Chiều 6/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có văn bản hỏa tốc gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, báo cáo về một số nhận định về tình hình thiên tai 10 ngày tới.
Bão kết hợp không khí lạnh
Các chuyên gia cho biết áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông hình thành trên một dải hội tụ nhiệt đới và khả năng mạnh lên thành bão số 7 trong những ngày tới.
Hình thái này hướng về phía quần đảo Hoàng Sa, sau đó sẽ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ từ ngày 8/10 đến khoảng ngày 12/10.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng mạnh thành bão trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS. |
Đáng lưu ý, ngày 10 và 11/10, một đợt không khí lạnh mạnh khả năng ảnh hưởng đến nước ta và tương tác với cơn áp thấp nhiệt đới hoặc bão trên. Vì vậy, diễn biến của xoáy thuận nhiệt đới những ngày tới rất phức tạp.
Tổ hợp giữa áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh khả năng gây mưa lớn ở các tỉnh Trung Trung Bộ, Bắc Trung Bộ.
"Ngoài ra, dự báo khoảng ngày 12-13/10, trên Biển Đông tiếp tục có khả năng xuất hiện thêm một cơn bão mới, bão số 8", báo cáo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu rõ.
Cơ quan khí tượng cho biết hiện, mưa lớn bắt đầu xảy ra ở các tỉnh Trung Bộ. Ngày 6-8/10, mưa lớn tập trung ở khu vực Bắc Tây Nguyên, các tỉnh Trung Trung Bộ. Những ngày sau đó, vùng mưa lớn mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, những phân tích dự báo nêu trên cho thấy diễn biến thiên tai trong 10 ngày tới và 3 tháng cuối năm rất phức tạp do có sự kết hợp của nhiều loại hình thiên tai. Những ngày tới, nhiều tỉnh miền Trung khả năng hứng đợt mưa đặc biệt lớn.
Theo bản đồ dự báo Windy, khoảng ngày 13/10, một cơn bão hình thành ngoài khơi Philippines và có thể vào Biển Đông. Cường độ của cơn bão này tương đối mạnh.
Mưa 600 mm
Tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ chiều 6/10, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có đặc điểm là hình thành trên một dải hội tụ nhiệt đới, đồng thời hệ thống mây tương đối rộng.
"Đây là lý do áp thấp nhiệt đới chưa vào đất liền nhưng nhiều tỉnh Trung Trung Bộ đã xuất hiện mưa lớn", chuyên gia nói.
Lúc 13h ngày 6/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 330 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8.
Đêm nay và ngày mai, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h và có thể mạnh thêm. Chiều 7/10, tâm áp thấp nằm trên vùng biển phía tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Hình thái này sau đó giữ nguyên hướng đi, giảm vận tốc xuống còn 5-10 km/h và mạnh lên thành bão. Chiều 8/10, tâm bão nằm trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.
Các tỉnh miền Trung khả năng hứng chịu đợt mưa rất lớn trong 5 ngày tới, đặc biệt là khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum. Ảnh: Windy. |
Chuyên gia cảnh báo từ nay (6/10) đến ngày 8/10, khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên và bắc Tây Nguyên có mưa lớn. Tổng lượng mưa từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và Kon Tum phổ biến 300-500 mm/đợt, có nơi trên 600 mm/đợt.
Trong khi đó, các tỉnh từ Bình Định đến Phú Yên và Gia Lai mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm.
Ngày 9-12/10, mưa lớn mở rộng ra các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Bắc Bộ. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.