biển Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi bị cây gãy đổ đè lên. Người đàn ông đang mạo hiểm cố gỡ nhánh cây khỏi đường điện.
-
-
Đổ hàng loạt trụ điện ở Quy Nhơn
Ảnh: Trương Khởi.
Sau khi cơn gió lớn quét qua sáng 28/10, hàng loạt trụ điện trên đường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, bị gãy đổ.
Thống kê ban đầu cho thấy trong các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 9, có 40 xã thuộc các địa phương bị mất điện trong sáng nay.
-
Xót xa nhìn mái nhà bị gió bão cuốn bay
13h, Zing ghi nhận nhiều nhà dân thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, bị tốc mái sau khi cơn bão số 9 đổ bộ. Người dân xót xa nhìn tài sản bị thiệt hại ngay khi bão còn chưa đổ bộ.
Ảnh: Duy Hiệu.
-
Đường phố tiêu điều sau cơn gió lớn
Những hình ảnh xơ xác tại Quy Nhơn khi cơn mưa to kèm gió lớn do ảnh hưởng của bão số 9 quét qua. Ảnh: Trương Khởi.
-
485 nhà, một trường học bị tốc mái
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, hồi 11h ngày 28/10, ngay trên bờ biển Đà Nẵng - Phú Yên, gió cấp 12 (115- 135 km/h), giật cấp 15.
Thiệt hại ban đầu do bão số 9 gây ra khiến 3 nhà bị sập (1 nhà Quảng Ngãi, 1 nhà Bình Định, 1 nhà Phú Yên); 485 nhà bị tốc mái: (Quảng Ngãi 447 nhà, Bình Định 2 nhà, Phú Yên 36 nhà). Ngoài ra, một trường học tại xã Tịnh Thọ (Quảng Ngãi) bị tốc mái. Một cột điện trung thế ở Phú Yên bị gãy, một đường dây trung thế ở đây cũng bị đứt.
Nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh ở Quảng Ngãi bị tốc mái. Ảnh: Minh Hoàng.
-
Thiệt hại rất nặng nề
Hàng loạt cây cối bị quật ngã do sức gió lớn từ cơn bão số 9. Ảnh: Ngọc Tân.
Chỉ đạo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 vào trưa 28/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết vài giờ tới sẽ ảnh hưởng đến Quảng Nam, Đà Nẵng và các khu vực xung quanh. “Bão đã làm sập những nhà yếu, tốc mái hầu hết nhà cấp 4 và những công trình có mái lợp; cây cối đổ rất nhiều, thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt ở Quảng Ngãi và một số địa phương”, Phó thủ tướng thông tin.
Ông cho biết hiện nay bão mới bắt đầu, sẽ tiếp tục vào đất liền trong những giờ tới và lưu lại rất lâu, nên ảnh hưởng của cơn bão là rất lớn. “Nếu chúng ta không quyết liệt ứng phó thì rất nguy hiểm”, Phó thủ tướng cảnh báo.