Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão số 2 diễn biến phức tạp và trái quy luật

Chuyên gia khí tượng nhận định bão số 2 có khuynh hướng phức tạp và trái quy luật nếu đổ bộ vào Bắc Trung Bộ. Bão có thể mạnh cấp 10 khi vào bờ.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, thông tin cơn bão số 2 (có tên gọi quốc tế là Talas) bắt đầu hình thành từ chiều 15/7.

Theo chuyên gia khí tượng, nhiều khả năng bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Thời điểm bão ảnh hưởng đến đất liền vào khoảng nửa đêm chủ nhật đến ngày thứ hai (16-17/7). Ảnh hưởng của bão sẽ khiến khu vực này có mưa vừa đến mưa to.

Ông Hải cho hay chưa thể khẳng định bão sẽ đổ bộ vào tỉnh nào, cường độ của bão đang là cấp 8 và có khả năng mạnh lên cấp 9 - 10 khi vào gần bờ. Đến sáng 16/7, cơ quan dự báo sẽ xác định rõ bão đổ bộ vào tỉnh nào.

“Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ trực tiếp vào đất liền Việt Nam trong năm nay. Cơn bão được hình thành trong Biển Đông nên có khuynh hướng rất phức tạp. Bão sẽ trái quy luật nếu vào Bắc Trung Bộ", ông Hải nói.

Vị chuyên gia này cho biết theo quy luật, trong tháng 7, các cơn bão thường vào Bắc Bộ.

Bao so 2 anh 1
Hướng di chuyển của bão số 2 trong những ngày tới. Ảnh: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. 

Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương thông báo hiện vị trí tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 240 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/h), giật cấp 9 - 10. 

Sau đó, bão di chuyển theo hướng tây chếch bắc với vận tốc 15 - 20 km/h và có khả năng mạnh hơn. Đến 16h chiều 16/7, bão số 2 tăng cấp với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm là cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 10. Vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nam Định - Hà Tĩnh khoảng 230 km về phía đông đông nam.

Cơ quan khí tượng thông tin trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão giữ nguyên hướng di chuyển và vận tốc. Đến 4h ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vùng ven biển các tỉnh Nam Định - Hà Tĩnh với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm giảm còn cấp 8 (60 - 75 km/h), giật cấp 9 - 10. 

Sau đó, bão đi sâu vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi một vùng áp thấp. 

Trung tâm khí tượng cảnh báo từ chiều 16 đến ngày 18/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 100 - 350 mm. 

Ngày 17-19/7, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng (Thái Bình) với biên độ lũ lên 2 - 3 m, trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh biên độ lũ lên 4 - 6 m.

Lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng nhiều khả năng xảy ra ở vùng núi phía Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đồng thời, tình trạng ngập úng có thể xuất hiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. 

Chiều 15/7, Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh ven biển Hà Tĩnh - Quảng Ninh kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh bão, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn với các tàu thuyền đã về bến. Đồng thời, các tỉnh này cần chủ động việc cấm biển, kể cả với tàu vận tải và du lịch.

Ngoài ra, tổ chức sơ tán người dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh khu nuôi trồng thủy sản, vùng trũng thấp ven biển đến nơi an toàn. Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh hoàn thành những công việc này trước 17h ngày 16/7.

Bão số 2 tăng cấp, đang tiến vào đất liền phía Bắc

Hiện, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2, sức gió mạnh nhất ở gần tâm cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 9-10. Chiều 16/7, bão vào bờ biển Nam Định - Nghệ An, tiến sát đất liền.



Hoàng Như

Bạn có thể quan tâm