Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đây là cơn bão mạnh nhất trên Thái Bình Dương trong vòng vài năm trở lại đây. Khi vào biển Đông, cường độ của bão vẫn còn rất mạnh.
Tối cùng ngày, bão số 9 cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 590 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, 15 (150-180 km/h), giật trên cấp 17. Bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km. Dự báo ngày 22/9, bão số 9 còn cách Hong Kong khoảng 130 km.
Nước ngập khu dân cư ở xã Thăng Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. |
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 13-14 (từ 134-166 km/h), giật cấp 16-17. Tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km đổ bộ vào Hong Kong và đi vào đất liền tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sau đó bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía tây và có thể tan gần khu biên giới Việt - Trung.
Theo ông Hải, các mô hình dự báo quốc tế và Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đều nhận định khả năng bão số 9 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta là ít.
Tuy nhiên ngoài gây thời tiết xấu trên biển, hoàn lưu bão cũng sẽ gây ra đợt mưa vừa tại Bắc bộ khoảng ngày 24, 25-9. Bão cũng làm gió tây nam trên biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) mạnh cấp 5, có lúc cấp 6-7. Các tỉnh Nam bộ tiếp tục có mưa trên diện rộng.
Theo các bản tin quốc tế, ngày 21-9 siêu bão Usagi đã đánh trực tiếp vào Philippines, Đài Loan. Chính quyền địa phương Philippines cho hay đảo Batanes, cực bắc Philippines, là nơi đầu tiên phải hứng chịu cơn bão Usagi với gió lốc lên đến 250 km/h, khiến điện thoại bị gián đoạn và các khu vực trồng trọt bị thiệt hại nặng nề.
Trung tâm phòng chống thiên tai quốc gia Philippines đã ghi nhận tình trạng ngập lụt đe dọa bốn khu vực thuộc đảo Luzon, nơi có đông dân cư nhất nước. Tại những khu vực này, đường sá và những cây cầu đang bị nhấn chìm khi nước lũ dâng cao và có nguy cơ gây sạt lở đất.
Còn ở Đài Loan, hoạt động đường sắt và hàng không đều bị hoãn. Nhiều trường học, văn phòng làm việc ở miền nam và miền đông nước này phải đóng cửa để tránh bão.
Gần 300 nhà dân Thanh Hóa ngập trong nước lũ
Chiều 21/9, ông Trần Văn Thuấn - chủ tịch UBND huyện Nông Cống (Thanh Hóa) - cho biết do mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn các xã miền núi huyện Như Thanh những ngày qua đổ về đã gây ngập lụt nặng nề cho nhiều xã của huyện Nông Cống.
Đến chiều 21/9, trên địa bàn huyện có 297 nhà dân ngập trong nước lũ, trong đó riêng xã Tượng Sơn có 230 hộ dân bị ngập, còn lại ở các xã Thăng Bình, Vạn Thiện. Một cháu bé 4 tuổi ở làng Kén, xã Tượng Sơn bị chết đuối trong nước lũ.
Trong khi đó rạng sáng 21/9, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập và tốc mái 24 căn nhà dân ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, ước thiệt hại gần 200 triệu đồng. Do mưa dông xảy ra bất ngờ nên người dân không kịp trở tay.
Cũng rạng sáng 21/9, cơn mưa kèm theo gió lớn đã quật gãy một số cây trong công viên 30-4, Q.1, TP.HCM. Tương tự, một số cây xanh trên đường Nguyễn Oanh, P.7, Q.Gò Vấp bị dông, lốc thổi mạnh làm nhiều nhánh bị gãy.
Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Phước cho hay mưa lớn những ngày qua đã làm một người tại xã Phước An, huyện Hớn Quản chết do lũ cuốn trôi. Lũ quét cũng cuốn trôi bốn căn nhà, làm tốc mái nhiều nhà dân và một trường THCS.
Một căn nhà bị sụt lún, sơ tán 5 hộ dân
Khoảng 8h30 ngày 21/9, căn nhà số 283/30/27 Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM bất ngờ sụt lún khiến sáu căn nhà bên cạnh nứt tường. Lúc này, nhiều người dân sống ở các ngôi nhà trên hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài. Bà Phùng Thị Kim Con (54 tuổi, thuê nhà 283/30/27) cho biết: “Khi tôi đang ngủ trên lầu thì nghe có tiếng răng rắc, cả căn nhà lắc lư. Lúc đó tôi và con trai dìu nhau chạy ra ngoài”.
Theo bà Con, căn nhà này bà thuê lại từ một người cách đây sáu tháng. Trước đó, gia đình bà phát hiện các bức tường bị nứt nhưng chưa kịp chuyển đi. Tại hiện trường, nền nhà sụt xuống hơn 1m, sáu căn nhà bên cạnh cũng có dấu hiệu sụt, nứt. Nhiều đồ đạc như tivi, quần áo, tủ lạnh... nằm lẫn lộn trong đống đổ nát.
Ông Nguyễn Thành Chung, chủ tịch UBND Q.8, cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND quận cùng cơ quan chức năng đã kiểm tra hiện trường và cô lập khu vực nguy hiểm, sơ tán dân để đảm bảo an toàn.