"Đội ngũ kỹ sư của Apple đã cộng tác với những nhà chế tạo mặt nạ chuyên nghiệp và nghệ sĩ trang điểm của Hollywood để chống lại các nỗ lực qua mặt Face ID", Phil Schiller - Phó chủ tịch Apple nói trong buổi ra mắt iPhone X. Ông khẳng định iPhone X có khả năng phân biệt mặt người và mặt nạ.
Hình ảnh chiếc mặt nạ BKAV sử dụng để qua mặt Face ID. |
Tuy nhiên, trong một thử nghiệm mới đây của BKAV, họ đã cho thấy khả năng mở khoá Face ID chỉ với một chiếc mặt nạ làm từ các nguyên liệu giá rẻ. Điều này dấy lên nhiều nghi vấn từ các trang báo nước ngoài.
Trước BKAV, các phóng viên của Wired cũng từng thử nghiệm với các mặt nạ làm từ chất liệu tốt và có độ tinh xảo cao, nhưng không qua mặt được Face ID trên iPhone X. Trong khi đó, các kỹ sư đến từ Việt Nam chỉ sử dụng các nguyên liệu cơ bản, in 3D với mức giá khoảng 150 USD để có thể thực hiện việc này.
Wired đặt ra nhiều nghi vấn về cách làm của BKAV |
Wired nghi ngờ tính chính xác của thử nghiệm cũng như việc BKAV liệu có dùng thủ thuật nào đó để qua mặt Face ID. Marc Roger, chuyên gia về bảo mật, người đã từng “đánh lừa” được cảm biến vân tay năm 2013 cho biết: “Nhiều khả năng họ đã làm suy yếu tính chính xác của Face ID thông qua việc dạy thiết bị nhận dạng khuôn mặt chủ nhân cũng chính là mặt nạ”.
Tuy nhiên, tờ báo này cũng đánh giá khá cao BKAV. Họ cho biết, từ 10 năm trước, hãng công nghệ Việt Nam đã có những thành tựu về nghiên cứu bảo mật. Năm 2008, BKAV cũng từng cảnh báo về độ an toàn của công nghệ nhận diện khuôn mặt trên các máy tính của Lenovo, Toshiba hay Asus.
Trong khi đó, tờ Business Insider lại đặt nghi vấn về quá trình đăng ký khuôn mặt Face ID của BKAV. Theo đó, công ty Việt Nam có khả năng đã đăng ký mặt nạ làm khuôn mặt thực sự. Sau đó, họ có thể thêm các tính năng từ mặt nạ vào người mở khoá như kính hoặc một vài mảnh thạch cao. Điều này sẽ giúp đánh lừa công nghệ Face ID.
Cũng có thể họ chọn cách khác: sử dụng mặt nạ để đăng nhập, sau đó ấn mã nhằm đào tạo để iPhone X nhận dạng chiếc mặt nạ là chủ nhân. Thực tế, các kỹ sư thực hiện thí nghiệm mở khoá Face ID cũng chưa rõ lỗ hổng bảo mật nằm ở đâu. BKAV cho biết sẽ nghiên cứu và giải thích vấn đề đó sau.
Giáo sư Alan Woodward - Khoa máy tính, Đại học Survey - cho biết: “Rất khó để biết chính xác thử nghiệm của BKAV có mánh khoé nào không. Tuy nhiên, Face ID vẫn là một công nghệ sinh trắc học an toàn”.
Ngoài những nghi vấn giống như Wired và Business Insider, Cnet còn chỉ ra nhiều điểm trong cơ chế vận hành của Face ID trên iPhone X khiến cho việc vượt qua hàng rào sinh trắc học này là bất khả thi.
Hình ảnh bài viết về việc "qua mặt" Face ID trên Cnet. |
Theo đó, tờ báo này đặt ra hoài nghi về thời gian để làm mặt nạ. Nên nhớ, Face ID phải được sử dụng mỗi một lần trong 4 giờ. Nếu không, nó sẽ yêu cầu nhập mật khẩu. Ngoài ra, sau 2 ngày nếu không sử dụng iPhone X, nhận diện khuôn mặt sẽ bị vô hiệu hoá.
Theo những gì BKAV nói trong phần hỏi đáp, họ bắt đầu làm mặt nạ vào ngày 5/11. Điều đó cho thấy họ chỉ có 48 giờ để tạo ra sản phẩm có thể đánh lừa Face ID. Với cơ chế hoạt động của iPhone X, mặt nạ của họ phải đánh lừa được nhận diện khuôn mặt 4 giờ sau khi đăng ký. Đây là rào cản về mặt thời gian mà BKAV phải vượt qua.
Trước thắc mắc của nhiều tờ báo lớn, đại diện truyền thông của BKAV cho biết công ty sẽ tổ chức họp báo và trả lời tất cả các câu hỏi liên quan trên kênh YouTube chính thức của công ty vào ngày mai (15/11).