Ngày 25/11, bão số 9 mang theo mưa lớn đã gây nhiều khó khăn cho hành khách và bộ phận kiểm soát không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hàng chục chuyến bay đã phải tạm hoãn hoặc chuyển hướng hạ cánh do tắc nghẽn không lưu.
Bay lòng vòng về... điểm xuất phát
Theo ACV, từ 15h ngày 25/11 đến 1h ngày 26/11, sân bay Tân Sơn Nhất liên tục có mưa lớn, tầm nhìn 800 - 1.000 m, gió giật mạnh. Các hãng hàng không đã hủy 22 chuyến bay do ảnh hưởng bão.
Hành khách chờ đợi tại sân bay Tân Sơn Nhất lúc 2h sáng ngày 26/11. Ảnh: Lý Trang. |
Các sân bay nội địa như Đà Nẵng, Cam Ranh... và sân bay quốc tế tại Phnom Penh, Bangkok đều phải dành thêm vị trí cho các chuyến bay hạ cánh không theo kế hoạch.
Ghi nhận trên ứng dụng FlightRadar lúc 20h40, vùng trời Đông Nam Bộ chằng chịt máy bay lượn vòng chờ hạ cánh, các chuyến bay phải hạ cánh trễ hơn thực tế từ 1 đến 3 tiếng đồng hồ.
Chuyến bay 3K551 của hãng hàng không Jetstar từ Singapore về TP.HCM phải chuyển hướng hạ cánh xuống Phnom Penh sau 2 tiếng lượn vòng chờ hạ cánh tại Tân Sơn Nhất.
Ảnh hưởng của bão số 9 - Usagi gây ra tình trạng tắc nghẽn không lưu. Hàng loạt chuyến bay đến TP.HCM đang phải lượn nhiều vòng chờ hạ cánh. |
Chuyến CSN8317 của hãng China Southern Airlines từ Vũ Hán về TP.HCM lúc 21h cũng phải chuyển hướng sang hạ cánh ở Bangkok. Đến rạng sáng 26/11, chuyến bay mới từ Bangkok về đến TP.HCM.
Cá biệt có những chuyến bay phải quay lại điểm khởi hành sau nhiều lần bay vòng chờ hạ cánh, như chuyến VN133 của Vietnam Airlines từ Đà Nẵng đi TP.HCM, chuyến BL320 của Jetstar từ Phú Quốc đi TP.HCM...
Trắng đêm giải quyết sự cố
Đêm 25/11, tại Trung tâm điều hành khai thác (OCC) của Vietnam Airlines, các bộ phận trực điều hành khai thác làm việc hết công suất. Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, áp lực, thông tin cần xử lý nhiều hơn gấp bội.
Nhiều hành khách nằm ngủ giữa sảnh sân bay do các chuyến bị delay liên tục. Ảnh: M.H. |
Theo số liệu của OCC, trong ngày 25/11 đã có 78 chuyến bay bị chậm, 14 chuyến huỷ và 23 chuyến phải chuyển hướng do thời tiết xấu tại TP.HCM.
Ông Đinh Văn Tuấn, Giám đốc OCC, cho biết đơn vị đã huy động tối đa nguồn lực túc trực cả đêm. Các trực ban trưởng liên tục tiếp nhận điện thoại từ các đầu sân bay để trao đổi về cách xử lý từng chuyến bay.
Đại diện hãng hàng không Vasco cũng cho biết chuyến bay số hiệu VN8072 từ Côn Đảo đi Sài Gòn đã phải lượn nhiều vòng ở giữa đường do sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra tình trạng ùn tắc không lưu.
Sự cố ùn tắc không lưu lập tức gây ra phản ứng dây chuyền mà người chịu thiệt hại bao gồm cả hành khách, các hãng hàng không lẫn các sân bay.
Ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất đêm 25/11, hàng trăm hành khách phải đợi chờ, nằm ngủ la liệt đến sáng do máy bay chậm chuyến và các tuyến đường quanh sân bay bị ngập nước. Hành khách trên các chuyến bay đến TP.HCM cũng gặp phiền toái khi máy bay phải lượn nhiều vòng, chao đảo vì gió giật mạnh.
Các hãng hàng không cũng chịu thiệt hại tài chính do thời gian và quãng đường mỗi chuyến bị tăng thêm.
Đến 1h ngày 26/11, tình trạng tắc nghẽn không lưu cơ bản được giải quyết. Toàn bộ các chuyến bay đến và đi tại sân bay Tân Sơn đều đảm bảo an toàn.