Hơn 10 ngày qua, hai cái tên Seungri, Jung Joon Young và nhóm bạn chat sex dường như phủ kín mặt báo từ Đông sang Tây. Từ New York Times, Time, CNN, Guardian, Telegraph, NPR, ABC (Âu - Mỹ) đến The Strait Times, The Jakarta Post, South China Morning Post, ABS-CNB News (châu Á) đều đưa tin sát sao.
Kèm với đó là hàng nghìn ý kiến bình luận về rất nhiều khía cạnh của sự việc. Hầu hết đều nhất trí đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, lật tẩy những góc khuất xấu xa và đưa ra lời cảnh tỉnh đanh thép cho nghệ sĩ và dư luận.
Lột trần bản chất "văn hóa cưỡng hiếp" ở Hàn Quốc
Bình luận trên đài phát thanh NPR hôm 17/3, nhà báo Lee Jihye của Bloomberg News phân tích cách nhìn về vụ Seungri từ văn hóa Hàn Quốc để thính giả phương Tây hiểu rõ hơn. Sự việc bao gồm những chứng cứ và tình tiết phức tạp, trong đó có các đoạn chat suồng sã giữa nhóm bạn đồi trụy và chuyện môi giới mại dâm nên phải đặt trong bối cảnh Hàn Quốc mới có thể hiểu đúng.
Chẳng hạn, nếu Seungri nói về việc giới thiệu phụ nữ cho một vài khách hàng, hứa hẹn họ sẽ "phục vụ tốt", điều đó ám chỉ hoạt động mại dâm chứ không đơn thuần là tiếp khách, giao đãi.
Cách Seungri ngã giá "10 triệu won một cô" như bán một mớ rau khiến dư luận lạnh gáy. Ảnh: Yonhap News. |
Về lời tuyên bố "giải nghệ" và rút lui khỏi showbiz của nhóm bạn bê bối (Seungri, Jung Joon Young, Choi Jong Hoon, Yong Jun Hyung), công chúng phương Tây thấy khá khó hiểu vì từ "giải nghệ" (retire) là quá sớm vì các nghệ sĩ này mới 28-30 tuổi, rõ ràng là còn rất trẻ.
Nhưng trong showbiz Hàn, việc giải nghệ khi gặp scandal là chuyện rất thường xuyên xảy ra, đã trở thành một nét ứng xử phổ biến. Hơn nữa, độ tuổi 30 đã bị coi là "cứng tuổi", "lão làng", "các anh già" ở Kpop, nơi vốn chuộng những thần tượng trẻ trung từ 15-25 tuổi.
"Về cơ bản, các nghệ sĩ này ẩn đằng sau những công ty giải trí lớn giống như nhóm quyền lực ở Hàn Quốc. Các nhóm này bảo vệ người nổi tiếng khi họ phạm những tội ác ghê tởm. Đồng thời, điều đó cũng cho thấy mối quan hệ giữa các công ty này với cảnh sát, công tố và chính phủ. Do đó, họ tạo nên một mạng lưới quyền lực cho phép các hành vi lạm dụng này tiếp tục xảy ra", nhà báo Lee Jihye phân tích.
Jung Joon Young thản nhiên chat với bạn bè về việc cưỡng hiếp như chuyện thường ngày, không có gì to tát. Ảnh: Abc.net.au. |
Khi được hỏi về suy nghĩ của người dân Hàn Quốc về vụ việc, Lee Jihye cho rằng họ đang được cảnh tỉnh và ý thức hơn về quyền của mình. Có rất nhiều phụ nữ theo dõi sự việc và nghĩ nạn nhân có thể là chính mình. Điều này không có gì mới, nhưng vẫn có giá trị cảnh tỉnh.
"Một nền văn hóa dung túng cho nạn cưỡng hiếp, bạn sẽ thấy nếu bước vào các câu lạc bộ đêm ở Hàn", Lee Jihye nói, "Nếu là phụ nữ, bạn phải chấp nhận đàn ông sẽ quấy rối mình. Và từ lâu, phụ nữ Hàn Quốc đã mang tâm lý chấp nhận, không dám chống lại. Nhưng nay, truyền thông đã quan tâm hơn và nhiều phụ nữ đang cất lên tiếng nói của mình, tẩy chay các câu lạc bộ đêm và nói về trải nghiệm bị quấy rối".
Trong vụ Jung Joon Young, nam ca sĩ huênh hoang khoe với các chiến hữu trong nhóm chat về việc chuốc thuốc và cưỡng hiếp các cô gái gặp ở câu lạc bộ đêm, cũng như ý định dụ dỗ một nhóm phụ nữ lên xe ôtô rồi cưỡng hiếp. Những người đàn ông này tán gẫu như thể đó là "chuyện thường ngày ở huyện", như một điều đương nhiên.
Giới giải trí Hàn đang nuôi những "quả bom hẹn giờ"
Tờ New Straits Times (Malaysia) nhìn sâu hơn vào vụ việc khi bàn về nền giải trí khắc nghiệt của Hàn Quốc, nơi các công ty giải trí chú trọng nhào nặn nên ngoại hình và khả năng trình diễn của thần tượng, trong khi hoàn toàn ngó lơ việc giáo dục văn hóa và đạo đức cho họ.
Tờ báo trích lời các nhà bình luận về showbiz Hàn cho rằng những ông chủ, quản lý giải trí đưa ra yêu cầu ngặt nghèo về luyện tập và kiểm soát mọi yếu tố trong cuộc sống của thần tượng, bao gồm cấm yêu đương, khiến các thần tượng khó có thể hình thành nhân cách trưởng thành.
Theo các chuyên gia, nhiều thần tượng Kpop được dạy vũ đạo gợi cảm nhưng bị bỏ bê giáo dục về văn hóa và đạo đức. Ảnh: Cắt từ clip. |
"Họ tập trung vào tìm kiếm các bài hát có thể chiến thắng trên bảng xếp hạng, công thức vũ đạo để gây sốt mạng xã hội. Cái giá quá đắt phải đánh đổi là những thần tượng hoàn toàn thiếu hụt giáo dục về đạo đức", nhà bình luận Ha Jae Keun nói, "nhiều công ty nhận ra vấn đề khi mọi thứ đã quá muộn".
Các thần tượng Kpop luôn phải dành rất nhiều thời gian cho công việc ở công ty nhưng trái lại, các công ty này rất ít quan tâm đến đời sống tinh thần của họ. "Nếu các công ty không quan tâm đến các ngôi sao, trong đó có việc giáo dục và kiểm soát stress, họ sẽ nuôi dưỡng những quả bom hẹn giờ", chuyên gia Kim Sung Soo nhận định.
Lấy Jung Joon Young làm ví dụ. Trên thực tế, ca sĩ này luôn bộc lộ những suy nghĩ lệch lạc về phụ nữ và tình dục, quay MV 18+, đóng phim sitcom 18+ với nhiều cảnh thô thiển, lộ chuyện sưu tầm và xem phim sex tại nhà riêng từ lúc chưa nổi tiếng, nhưng các tình tiết này đều được coi như chuyện đùa vui trước khi anh này dính bê bối.
Jung Joon Young để lộ bản chất mê sex, thích nói tục tĩu từ lâu nhưng trước đây lại được coi là hài hước. |
Công chúng cũng dễ dãi khi cho rằng với những đặc điểm đó, Jung Joon Young là người hài hước, nghịch ngợm, thú vị và thậm chí là "người đàn ông hấp dẫn". Người hâm mộ yêu thích anh này cũng vì tính cách độc nhất vô nhị, ứng xử tinh quái trong các show truyền hình và còn đặt biệt danh "người không thuộc về Trái Đất". Tất cả ngã ngửa khi biết về con người thực của Jung Joon Young qua các tin nhắn bệnh hoạn.
Chính Jung Joon Young và Seungri là những quả bom nguyên tử đã phát nổ khiến giới giải trí Hàn Quốc tan hoang và đau đớn, không bao giờ có thể lấy lại niềm tin của dư luận như trước.
"Đừng thần tượng hóa kẻ tội phạm dâm dục"
Văn hóa thần tượng với mục đích sản sinh ra những thần tượng khiến người ta ngưỡng mộ về mọi mặt đúng là con dao hai lưỡi, khi chính các thần tượng đó nhân cách lại chẳng ra gì. Chữ "thần tượng" vốn rất cao cả theo cách hiểu trước đây được cụ thể hóa, trở nên nhỏ hẹp hơn, xoay quanh ngoại hình, khả năng trình diễn và hình tượng được nhào nặn kỹ lưỡng.
Bình luận trên The Jakarta Post, tác giả Primastuti Handayani kêu gọi khán giả, đặc biệt là người hâm mộ Kpop, hãy thận trọng hơn trong việc lựa chọn thần tượng và đừng trao nhầm sự ngưỡng mộ cho "những kẻ tội phạm dâm dục".
Người hâm mộ hoàn toàn có quyền nói không và quay lưng với thần tượng khi họ lộ bản chất sa đọa. Ảnh: The Jakarta Post. |
Tự nhận cũng là fan Kpop và có con gái là fan Kpop, Handayani hiểu rất rõ chuyện xiêu lòng trước các ca sĩ Hàn Quốc đẹp trai, xinh gái với biểu cảm quyến rũ, dễ thương và thân hình gợi cảm. Nhưng, là một bà mẹ của đứa con tuổi teen và cũng là một phụ nữ, tác giả nhắc nhở khán giả rằng các sao nam dính bê bối chưa từng xin lỗi những nạn nhân của họ.
Khi dính bê bối, đặc biệt là về tình dục, lời xin lỗi họ đưa ra luôn rất chung chung: xin lỗi công chúng, người hâm mộ, xin lỗi quốc dân, xin lỗi nền giải trí... Nhưng đối tượng chịu đau đớn và tổn thương nhất là các nạn nhân thì không nhận được lời xin lỗi thỏa đáng, thường chỉ được nhắc đến bóng gió là "những ai bị tôi làm tổn thương".
"Chúng ta nên giáo dục các cô gái trẻ biết rằng họ có quyền nói không với thần tượng, có quyền quay lưng khi thần tượng phạm tội mà không phải xấu hổ hay mặc cảm phản bội gì cả", Handayani viết, "Chúng ta cần giáo dục các cô gái rằng thần tượng cũng là con người đầy tì vết và có thể phạm sai lầm. Mỗi khi phạm sai lầm, họ xứng đáng trả giá và bị trừng phạt".