Chiều 23/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 8 đang cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông. Suốt 3 giờ qua, bão duy trì cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Bão số 8 gây mưa
Trao đổi với Zing, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão số 8 đang ở giai đoạn mạnh nhất trong thời gian di chuyển trên biển.
Nguyên nhân bão liên tục tăng cấp trong những giờ qua là hình thái này đang di chuyển trên một vùng biển ấm, nhiệt độ cao thuận lợi cho sự mạnh lên của bão.
Dù vậy, khi đi qua quần đảo Hoàng Sa, do tác động của khối không khí lạnh và khô, đồng thời có sự xáo trộn bề mặt nước biển khiến nhiệt độ nước biển lạnh đi, nên khả năng bão sẽ suy yếu dần trước khi tiến vào đất liền các tỉnh Trung Bộ.
Dự báo đường đi của bão số 8 trên Biển Đông. Ảnh: VNDMS. |
Dù vậy, hoàn lưu bão vẫn gây mưa cho các tỉnh miền Trung, trọng tâm nằm ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Mưa bắt đầu từ đêm 24/10 và kéo dài đến ngày 26/10 với lượng phổ biến 100-150 mm. Các khu vực lân cận có mưa nhỏ hơn.
Cập nhật thêm về diễn biến thời tiết thời gian tới, ông Khiêm cho biết sau khi bão số 8 suy yếu và đi vào đất liền nước ta, một áp thấp nhiệt đới khác có khả năng tiến vào Biển Đông.
"Thời điểm này, phân tích các dữ liệu vệ tinh cho thấy trên dải hội tụ vắt qua Trung Trung Bộ có khả năng hình thành một vùng thấp, bắt đầu từ phía đông Philippines và mạnh thành áp thấp nhiệt đới. Theo xu thế hiện nay, hình thái này có thể mạnh thành bão và đi vào Biển Đông những ngày tới", ông Khiêm nói.
Dù vậy, chuyên gia nhận định còn quá sớm để dự báo về mức độ ảnh hưởng của hình thái này đối với nước ta trong những ngày cuối tháng 10. Tác động đầu tiên cần lưu ý là cơn bão tiếp tục gây gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Hai nhiệm vụ quan trọng
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó bão số 8 chiều 23/10, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết nếu bão số 9 tiếp tục vào Biển Đông trong những ngày tới, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong tháng 10 sẽ lập kỷ lục.
"Chưa năm nào có đến 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong một tháng. Các tương tác của những hình thái trước gây xáo trộn mặt nước biển, hoàn lưu của những cơn trước lởn vởn xung quanh, cơn này nối cơn kia", Bộ trưởng Cường nhận định.
Về ảnh hưởng của bão số 8, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng hoàn lưu bão gây mưa với lượng không quá lớn nhưng cần chú ý vì khu vực đã trải qua một đợt mưa kéo dài, bất kỳ tác động nào dù là nhỏ nhất cũng gây tổn thương.
"Điều đáng mừng là trong thời gian qua hơn 2.600 hồ chứa ở các tỉnh miền Trung vẫn giữ được an toàn. Nhưng thời gian tới, địa phương không được chủ quan với việc vận hành các hồ này", ông Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 8 chiều 23/10. Ảnh: Ngọc Hà. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết các tỉnh miền Trung và các bộ, ngành đang đứng trước hai nhiệm vụ quan trọng cần phải làm cùng lúc, là phục hồi sau đợt mưa lũ vừa qua và chuẩn bị ứng phó với những cơn bão mới.
Ông yêu cầu các địa phương cần rà soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn neo đậu tại các khu tránh trú bão; rà soát không để người trên các phương tiện khi bão đổ bộ.
Đồng thời, lực lượng chức năng cần quản lý chặt chẽ các tàu thuyền ra khơi, rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, kiểm tra an toàn hồ đập, đê điều nhất là các công trình xung yếu, đang thi công, khu vực sạt lở và quản lý an toàn giao thông...
Ngoài ra, các tỉnh, thành phố tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất, đời sống, môi trường sau mưa lũ ngập lụt nghiêm trọng vừa xảy ra.