Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bão Melor ít có khả năng vào đất liền Việt Nam

Cơ quan khí tượng nhận định bão Melor sẽ suy giảm khi vào biển Đông, ít có khả năng đổ bộ vào đất liền khu vực phía Nam nước ta.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) chiều tối 15/12, việc kêu gọi tàu thuyền trên biển di chuyển tránh bão được xác định phải thực hiện cấp bách.

Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương chiều 15/12 bão Melor (có nghĩa là Hoa nhài - theo tiếng Malaysia) đã đổ bộ vào miền trung Philippine với sức gió cấp 15, giật cấp 17. 

Đến 17h ngày 15/12, vị trí tâm bão ở 13,3 độ vĩ Bắc - 120,7 độ kinh Đông, thuộc phía Tây của Philippine, giáp với biển Đông, bão còn mạnh cấp 13, giật cấp 15-16.  Dự báo vào nửa đêm 15/12, bão Melor  vào biển Đông và trở thành cơn bão số 5 trên biển Đông trong năm 2015.

Theo ông Cường khi bão vào biển Đông vẫn rất mạnh với sức gió cuối cấp 11, giật cấp 13-14. Các trung tâm khí tượng quốc tế đều nhận định bão sẽ tiếp tục đi theo hướng Tây Nam, hướng về trung tâm quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Cao Đức Phát chủ trì cuộc họp triển khai phòng chống bão Melor chiều tối 15/12. 

Đến ngày 18/12, bão sẽ vào giữa quần đảo Trường Sa với sức gió còn ở mức cuối cấp 7 đến cấp 8 và nhiều khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Ông Cường cho biết thêm bão Melor có hướng đi khá giống bão Linda năm 1997 gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, bão Linda càng vào gần bờ càng mạnh, còn bão Melor giảm cấp khi vào gần và đi sâu hơn về phía Nam, khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta thấp. Vì vậy, bão Melor được nhận định không gây nguy hiểm nhiều như bão Linda.

“Khả năng cao nhất là bão không đổ bộ vào đất liền nước ta. Nhưng bão kết hợp gió mùa đông bắc sẽ gây đợt mưa từ 50-100 mm ở Quảng Trị đến Ninh Thuận. Còn các tỉnh Nam Bộ có đợt mưa từ 20-50 mm do ảnh hưởng của bão”, ông Cường cho biết thêm, do kết hợp của gió mùa đông bắc mạnh nên hầu như toàn bộ biển Đông trong thời gian tới có gió cấp 6 trở lên.

Nối tiếp bão Melor, ông Cường cho biết hiện nay có một vùng áp thấp ngoài xa phía đông Philippine đang hình hành áp thấp nhiệt đới và nhiều khả năng sẽ trở thành bão.

“Năm nay El Nino hoạt động mạnh, nhiều khả năng sẽ xảy ra những hiện tượng thời tiết bất thường như đã nhận định từ đầu năm. Lúc bão Melor hình thành, chúng tôi cũng lo ngại diễn biến như bão Linda năm 1997 nhưng đến nay khả năng bão Melor ít vào bờ”- ông Cường nói.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 15h ngày 15/12, các lực lượng đã thông báo, hướng dẫn cho 70.352 tàu thuyền cùng 359.637 người biết diễn biến của bão để đề phòng. Trong đó, khu vực Trường Sa- nơi bão sẽ đi qua có 532 tàu cùng 5.040 ngư dân thuộc 8 tỉnh, thành phố hoạt động. Riêng 1 tàu của Bình Định hiện đang di chuyển về phía đảo Palawan của Philippine để tránh bão.

Để phòng chống bão Melor, Bộ Quốc phòng cũng đã có điện gửi các đơn vị, quân khu sẵn sàng lực lượng, phương tiện. Đến 15h ngày 15/12, các đơn vị đã triển khai  13.747 người (Bộ đội 13.747, Hàng hải 44), 730 phương tiện các loại của Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển và Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt sẵn sàng ứng phó. Riêng  Bộ Ngoại giao có công hàm gửi 4 nước Philippine, Indonesi, Malaysia, Brunei đề nghị hỗ trợ, cứu hộ ngư dân Việt Nam khi vào trú tránh bão.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT - cho rằng lo ngại lớn nhất là tàu thuyền đang hoạt động trên biển và quân dân trên các đảo ở Trường Sa sẽ gặp ảnh hưởng của bão. Ông Phát đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thông báo cho từng tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, tìm nơi trú tránh. Với các tàu hoạt động ở Trường Sa cần được hướng dẫn cụ thể vào các đảo có âu neo đậu như Song Tử Tây. Riêng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng phương tiện, lực lượng để cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền gặp sự cố khi di chuyển tránh bão.

Sau cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có công điện gửi các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng tới Cà Mau cùng các bộ ngành liên quan triển khai các giải pháp phòng chống bão.

Theo ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương - không khí lạnh tiếp tục tăng cường mạnh nên gây rét đậm, rét hại ở miền Bắc trong hai ngày 16 và 17/12. Các khu vực núi cao như Sìn Hồ, Sa Pa, Mẫu Sơn nhiều khả năng xuất hiện băng giá, sương muối. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa đông năm nay.


http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151215/bao-melor-it-co-kha-nang-vao-dat-lien-viet-nam/1021237.html

Theo Tuấn Phùng/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm