Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bạo lực đang tăng vì biến đổi khí hậu

Tình trạng bao hành trong gia đình, xung đột vũ trang, bạo loạn trên khắp thế giới đang tăng dần bởi trái đất ấm lên, các nhà khoa học khẳng định.

SciDev đưa tin các nhà khoa học của Đại học California và Princeton tại Mỹ đã phân tích dữ liệu từ 60 công trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực - bao gồm khảo cổ, kinh tế, khoa học chính trị, tâm lý và địa lý - để tìm hiểu mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và bạo lực.

Một nhóm đàn ông khiêng một người bị thương trong cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Ai Cập với người biểu tình tại Cairo. Ảnh: Reuters.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào những sự kiện nổi bật như bạo lực gia đình tại Ấn Độ, sự sụp đổ của nền văn minh Maya và các triều đại tại Trung Quốc.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng một thay đổi nhỏ trong nhiệt độ trung bình hoặc lượng mưa đều có thể khiến số lượng các vụ xung đột tăng mạnh. Quy luật này thể hiện rõ ở các những vùng giàu lẫn vùng nghèo trên khắp hành tinh", Marshaall Burke, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Ở châu Phi, nếu nhiệt độ tăng thêm 0,4 độ C mỗi năm, số vụ bạo lực - như tấn công hay sát hại người khác - tăng thêm 4%, còn xung đột xảy ra giữa các cộng đồng người (bạo động hay nội chiến) tăng thêm tới 14%.

"Những biến động về nhiệt độ tuy nhỏ, song chúng có thể gây nên những tác động lớn đối với xã hội", Burke bình luận.

Edward Miguel, một giáo sư về kinh tế môi trường và tài nguyên, cũng tham gia nghiên cứu.

"Mọi người thường nghĩ xã hội chúng ta hầu như không còn phụ thuộc vào môi trường nhờ những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, song phát hiện của chúng tôi cho thấy đó là suy nghĩ sai lầm", Miguel nhận xét.

Nghiên cứu không xác định những nguy cơ cụ thể khi nhiệt độ trung bình tăng. Nhưng họ cho rằng sự tăng nhiệt độ có thể gây nên nhiều hậu quả.

"Ví dụ, chúng ta biết rằng ở những nước đang phát triển, khí hậu liên quan tới xung đột vì nó tác động tới các điều kiện kinh tế. Nếu nhiệt độ tăng quá cao và thời tiết trở nên khô, sinh kế của người dân sẽ chịu tác động xấu và khiến họ dễ tham gia các cuộc xung đột hơn", Burke giải thích.

Thái Dương

Bạn có thể quan tâm